Trang trọng, hoành tráng với hàng loạt sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch và lễ hội độc đáo, hấp dẫn trong suốt 10 ngày nhằm tôn vinh tinh hoa Thủ đô ngàn năm văn hiến, hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng một bữa tiệc nghệ thuật thực sự. Đó là nội dung chính của kịch bản Đại lễ Thăng Long vừa được nhà văn Nguyễn Khắc Phục hé lộ.
Nhiều hoạt động đặc sắc
Chương trình đặc biệt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội do nhóm tác giả gồm các nghệ sĩ Trọng Khôi, Lê Chức, Doãn Hoàng Giang và nhà văn Nguyễn Khắc Phục (chủ biên) đã được phê duyệt. Theo dự kiến, trong 10 ngày lễ hội, sẽ có các chương trình nghệ thuật đặc sắc của cả nước chào mừng sự kiện trọng đại của Thủ đô như: màn trình diễn của dàn nhạc giao hưởng quốc tế và quốc gia; biểu diễn ca khúc sáng tác mới chào mừng Thăng Long - Hà Nội; liên hoan ẩm thực Hà thành; trình diễn áo dài truyền thống; lễ hội đường phố và chương trình văn hoá - nghệ thuật của tuổi trẻ Thủ đô; thả diều ba miền... Ngoài ra, các hoạt động như khánh thành Bảo tàng Hà Nội, khánh thành tượng đài Bác Hồ, trao giải cuộc thi quốc tế “Thăng Long - Hà Nội, điểm hẹn của bạn”... cũng được tổ chức trang trọng trong dịp này.
Đại lễ diễn ra trong 10 ngày (từ 1-10/10/2010), dự kiến sẽ có 30 hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc với kịch bản được xây dựng chi tiết. Sẽ có nhiều chương trình diễn ra tại nhiều địa điểm ở khắp Thủ đô như: Quảng trường Ba Đình, Quảng trường Cách mạng tháng Tám, đường Phan Đình Phùng, vườn hoa Lý Thái Tổ, Yên Sở, Mỹ Đình; Trung tâm Hội nghị Quốc gia, cửa ô phía Nam, Công viên Bách Thảo... Ở mỗi khu vực sẽ có biểu tượng, chương trình riêng, như tại đường Phan Đình Phùng sẽ xây dựng một cổng Parabol - khu vực chuyên về vui chơi, ca nhạc dành cho thanh niên. Nơi lại diễn ra lễ hội ẩm thực, hội thi thể thao với sự tham gia đồng diễn thể dục của 1.000 người cao tuổi. Theo Ban tổ chức, trong những ngày đó, cả Hà Nội, nơi nào cũng có những hoạt động văn hoá, nghệ thuật phục vụ người dân.
Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ có 2 điểm nhấn quan trọng là lễ khai mạc sáng mùng 1/10 và lễ bế mạc đêm mùng 10/10. Trong đó, lễ khai mạc sẽ có phần nghi lễ quốc gia, diễu binh, diễu hành và công diễn vở kịch “Thăng Long - Hà Nội - Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”, nội dung kể câu chuyện lập quốc từ thời tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đến nay, với hình ảnh Hà Nội là thành phố anh hùng, thành phố vì hoà bình. Từ sự kiện này, Việt Nam sẽ quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè thế giới. Tối cùng ngày là chương trình nghệ thuật Đêm huyền ảo Hồ Gươm với các tiết mục mang tên: Thăng Long hội tụ, Thăng Long rồng bay và Thăng Long - Hà Nội cánh cửa tương lai, Năm cửa ô chào đón. Ngoài ra, Đêm huyền ảo Hồ Gươm còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật, các đơn vị tại 5 sân khấu xung quanh khu vực Hồ Gươm.
Điểm nhấn
Điểm nhấn của Đại lễ là chương trình nghệ thuật độc đáo diễn ra vào đêm 10/10 tại Sân vận động Mỹ Đình với sự tham gia của khoảng 10.000 diễn viên. Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả kịch bản đêm diễn, nhạc sĩ Trọng Đài, nhà báo Lại Văn Sâm và đạo diễn Đỗ Minh Tuấn sẽ đồng đạo diễn chương trình. Dự kiến chương trình gồm 5 chương: Tiền Thăng Long - vành nôi Nhĩ Hà; Quyết định trọng đại; Tinh hoa 1.000 năm văn hiến; Thành phố anh hùng; Thông điệp của thành phố vì hoà bình. Đây là sự kết hợp tinh tế của các yếu tố nghệ thuật như: Điện ảnh, sân khấu và nghệ thuật sắp đặt..., nhằm thể hiện hào khí dân tộc, tinh hoa 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Để viết được kịch bản này, nhà văn Nguyễn Khắc Phục không nhớ nổi đã bao lần ông nâng lên đặt xuống, sửa từng chi tiết. “Suốt ba năm qua, tôi đi khắp nơi để lấy chất liệu cho kịch bản. Tuy đã được Chính phủ phê duyệt nhưng không có nghĩa là đã hoàn chỉnh, trong quá trình thực hiện, gắn liền với thực tế chúng tôi sẽ xây dựng một kịch bản tốt nhất có thể. Riêng về đạo diễn, tôi rất tin Trọng Đài và biết anh có thể làm tốt phần âm nhạc. Ngoài ra, nhà báo Lại Văn Sâm có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác hiệu quả truyền hình; Đỗ Minh Tuấn, người có kinh nghiệm dàn dựng một số đại cảnh nên tôi khá yên tâm. Chương trình này không quá tách bạch giữa các yếu tố điện ảnh - sân khấu. Rất có thể, nhiều chi tiết cần được thể hiện dưới góc độ của nghệ thuật điện ảnh, nghệ thuật sắp đặt... để đêm diễn thực sự trở thành đêm nghệ thuật xứng tầm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, ông nói.
Như vậy, tính đến thời điểm này, chỉ còn hơn 100 ngày nữa Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Về cơ bản, chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội do tiểu ban Văn hóa - Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đảm nhiệm, đã được thống nhất, kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm cũng được các cơ quan triển khai. Hy vọng, với sự chuẩn bị công phu, kỹ càng, công chúng sẽ được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh giá trị văn hóa 1.000 năm của thành phố rồng bay - Thăng Long - Hà Nội.
Theo Kinh tế Nông thôn.