Đã nhiều năm trôi qua giáo viên vẫn phải sống chật vật bằng đồng lương ít ỏi khiến thầy cô chưa thể yên tâm công tác.
Bức tâm thư của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi đến toàn thể giáo viên cả nước chạm vào trái tim của nhiều người. Bức thư thể hiện sự trăn trở về đời sống, đãi ngộ và vị thế của người thầy trong xã hội. Trong nhiệm kỳ tới đây của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thầy cô mong mỏi chế độ đãi ngộ cho nhà giáo sẽ được cải thiện để họ yên tâm công tác.
Mong mỏi tăng lương
11 năm trong ngành giáo dục nhưng đến thời điểm này cô Nguyễn Thị Vinh, giáo viên tiểu học (Mường Khương, Lào Cai) vẫn chật vật với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp nên không dưới 10 lần cô định bỏ nghề, chuyển hướng sang công việc khác. Nhưng vì yêu nghề, mến trẻ, cô Vinh vẫn kiên trì bám trụ đến ngày hôm nay.
Hai ngày trước, khi đọc được bức tâm thư của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, cô Vinh vô cùng xúc động vì người đứng đầu ngành giáo dục nói đúng và trúng nỗi niềm của nhiều giáo viên. Đó là câu chuyện về chế độ đãi ngộ thấp trong khi áp lực công việc lớn và vị thế của người thầy trong xã hội ngày càng giảm.
Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cô Vinh bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ có những chính sách giảm áp lực trong công việc cho giáo viên, đồng thời có chế độ đãi ngộ, lương thưởng phù hợp để thầy cô yên tâm công tác.
“Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng là giáo viên, hơn ai hết thầy rất đồng cảm với đời sống của thầy cô. Chúng tôi mong mỏi trong nhiệm kỳ mới, lương của giáo viên sẽ tăng, đồng thời Nhà nước có chính sách hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa”, cô Vinh bày tỏ.
Mức lương thấp khiến nhiều giáo viên phải "chân trong, chân ngoài". (Ảnh: V.N)
Mong ước của cô Vinh cũng là mong muốn của nhiều giáo viên trên cả nước. Ngày 20/3/2021, chế độ lương mới của giáo viên hiệu lực. Theo đó so với mức lương cũ, lương của thầy cô tăng khoảng trên dưới 400.000 đồng (nhờ sự thay đổi về hệ số lương). Nhiều người cho rằng, mức tăng như vậy không đáng kể, trong khi từ tháng 7/2022 giáo viên còn bị cắt phụ cấp thâm niên.
PGS Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Đại học Mở TP.HCM chia sẻ, nhiều khi cô bật khóc khi nghe tâm sự của các cựu sinh viên về vấn đề lương thấp, không đảm bảo ngay cả mức sống tối thiểu.
“Lâu nay, nhiều giáo viên đang nhận mức lương dưới mức tối thiểu, không đủ để duy trì cuộc sống. Với mức lương khởi điểm chỉ khoảng 2,8 triệu đồng/tháng, tương đương với bậc lương 1,86 (bậc lương cũ), nhiều giáo viên phải cố gắng tiếp tục bám trụ với công việc”, cô Tuyết tâm sự.
Không phân biệt giáo viên chính - phụ
“Làm thế nào để nâng cao vị thế của người thầy trong xã hội khi ngành giáo dục có sự phân biệt giáo viên chính, giáo viên phụ, biên chế và hợp đồng?”, thầy Lê Minh Quý, giáo viên Mỹ thuật tại Nam Định đặt câu hỏi. Theo nhiều chuyên gia, mức lương của giáo viên được coi là dạy môn “phụ” đang rất thấp, nhiều nơi chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Chưa kể vai trò của họ đôi lúc còn bị "xem nhẹ".
Bản thân thầy Quý cũng rất buồn khi phụ huynh và học sinh coi những môn học như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, giáo dục công dân, công nghệ…là những môn phụ. Trong khi ở bậc THPT, các môn này có thời lượng tương đương với các môn như lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học.
Tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, những môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật, thể chất…luôn được coi trọng vì giúp trẻ phát triển toàn diện. Nhưng tại Việt Nam vẫn còn tâm lý phân biệt môn chính – phụ, giáo viên biên chế - hợp đồng.
“Tôi mong ngành giáo dục có sự bình đẳng với chính những giáo viên hợp đồng, giáo viên dạy môn phụ. Nhiều em sinh viên ra trường nhận mức lương hợp đồng chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng thì làm sao mà sống được”, thầy Quý nói.
Kỳ vọng lớn nhất của giáo viên trong nhiệm kỳ mới là được tăng lương. (Ảnh: Hà Cường)
TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, đòn bẩy quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trước hết phải giải quyết được chế độ tiền lương thỏa đáng, và làm thế nào để thầy cô sống thật bằng nghề.
Sản phẩm của giáo dục là nhân cách và trí tuệ của học trò. Lao động của nhà giáo không chỉ là trí tuệ mà còn là lao động bằng nhân cách, tình yêu thương. Vì thế cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng với lao động thầy cô đã bỏ ra.
“Chúng ta muốn có nền giáo dục tốt thì chất lượng sẽ quyết định bởi người thầy. Nhưng vị thế và mức sống của người thầy hiện nay ngày càng thấp thì sao tuyển được những người tâm huyết. Do vậy việc đầu tiên mà ngành giáo dục cần thay đổi đó là nâng cao đời sống của giáo viên”, thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
VŨ NINH
Nguồn: vtc.vn