Dù con cái phản đối nhưng ông nội tôi vẫn quyết liệt tổ chức đám cưới. Bởi lẽ, mấy chục năm sống bên người bạn lớn là bà nội tôi, ông chưa bao giờ nguôi ngoai với "mối tình đầu".

1 75 Tuoi Dan Vo Sap Cuoi Ve Chao Con Chau

Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

Ông nội tôi sắp lấy vợ. Tin ấy khiến đại gia đình tôi nháo nhác.

Ông sắp sang tuổi 75 rồi, ai cũng nghĩ đã đến lúc an hưởng tuổi già, sum vầy bên con cháu được rồi. Nhưng ngày ngày ông nội tôi vẫn tắm rửa sạch sẽ, quần áo là phẳng phiu đi dạo khắp nơi. Thói quen đi dạo của ông có từ thời ông còn trẻ, cho đến khi lập gia đình và trưởng thành. Dù ngày mưa hay nắng, cứ chiều đến, khi đã xong xuôi việc ở cơ quan, ông lại đi dạo khoảng một tiếng rồi mới về nhà. Lúc còn bé, tôi rất hay lẽo đẽo theo sau ông, nắm lấy vạt áo ông mà đi, rồi sau này khi lớn lên, thỉnh thoảng buổi chiều ở nhà tôi vẫn cùng ông đi dạo.

Trong nhà, ông rất kiệm lời, nhất là từ khi bà nội mất, ông càng ít nói hơn. Ông chăm chú vào mấy cây cảnh trong vườn buổi sáng, sau đó ở trong phòng làm việc, giờ thành phòng đọc sách, cho đến giờ ăn trưa. Buổi chiều, ông thường có bạn đến chơi, các cụ ngồi ngoài hiên uống trà, bàn luận chuyện thế giới. Rồi ông đi dạo. Tôi không thấy ông có gì thất thường lắm. Cũng không thấy ông kể gì về chuyện ông có người yêu. Ấy vậy mà đùng một cái ông bảo ông sẽ lấy vợ. Và ông muốn làm một đám cưới thật vui. Các bác, các chú của tôi phản đối. Ai cũng cho rằng, ông tôi đã quá già để lấy vợ.

"Bố bây giờ là ổn rồi, vui vầy với con cháu thôi. Lấy vợ làm gì", bác cả nói.

"Có khi nào ai đã lừa gạt ông cụ, rắp tâm muốn chiếm gia sản", bác dâu tôi nói thêm. - "Tóm lại là già rồi, yên phận thôi, giờ làm đám cưới, hàng xóm láng giềng, con cái nó cười cho".

Bố mẹ tôi không ai lên tiếng trong cuộc họp giữa mấy anh chị em mà không có ông tôi ở đó. Mãi sau tôi mới biết, hóa ra ông tôi đã nói chuyện với bố mẹ tôi từ trước và họ có lẽ đã hiểu được những điều đó.

Bác cả thay mặt gia đình nói chuyện với ông. Ông vẫn kiệm lời như mọi khi. Ông chỉ nói rằng: "Đến bây giờ bố mới có thể sống cuộc đời của bố. Bố đã sống hơn 70 năm cho những người khác rồi. Các con không thể cổ vũ bố được sao?".

Ông nói rồi mỉm cười. Tôi đứng nép ngoài hiên cũng mỉm cười. Bố mẹ tôi và bác cả ngồi đó, lặng đi. Sắc mặt của bác cả trông thiểu não. Sau đó, cuộc nói chuyện vẫn còn dài, bác tôi vẫn ngồi phân tích thêm rất nhiều điều đạo đức khác nữa, nhưng ông nội chỉ ngồi rung đùi, thỉnh thoảng đưa tay chống cằm, thỉnh thoảng ông nhìn ra sân.

Ông bảo cuối tuần này sẽ dẫn "vợ sắp cưới" về chào hỏi con cháu. Ông muốn hôm đó, ba người con của ông cùng năm đứa cháu, một đứa chắt của ông có mặt. Ông muốn gia đình chúng tôi gặp gỡ và chào đón bà.

***

Cuối tuần, mẹ tôi tất bật từ sớm chuẩn bị nấu nướng. Tôi không giúp gì được mẹ nhưng cũng luẩn quẩn trong bếp vì hồi hộp quá. Nhà cô ba cũng đã sang nhưng đến gần trưa vẫn không thấy bác cả đến. Bố tôi bảo, bác vẫn phản đối đám cưới của ông. Bác tôi từ xưa tới nay luôn bảo thủ như thế, điều gì không như ý mình thì phản đối, không chịu nhượng bộ. Người trong nhà bác, ai cũng phải nghe theo ý bác nhưng với ông nội, bác luôn nể và sợ. Vậy mà, đến chuyện này bác lại tỏ ra không chịu nhượng bộ.

