Ao làngXa xa là cánh đồng lúa đang thì con gái mướt màu xanh, lẫn trong tiếng gió rì rào  mùi hương của bùn, của lúa, của cỏ và sương đêm man mác thơm ngai ngái đến nao lòng. Gần hơn, bên này, men theo rìa làng là những hàng tre xanh gần gụi mà thân thiết.

Dưới những rặng tre là ao làng. Ao dài ăn men theo làng ra tận bến sông.

Nội bảo, ao làng có từ lâu lắm rồi, nghe đâu hồi chiến tranh. Vẫn nhớ, lúc bé tí lon ton theo nội ra cầu ao chà xoong nồi, mâm chảo. Những chiếc mâm đồng, nồi đồng có khi là cả đỉnh đồng trên ban thờ nữa được nội tỉ mẩn chà đi, chà lại cẩn thận khiến cho màu đồng thau ánh lên lấp loáng. Soi vào đó tôi bắt gặp một niềm vui rất đỗi con trẻ. Đó là tôi biết, nhà sắp có giỗ chạp hay công việc gì đó. Và tất nhiên bọn trẻ chúng tôi thì sắp được ăn cỗ.

Ao làng càng trở lên thân thiết hơn khi tôi bắt đầu đến trường. Ngày đó chúng tôi phải men theo con đường đất có hàng xà cừ và vòng một đoạn bờ ao để đến trường.

Nhưng những gì đáng nhớ và mong mỏi nhất với tôi lại là những lần tát ao. Đó thực sự là ngày hội của làng tôi. Ao được bơm nước bằng hai chiếc đầu máy công nông chạy ành ạch cả tuần liền. Những đám cỏ lau lác ngập nước giờ trơ ra cùng lớp bùn mịn màu phù sa. Và cuối cùng là vỡ òa khi những mẻ lưới đầu tiên được kéo lên với cơ man là cá các loại. Thôi thì đủ cả, từ những con mè hoa mình bẹt, bụng trắng bốp, lưng đen sậm, đầu to đùng cho đến những chú trắm cỏ lưng xanh màu rêu, vảy to đều tăm tắp. Hay những chị trôi lai với đôi mắt đỏ hoe như lòng đỏ trứng gà, mình thon dài như rắn nùng nục nước. Tuy nhiên đáng chú ý nhất phải kể đến các ả chép trứng có cái bụng to lặc lè và râu dài buông thõng bên mép. Rồi những con rô phi, cá trê, cá quả, điêu hồng… cứ đua nhau mà nhảy loi choi trong những tay lưới bùng nhùng.
Trên bờ người xem túa ra từ các ngõ xóm. Các cụ già xôn xao bàn tán, phỏng đoán xem vụ cá năm nay thế nào. Khéo con trắm đen năm ngoái chưa bắt là con to nhất đợt này cũng nên. Mà vụ này có khi cá quả lại được nhiều vì đầu năm thấy nhiều tổ rồng rồng con quá.

Đến đoạn tan tầm thì những bà, những chị xắn quần lội bùn. Tay xô, tay chậu, rổ rá lỉnh kỉnh đợi chia cá. Sau khi người lớn bắt xong thì đến lượt lũ trẻ con chúng tôi quần thảo không thương tiếc mặt ao làng. Những con cá dù nhỏ nhất cũng bị lũ trẻ tóm gọn.

Rồi tôi cũng xa nhà vào Nam đi học, dễ đến hơn chục năm trời mới về lại làng mình. Bên kia lúa vẫn đang xanh thì con gái, nhưng lũy tre và ao làng thì đã không còn. Tôi bâng khuâng về một điều gì đấy gần gũi mà thân thiết vô cùng.

Theo ĐĐK.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC