Nhà hàng liên tục tố khách "đút túi" hải sản mang về?
Trưa 25/1, nhóm khách 7 người ăn buffet (hình thức ăn tự chọn) tại một nhà hàng ở Hà Nội với giá 409.000 đồng/suất. Đây là suất ăn dạng buffet hải sản có cua, tôm, ghẹ dưới hình thức nướng và lẩu.
Trong lúc ăn, nhóm khách gọi rất nhiều hải sản nhưng khi nhân viên đến dọn bàn thì không có vỏ.
Sau khi khách hàng ăn xong, nhân viên báo cho bộ phận an ninh. Khi kiểm tra balo, túi xách của khách thì phát hiện bên trong đựng 10kg cua, ghẹ, tôm, sashimi và bánh bao kim sa.
Nhóm khách ăn buffet rồi nhét 10kg hải sản vào túi mang về (Ảnh cắt từ video).
Nhà hàng yêu cầu thanh toán phí đồ ăn thừa nhưng nhóm khách nhất quyết từ chối và nói "không có tiền".
Nhà hàng livestream (phát trực tiếp) sự việc, công khai toàn bộ hình ảnh khách hàng lên mạng xã hội, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc. Nhóm khách sau đó bị phạt hơn 6 triệu đồng.
Đây không phải lần đầu nhà hàng buffet này phát hiện khách lén lấy đồ mang về.
Tháng 12 năm ngoái, trang Fanpage của nhà hàng đăng tải đoạn camera "tố" hai vị khách lén lút lấy 4kg hải sản bao gồm: cua, ghẹ, tôm càng xanh, bánh bao kim sa bỏ vào một chiếc túi.
Hai vị khách bị tính phí 4kg đồ thừa theo quy định. Tuy nhiên nhà hàng chấp nhận bỏ qua vì không muốn làm căng, chỉ lấy 200.000 đồng phí đem rượu vào.
Nhà hàng công khai hình ảnh khách hàng gây tranh cãi
Nhà hàng buffet công khai toàn bộ hình ảnh của khách hàng để tránh bị tố "dàn dựng" sự việc nhưng đã gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết quyền hình ảnh của cá nhân được Nhà nước và pháp luật bảo vệ theo Hiến pháp 2013 và các bộ luật liên quan.
Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp thỏa thuận khác.
Trường hợp sử dụng hình ảnh người khác mà không được đồng ý, vi phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân của họ hoặc gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhà hàng công khai hình ảnh khách hàng lên mạng xã hội (Ảnh cắt từ video)/
Hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định pháp luật, căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng tải hình ảnh nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, nhà hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Nhóm khách hàng có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
"Việc nhà hàng công khai hình ảnh khách hàng có bị xử lý hay không, thì cần có sự điều tra, xác minh, làm rõ của cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên", ông Tiền nói.
Nhà hàng buffet được phép phạt tiền khách?
Ngày 26/1, nhà hàng buffet cho biết khách hàng phải đền bù hơn 6 triệu đồng cho 10kg đồ ăn mang về. Trên thực tế, nhiều nhà hàng buffet hiện nay đặt ra quy định khách ăn thừa sẽ bị phạt tiền hoặc phụ thu.
Anh Lê Mạnh Khang, 36 tuổi, chủ nhà hàng buffet lẩu nướng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết sẽ phụ thu 100.000 đồng/100gram thực phẩm thừa đã làm chín.
Anh từng gặp nhiều hoàn cảnh dở khóc dở cười khi khách xin hộp, đòi mang thức ăn thừa về nhà. Hoặc khách đang ăn dở thì có việc đột xuất, xin mang đồ về không được liền quay sang trách "nhà hàng cứng nhắc".
Cũng theo anh Khang, nhiều người còn áp đặt tư tưởng "mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng", tức là "đã bỏ tiền ra thì phải ăn cho bõ", dẫn đến tình trạng thừa thãi thức ăn.
"Vấn đề lãng phí xuất hiện ở hầu hết các nhà hàng kiểu buffet. Khi bị phụ thu, khách lại tỏ ra khó chịu. Nhưng cũng có những người ý thức, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu", anh Khang nói.
Tháng 12 năm ngoái, nhà hàng đăng tải đoạn camera "tố" hai vị khách lén lút lấy 4kg hải sản (Ảnh cắt từ video).
Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết đây là giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán và không trái quy định pháp luật.
"Khi khách hàng lựa chọn đến ăn tại nhà hàng nghĩa là đồng thuận với quy định và buộc phải tuân theo các quy định đó", ông Tiền cho hay.
Đồng thời, nhà hàng phải tôn trọng khách hàng và cung cấp các dịch vụ tương đương. Hai bên đều có quyền và nghĩa vụ tương đương và được đảm bảo quyền lợi theo quy định pháp luật dân sự và các quy định khác liên quan.
"Việc áp dụng quy định không được mang đồ ăn thừa về không còn xa lạ, nhiều nhà hàng tại Việt Nam đã áp dụng quy định này, tuy nhiên vấp phải những luồng ý kiến trái chiều đến từ thực khách. Bởi lâu nay theo phong tục tại Việt Nam việc để đồ ăn thừa là rất lãng phí", ông Tiền nói.
Văn hóa buffet du nhập vào Việt Nam từ lâu nhưng đến nay vẫn còn nhiều chuyện dở khóc dở cười (Ảnh minh họa).
Luật sư khuyến cáo nếu thấy khách hàng gọi quá nhiều đồ ăn, có nguy cơ để thừa, nhà hàng nên thông báo trước về việc "không cho khách hàng mang thức ăn thừa về" cũng như giải thích lý do phải áp dụng quy định này.
Ngoài ra, quy định "không được lấy đồ ăn thừa" cũng tránh việc thực khách bảo quản không đúng cách, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của khách hàng và uy tín của nhà hàng.
Do đó, nhân viên của nhà hàng nên tư vấn cho khách hàng lựa chọn đồ ăn sao cho vừa đủ để họ dùng bữa không quá lãng phí.
Đối với các thực khách sử dụng dịch vụ ăn uống ở bất cứ nhà hàng nào nên tuân thủ các quy định, có thể nhờ nhân viên nhà hàng tư vấn.
"Hơn hết, các thực khách chỉ nên lấy một lượng thức ăn vừa đủ, tránh tình trạng lãng phí đồ ăn", luật sư Tiền nói.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí