Nhắc đến các món ăn chơi ngày Tết, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến mứt dừa thơm ngậy, bùi bùi dễ ăn.

Dừa có thể kết hợp với các loại rau củ quả khác để cho ra thành phẩm với nhiều màu sắc đẹp mắt (xanh, đỏ, tím, vàng…) góp phần cho bàn trà ngày Tết thêm rực rỡ vui mắt nên ngày càng được các gia đình ưa chuộng lựa chọn.

Hơn nữa, cách làm mứt dừa lại khá đơn giản, chỉ cần bỏ chút thời gian và tỉ mỉ một chút là bạn có thể tự tay làm ra những đĩa mứt dừa ngon, sạch và đảm bảo sức khỏe mà không phải ra ngoài mua và lo lắng về chất lượng sản phẩm.

42 1 Me Dam Ha Noi Bat Mi Cach Lam Mut Dua Non An Tet Sieu Hap Dan Da Ngon Con Dep Mat The Nay Thi Khach Khua Chi Co Tam Tac Khen

Công thức dưới đây của chị Tô Hưng Giang (Hà Nội) là một gợi ý cho chị em nội trợ hứng thú với món ăn này.

Công thức làm món mứt dừa non

Nguyên liệu

- Cùi dừa non: 1kg. Lưu ý: Cùi dừa để làm mứt dừa non phải là loại cùi mềm, bẻ cong được nhưng không mềm nhão.

- Đường: 550-650gr

- Sữa đặc: 50gr, có thể thay bằng sữa bột nhưng phải hoà tan với chút nước nóng cho tan ra mới đổ vào dừa

- Bột hương dừa hoặc vani.

42 2 Me Dam Ha Noi Bat Mi Cach Lam Mut Dua Non An Tet Sieu Hap Dan Da Ngon Con Dep Mat The Nay Thi Khach Khua Chi Co Tam Tac Khen

Cách làm:

1. Cắt sợi dừa to hơn đầu đũa một chút, không nên cắt bé quá vì sợi dừa còn teo lại, dài ngắn tuỳ theo sở thích.

2. Ngâm sợi dừa vừa cắt xong vào chậu nước có pha nước cốt chanh để dừa được trắng hơn, sau đó rửa sạch qua một nước và vớt ra.

3. Đun sôi nồi nước rồi tắt bếp, thả phần cùi dừa vào trần qua, vớt ra để ráo và nguội.

4. Rửa lại cùi dừa cho đến khi nước trong, tổng khoảng 10 nước tính từ nước rửa đầu tiên, cùi dừa được rửa sạch khi làm xong mới đỡ tiết dầu và mứt không bị ướt.

5. Cùi dừa rửa xong để thật ráo nước, đem ướp theo tỉ lệ 1kg cùi với khoảng 650gr đường trong 7-8 tiếng, không có thời gian thì ướp 4-5 tiếng là được, nhìn sợi dừa trong, đường tan là xong. Không nên ướp đường lâu quá 8 tiếng dừa sẽ hỏng, kể cả cất vào tủ lạnh.

6. Sên dừa:

- Chọn chảo đáy rộng cho thoải mái, dầy một chút, cho cùi dừa ngâm đường vào chảo, cả cùi và phần nước đường tiết ra, đun sôi rồi hạ lửa xuống trung bình, cứ 6 phút lại đảo một lần.

- Dừa gần cạn nước hạ lửa nhỏ hơn và đảo đều hơn để tránh bị cháy, công đoạn này mà lười là dừa dễ hỏng.

- Đảo đến khi gần cạn thì cho vào 50gr sữa đặc ông thọ hoặc sữa bột, tuỳ theo sở thích. Khi cho sữa đặc vào cũng phải chú ý đảo nhiều, nhanh tay và chú ý lửa để tránh bị cháy.

- Dừa bắt đầu hơi sệt lại và đảo thấy nặng tay là bắt đầu chuẩn bị kết tinh, cho vani hoặc bột hương dừa cho thơm, lúc này càng phải đảo cật lực hơn và hạ lửa mức thấp nhất, đảo một lúc nữa là dừa bung phấn kết tinh bám vào sợi dừa.

- Khi dừa đã kết tinh hoàn toàn,các sợi dừa tách đều nhau và bám phấn thì tắt bếp, nhưng vẫn để chảo dừa trên bếp, tiếp tục đảo để dừa được khô ráo, đảo phải đến 20p coi như bước sấy để sau khi làm xong không bị chảy nước.

Lưu ý: Trung bình một mẻ tính tổng thời gian đảo mất 40p. Không nên đảo lâu quá làm khô hoặc cứng mứt. Sợi dừa khô cong thì đi bao tay sốc lên cho dừa đỡ nóng rồi bỏ ra mâm hoặc khay to, chỉ lấy phần mứt dừa, phần đường kết tinh thì để lại. Để dừa khô hẳn mới cất vào túi.

Cách tạo thêm màu sắc và hương vị cho mứt dừa non

Thực tế có rất nhiều cách tạo màu cho mứt dừa, nhưng theo chị Hưng Giang để giúp mứt dừa non lên màu đẹp thì có thể chọn những nguyên liệu sau: màu hoa đậu biếc, màu trà xanh, hạt dành dành, lá cẩm tím, cacao... và chúng ta nên ngâm chúng từ đầu cùng với đường.

Bên cạnh đó, chị em có thể chọn nguyên liệu để tạo màu khác như củ dền, thanh long ruột đỏ, cà rốt, lá dứa... Tuy nhiên những loại này thường hay bị mất màu hoặc cho màu khá nhạt nên khi làm mọi người cần cho vào lúc mứt sên gần được (lúc dừa đảo nặng tay gần kết tinh) để tránh bay và màu thì nên cho đậm đặc một chút.

42 3 Me Dam Ha Noi Bat Mi Cach Lam Mut Dua Non An Tet Sieu Hap Dan Da Ngon Con Dep Mat The Nay Thi Khach Khua Chi Co Tam Tac Khen

Mứt dừa được tạo thêm màu từ các nguyên liệu khác, trong quá trình sên đường đã rất đẹp mắt

Với mứt làm từ sầu riêng hay chanh dây cũng nên cho nguyên liệu vào lúc mứt gần được chứ không ngâm từ đầu với đường. Ví dụ, cách làm mứt dừa non chanh dây chị Hưng Giang hướng dẫn làm như sau:

- Nguyên liệu: 1kg cùi dừa non, 650gr đường, 2 quả chanh dây lọc lấy nước cốt + 2 thìa canh siro chanh dây để mứt lên màu đẹp và thơm hơn.

- Cách làm: Tương tự như cách làm mứt dừa trắng thông thường. Đến bước sên dừa, khi dừa đảo nặng tay gần kết tinh thì cho nước cốt chanh leo và siro chanh dây vào. Các bước tiếp theo vẫn làm tương tự như công thức đầu tiên. Tuy nhiên cần lưu ý, làm mứt dừa có vị chua như chanh leo không nên cho nhiều chanh vì mứt bị chua là đường không kết tinh được.

Một số lưu ý khi làm mứt dừa non

- Ngâm đường với cùi dừa đến khi thấy sợi dừa trong, đường tan ra là được, không ngâm quá 8 tiếng vì cùi dừa rất dễ bị hỏng.

- Nếu đường đảo mãi không kết tinh được thì là do lượng đường hơi ít, nên nếu mới làm thì nên làm nhiều đường theo tỉ lệ trên, sau làm quen tay giảm xuống 500gr đường cho 1kg cùi dừa.

- Sên chậm, kĩ, lúc đầu lửa vừa, sau giảm dần đến mức nhỏ. Lửa to quá làm cho đường dễ bị cháy và keo lại cũng khó kết tinh.

- Đường cạn thì bắt đầu đảo đều tay và lửa thật nhỏ thì dừa không bị cháy, lúc mới đun hạn chế đảo để không bị lại đường.

- Sau khi mứt kết tinh hoàn toàn, các cọng mứt rời nhau và trở lên khô ráo thì để lửa ở mức thấp nhất đảo thêm coi như bước sấy mứt và giúp cho mứt sau khi làm xong không bị chảy nước.

- Mứt sên xong để nguội bớt, đi bao tay sốc mứt cho rơi bớt đường ra và làm mứt nhanh khô hơn.

- Mứt làm xong có thể bảo quản hút chân không sẽ để được trong khoảng 3 tuần.

Theo V.K - Vietnamnet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC