Bài toán khó tìm lời giảiDự kiến trong năm 2010, chính sách của Nhà nước dành cho các nghệ nhân dân gian sẽ chính thức được soạn thảo và ban hành.

Thế nhưng cho đến nay, chế độ đãi ngộ như thế nào với những người được xem là “báu vật nhân văn sống” này vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở.

Dấu lặng buồn nghệ nhân dân gian

Theo thống kê chưa thật đầy đủ, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Trong đó phần lớn lễ hội đều có các hoạt động diễn xướng dân gian thuộc phạm trù văn hóa phi vật thể cần có sự tham gia sáng tạo, trình diễn của các nghệ nhân dân gian. Họ thật sự là chủ thể sáng tạo, những người nắm giữ và trao truyền những giá trị, tinh túy của văn hóa dân gian từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. UNESCO đã dành một danh từ mỹ miều và trang trọng dành cho họ là: “Những báu vật nhân văn sống”

 

Thế nhưng, từ lâu các nghệ nhân dân gian ở Việt Nam gần như chưa có chính sách thích đáng. Tại Liên hoan CLB Ca trù 2009 vừa qua, trong số gần 200 nghệ nhân, ca nương, kép đàn tham gia liên hoan thì có tới 90% không được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Hầu hết các ca nương, kép đàn đều làm đủ thứ nghề “tay trái” để theo đuổi nghiệp diễn.

Đã vậy, từ chuyện hậu cần, trang phục diễn, tiền mua nhạc cụ... đa phần các nghệ nhân phải tự lo. Ca nương Dương Thị Xanh, Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm, Hà Tĩnh từng bỏ tiền túi cùng chồng ra Hà Nội “tầm sư học đạo” hết cả chục triệu đồng. Hàng tuần khi CLB Ca trù Cổ Đạm tổ chức sinh hoạt, đôi vợ chồng trẻ lại lụi cụi nấu nước chè phục vụ cho cả CLB.

Đa số các nghệ nhân dân gian của Việt Nam trình diễn nghệ thuật dân gian theo niềm đam mê, như một thú vui hơn là một nghề để kiếm sống. Hiếm hoi lắm mới có những nghệ nhân dân gian cao niên và có tên tuổi có thể mở các lớp truyền dạy, tăng thêm một nguồn thu nhập từ nghề nghiệp trình diễn dân gian.

Còn lại, đa số những người theo đuổi nghề nghiệp này đều phải tự kiếm sống bằng nghề khác, lúc no đủ thì đi diễn, lúc vất vả khó khăn thì bươn chải kiếm sống, tạm xa với ánh đèn sân khấu đầy huyễn hoặc đam mê. Lại nữa, các nhóm hay câu lạc bộ nghệ thuật dân gian hiện hoạt động theo cơ chế tự cung tự cấp mà gần như nhận được rất ít kinh phí, tài trợ từ Nhà nước hay các tổ chức nghề nghiệp…

“Đệ nhất kép đàn” Ca trù Nguyễn Phú Đẹ cho biết, thỉnh thoảng đi diễn cho các liên hoan, ngày hội... có chút tiền cát-sê gọi là, còn lại đa số buổi diễn chỉ để phục vụ cho công chúng, thỏa niềm đam mê ca trù. Không có lương hay phụ cấp hàng tháng nhưng kép đàn Nguyễn Phú Đẹ còn may chán khi ông được Hội Nghệ nhân dân gian Việt Nam tôn vinh bằng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” từ năm 2005.

Trong khi đó còn hàng nghìn nghệ sỹ, nghệ nhân chưa được phong tặng dù nhiều người rất xứng đáng. Đơn cử như nghệ nhân chỉnh chiêng Nay Phai huyện Krông, Gia Lai. Ngót nghét gần 20 năm chỉnh chiêng cho nhiều dàn chiêng của các buôn làng, được biết đến là một trong những người chỉnh chiêng bậc nhất của Tây Nguyên nhưng Nay Phai vẫn chưa được hưởng một chính sách, chế độ hàng tháng gì dành cho một người chỉnh chiêng mà cũng chưa được phong tặng danh hiệu nào...

Chính sách nào cho xứng?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa vừa ban hành đã tạo hành lang pháp lý để các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng chế độ đãi ngộ, chính sách với các nghệ nhân dân gian, đặc biệt là nghệ nhân văn hóa phi vật thể. Theo đó, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên trình diễn văn hóa dân gian cũng sẽ được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân và Nghệ sỹ ưu tú. Tin vui đã đến với các nghệ nhân dân gian khi ngày 5-10-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1564/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. 

Thế nhưng, điều đáng quan tâm là bên cạnh danh hiệu cao quý ấy, các nghệ nhân dân gian sẽ có những chính sách đãi ngộ cụ thể như thế nào? Thực tế từ lâu, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện nhiều cách thức khác nhau trong việc đãi ngộ cho các nghệ nhân. Chẳng hạn, Hàn Quốc thực hiện chế độ tiền lương hàng tháng cho các nghệ nhân từ năm 1962.

Việc trả lương hàng tháng cho các nghệ nhân dân gian Việt Nam cũng là một trong những phương án đã được tính đến. Thế nhưng nếu chỉ trả lương cho các nghệ nhân cao tuổi, có đóng góp và đủ tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu được hưởng chế độ chính sách thì không loại trừ khả năng nguồn kinh phí khá lớn đó của Nhà nước không đến được với các nghệ nhân trẻ, không khuyến khích được các thế hệ trẻ theo đuổi nghệ thuật truyền thống.

Trước thực trạng đa số nghệ nhân dân gian hiện nay đều không được hưởng lương Nhà nước, không có chế độ bảo hiểm, không ít nhà nghiên cứu, nhà quản lý Nhà nước đề nghị cho các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được cấp sổ bảo hiểm.

Bởi theo họ, các nghệ nhân tuổi đã cao, sức yếu cần chế độ bảo hiểm để phòng khi ốm đau, bệnh tật được hưởng chế độ bảo hiểm. Nhưng nếu thực hiện chính sách này thì nhiều nghệ nhân đã có chế độ bảo hiểm xã hội thì sao? Như vậy, lại buộc phải có một chính sách tương đương với số bảo hiểm xã hội cho những nghệ nhân đã có sổ bảo hiểm xã hội. Đấy thực sự là một bài toán không dễ tìm ra lời giải.

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT&DL khẳng định: “Không nhất thiết chỉ trông chờ vào Nhà nước, cần phát huy vai trò xã hội hóa trong việc thực hiện chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân”. Chẳng hạn, Nhà nước khuyến khích các dự án bảo tồn, phục dựng, phát huy các giá trị di sản phi vật thể do các nghệ nhân dân gian khởi xướng. Hoặc huy động các nhà tài trợ cùng góp tiền của để các nghệ nhân dân gian mở các lớp truyền dạy trình diễn văn hóa phi vật thể...


Theo ANTG.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC