Sau nhiều năm soạn thảo, thay đổi, chỉnh sửa, dự thảo Thông tư quy định hoạt động trình diễn thời trang vừa được Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) gửi tới Sở VH, TT&DL các địa phương để xin ý kiến trước khi trình Bộ VH, TT&DL.
18 tuổi mới được dự thi người mẫu có phải là “già”?
Dự thảo đưa ra quy định giới hạn “tuổi sàn” của thí sinh tham gia các cuộc thi tuyển chọn người mẫu là 18. Lý do đưa ra là thí sinh đăng quang tại các cuộc thi ngoài vẻ đẹp hình thể, khả năng trình diễn trước đám đông, còn phải hội được những yếu tố về kiến thức văn hóa - xã hội; kinh nghiệm ứng xử; bản lĩnh sống... để tiến xa hơn trong sự nghiệp cũng như “đủ vốn” để tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế.
Về điều này, có khá nhiều ý kiến băn khoăn, tựu chung cho rằng, tuổi hoạt động của người mẫu rất ngắn, đa số thăng hoa ở độ tuổi 16 - 22. Vì thế, “tuổi sàn” 18 có thể xem là “già”. Bởi, trách nhiệm của người đoạt giải quán quân trong cuộc thi người mẫu không nặng nề và có ảnh hưởng rộng như ngôi vị của một hoa hậu, á hậu... Một số người mẫu nổi tiếng đã bước qua tuổi “rực rỡ”, bày tỏ sự lo lắng: “Hãy nhìn vào thực tế của sàn catwalk, làm gì có người mẫu nào vẫn tỏa sáng ở độ tuổi 26 - 27. Nếu quy định tuổi sàn là 18 thì ngay sau khi đăng quang đã phải “tăng tốc độ”... vì thời gian hoạt động còn lại với nghề người mẫu không dài”.
Chia sẻ với băn khoăn của giới người mẫu, nhưng một giám đốc công ty người mẫu cho rằng, giới hạn tuổi sàn của thí sinh tham dự các cuộc thi tuyển chọn người mẫu như trong dự thảo Thông tư là hợp lý. Nhìn ra thế giới, có nhiều cuộc thi thí sinh chỉ ở độ tuổi 16 - 17. Nhưng ở VN thì khác, cho dù điều kiện sống đã khá hơn rất nhiều thì phải ở độ tuổi 18, thể chất của các thí sinh mới phát triển ở độ toàn diện. Nói cho cùng, thì 18 tuổi là hợp với điều kiện ở VN.
Đứng ở góc độ người soạn thảo, ông Phạm Đình Thắng, Trưởng phòng Quản lý biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu (Cục NTBD) nói: Hoạt động biểu diễn thời trang chuyên nghiệp tại VN chấp nhận những người mẫu độ tuổi 15 - 17. Còn tuổi sàn 18 chỉ “áp” cho những cuộc thi tuyển chọn người mẫu.
Với những người mẫu dưới 15 tuổi tham gia các chương trình biểu diễn mẫu, đơn vị tổ chức phải có văn bản đồng ý của cha mẹ người mẫu, hoặc người giám hộ. Bởi ở độ tuổi này, các em chưa ý thức một cách nghiêm túc những việc mình đã, đang và sẽ làm; chưa đủ bản lĩnh nghề nghiệp khi đối diện với những tình huống phức tạp, trong khi nghề người mẫu là nghề nhiều cám dỗ”.
Đang “bỏ quên” những địa bàn hoạt động nhạy cảm
Theo ông Trần Thanh Long, Giám đốc Công ty người mẫu P.L., dự thảo đang “bỏ quên” một mảng địa bàn khá rộng và cũng khá nhạy cảm trong hoạt động biểu diễn thời trang, đó là: biểu diễn thời trang trong khách sạn và tại các trung tâm thương mại.
Đây là hai địa bàn thời gian qua tổ chức khá nhiều chương trình biểu diễn thời trang nhưng lại không xin phép, nên cơ quan quản lý cũng không có cơ hội để thẩm định chương trình. Hệ quả đương nhiên của việc “thiếu bàn tay quản lý” là khá nhiều chương trình diễn ở 2 địa điểm trên chất lượng không cao; một số chương trình biến tướng; một số chương trình biểu diễn trang phục không được cấp phép biểu diễn trước công chúng (đồ lót)”.
Cũng theo ông Long, các chương trình tổ chức biểu diễn thời trang phần nhiều do các doanh nghiệp thực hiện. Là hoạt động nghệ thuật có biên độ nhạy cảm, chỉ cần đơn vị tổ chức thiếu nhạy cảm, ý thức không cao, là có thể xảy ra những sai sót dẫn đến sự phản cảm trong dư luận. Minh chứng cho điều này, ông Long đưa ví dụ một chương trình của một tập đoàn quốc tế biểu diễn tại VN thông qua P.L. Chủ đề của chương trình là Việt Nam xưa và nay. Để tạo sự sống động cho chương trình, tập đoàn nọ đã lấy từ trên mạng Internet những hình ảnh VN xưa để chiếu minh họa trên màn hình lớn treo ở hậu cảnh sân khấu biểu diễn. Do hiểu biết về văn hóa VN không đầy đủ, doanh nghiệp nọ đã lấy cả những hình ảnh của chế độ “cũ” đưa vào phim minh họa. Việc này được phát hiện khi chương trình tổ chức phúc khảo trước biểu diễn và Công ty P.L. đã yêu cầu đối tác gỡ bỏ hình ảnh.
Biểu diễn thời trang đồ lót nên quy định thế nào?
Ông Long cũng cho biết thêm, công ty của ông liên tục nhận được lời mời tham gia biểu diễn các chương trình quảng bá cho đồ lót phụ nữ và đã từ chối. Tại TP.HCM, loại trang phục này bị cấm biểu diễn trước công chúng (trừ trường hợp giới thiệu sản phẩm nội bộ cho khách hàng). Thế nhưng, bằng con đường này, con đường khác, loại trang phục nhạy cảm này vẫn được biểu diễn trong các khách sạn, mới đây nhất, là chương trình biểu diễn của một hãng đồ lót có thương hiệu tại VN và sau đó những hình ảnh của chương trình này lại được lăng-xê trên một số tờ báo? Việc này, với tư cách là Phó ban Kiểm tra của Hiệp hội người mẫu VN (phía Nam), ông đã báo với Sở VH, TT&DL TP.HCM và cơ quan này đang cho kiểm tra.
Trước thực tế này, nhiều ý kiến đề xuất đơn vị soạn thảo nên đưa hoạt động biểu diễn thời trang tại khách sạn, các trung tâm thương mại vào đối tượng quản lý của Thông tư. Đồng thời, quy định rõ, những trang phục nhạy cảm như đồ lót chỉ được biểu diễn tại những địa điểm nào; phục vụ đối tượng khách hàng của doanh nghiệp, hay công chúng nói chung? Kèm theo đó là chế tài xử phạt cụ thể.
Thời trang là lĩnh vực có biên độ sáng tạo khá rộng. Sáng tạo trong thiết kế. Sáng tạo trong biểu diễn. Vì thế, cần một hành lang pháp lý đủ rộng để hoạt động này phát huy sức sáng tạo, nhưng cũng không thể quá chung chung để rồi sau đó trút trách nhiệm lên đầu các cơ quan kiểm duyệt, hoặc thẩm định theo cảm tính, dẫn đến tình trạng ở địa phương nọ trang phục chưa đến mức “nhạy cảm” đã bị “cắt”... trong lúc ở nơi khác thì phản cảm quá, nhưng người duyệt vẫn thấy “OK”. Rồi còn cụm từ “phản động” trong quy định các hành vi bị cấm của dự thảo. Nói trang phục “phản động” có vẻ hơi khó hiểu.
Theo TT&VH.