Gần trưa, ông nội tôi đưa bà Tâm về đến nhà. Khi hai ông bà vừa bước xuống khỏi xe taxi, cả nhà tôi có lẽ được phen sững sờ, vì bà đẹp quá. Bà mỉm cười, cúi đầu chào cả nhà tôi, tiếng chào nhẹ bẫng, hơi khàn nhưng vẫn rất rõ ràng. Bà kém ông tôi có hai, ba tuổi mà trông như chưa đến 70. Bà mặc bộ áo dài truyền thống sẫm màu, tóc búi cao, trông rất duyên dáng. Ông nắm tay dắt bà vào nhà, hai người đi bên cạnh nhau thực sự rất hài hòa.

***

Buổi trưa hôm đó và cả sau này, khi ông tôi mất rồi, còn một mình bà trong căn nhà nhỏ của hai ông bà, tôi vẫn không thể nào quên được. Bà đã kể cho gia đình tôi về mối tình đầu và cũng là mối tình duy nhất của cuộc đời bà. Ông chính là người ấy.

Ông bà quen nhau khi là sinh viên. Ngay từ lần gặp đầu tiên, họ đã đem lòng quý mến và chẳng mấy chốc tình cảm ấy chuyển thành tình yêu. Hai người đã ở bên nhau rất lâu nhưng sau đó ông phải đi bộ đội và bà ở lại trường đại học vẫn đợi chờ ông. Một năm sau ngày ông đi thì hai ông bà mất tin tức hoàn toàn. Lần cuối cùng, bà chỉ biết ông bị thương rất nặng, do bị trúng bom phục kích của giặc. Nhiều người biết ông khi trở về đều bảo với bà rằng ông đã hy sinh. Sau cú sốc ấy, bà vẫn tìm ông, nhưng chẳng có thêm tin tức gì, bởi đúng là ông nội tôi đã bị thương rất nặng, phải chuyển nhiều tuyến viện. Sau này khi qua khỏi, ông nhận được học bổng sang Nga du học về quân sự. Thế nên, họ bặt tin nhau từ ấy. Bà theo gia đình vào Sài Gòn.

Cho tới một lần khi thấy ông trên tivi trong buổi lễ biểu dương, nhìn khuôn mặt ông sau 40 năm, bà lờ mờ đoán nhưng không dám tin, đường nét thuở xưa dường như vẫn còn nhưng cũng lại thấy như không phải. Chỉ đến khi nghe thấy tên ông, bà mới tin ông vẫn còn sống. Từ lúc ấy, bà đã tìm cách liên lạc với ông.

Vừa gặp lại, ông đã nhận ra bà. Tình yêu và dấu chấm hỏi về sự mất kết nối giữa hai người, ông ôm giữ một mình suốt bao năm qua, bỗng dưng vỡ òa. Ông đã xin được cưới bà.

Dù tôi còn trẻ, chưa có một mối tình nào nhưng tôi cũng muốn tìm được một người khiến tôi cảm thấy rõ được sự tồn tại và ý nghĩa cuộc sống của mình đến vậy. Lúc còn một mình ông trong phòng làm việc, tôi mới hỏi ông: "Bà nội có biết ông luôn yêu một người khác không?". Ông gật đầu, mỉm cười bằng dáng vẻ lịch thiệp nhất của một người ưa đọc, ưa viết. "Bà nội con là một người mà ông luôn biết ơn. Bà đã gánh vác mọi việc để ông lo cho sự nghiệp. Bà là một người bạn lớn trong đời ông. Bà biết ông luôn canh cánh bên mình một tình yêu đã mất nhưng chưa từng oán giận. Ông cũng đã sống với bà vẹn nghĩa vẹn tình. Có lẽ, đám cưới này, bà cũng sẽ hiểu cho ông".

Tôi lặng im. Tôi nhớ đến hình ảnh của bà nội tôi. Bà không đẹp nhưng có cái nhìn phúc hậu, trìu mến khó tả.

***

Đám cưới diễn ra đơn giản nhưng ấm áp. Bà chỉ có người thân là một người con trai, mà tôi biết, đó là con nuôi, bởi bà biết bà không có khả năng sinh con nên hồi ấy cũng khước từ bao nhiêu đám. Không lấy ai, bà chỉ xin nhận một đứa trẻ sơ sinh về làm con nuôi, để có đứa trẻ mà chăm sóc, mà lo lắng. Hôm đám cưới ông bà, người con ấy đưa cả vợ con ra ngoài Bắc, hồ hởi gọi bác cả, bố tôi và cô ba là anh chị em. Cả mấy anh chị em ngồi chung một mâm, kể chuyện rộn ràng, hạnh phúc.

Ông bà tôi mặc áo dài truyền thống đi từng bàn chào khách. Trong mắt ông bà, tôi thấy rất nhiều yêu thương và trìu mến. Đó thực là cảm giác của những người đã trải qua vô vàn câu chuyện trong cuộc sống, vẫn còn nhìn thấy nhau, còn tìm về với nhau. Họ đã mất nhiều thời gian, nhưng thời gian lúc này có nghĩa gì nữa, chỉ là họ đã về với nhau mà thôi.

Nguồn: Giadinh.net.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC