Lập quỹ thì dễ nhưng để duy trì hoạt động của nó là điều không đơn giản dù đây là việc làm cao đẹp và nhân văn, được xã hội ủng hộ, người trong và ngoài giới giúp sức
Ngoài những hoạt động gây quỹ từ thiện có sự chung tay của tập thể nghệ sĩ vẫn diễn ra thường xuyên, không ít nghệ sĩ đứng ra lập quỹ từ thiện của riêng mình. Nhưng trong hành trình của mỗi người chứa đựng nhiều câu chuyện bi hài.
Hướng thiện
Sôi động nhất hiện nay trong hoạt động thành lập quỹ từ thiện có quy mô là Hiểu về trái tim của diễn viên Chi Bảo. Quỹ Hiểu về trái tim tồn tại được 4 năm. Dù hoạt động của quỹ khá rời rạc, có lúc người ta tưởng chừng không còn hoạt động thì Hiểu về trái tim vẫn được nhắc đến như một hoạt động từ thiện nổi bật của giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Thực tế cho thấy quỹ từ thiện muốn vận hành tốt luôn cần có tiền. Trong khi đó, như chia sẻ của những người trong cuộc thì “kinh tế ngày càng khó khăn, nhiều người lo cho bản thân mình còn chưa xong thì còn tâm trí đâu để quan tâm đến việc đóng góp từ thiện”. Sự hỗ trợ gián đoạn của các mạnh thường quân kéo theo tình trạng quỹ tạm ngưng thoạt động.
Ngô Thanh Vân điều hành quỹ từ thiện do mình lập ra. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Tuy nhiên, với tâm huyết của những người sáng lập, các quỹ từ thiện này không thể chết yểu. Ít nhất mỗi năm, quỹ cũng có một hai chương trình để quảng bá hình ảnh và các hoạt động cứu trợ, dù ít rình rang hơn trước nhưng vẫn được duy trì. Trong đó, Hiểu về trái tim chuẩn bị giới thiệu vài thay đổi cũng như những chương trình mới của mình trong thời gian tới. Diễn viên Ngô Thanh Vân mỗi năm vẫn đều đặn tổ chức một chương trình Scar of life (Vết sẹo cuộc đời) khá rình rang, xôm tụ. Còn quỹ từ thiện của Mỹ Tâm vẫn thường xuyên tổ chức những chuyến viếng thăm, tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa theo quý. Đàm Vĩnh Hưng với quỹ từ thiện mang tên Mr Đàm và em lại hoạt động mang tính cảm hứng nhiều hơn. Bắt gặp một trường hợp thương cảm, một hoàn cảnh khó khăn đâu đó được đăng tải trên báo, anh lại trích tiền quỹ để gửi tặng. Không luật lệ, quy tắc, quỹ từ thiện của Đàm Vĩnh Hưng không đề ra mục tiêu phải thực hiện bao nhiêu chuyến từ thiện trong năm nhưng những hoạt động nhỏ lẻ của quỹ này đủ cho thấy nó vẫn tồn tại.
Một hình thức gây quỹ phổ biến trong làng “sao” là đấu giá vật dụng cá nhân. Ở Việt Nam, các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly cũng thường xuyên bán những vật dụng yêu thích của mình trong tiệc sinh nhật, chương trình biểu diễn cá nhân để gây quỹ. Không chỉ đấu giá vật dụng cá nhân, các “sao” còn chọn cách đấu giá ấn tượng hơn là đấu giá chính mình để thu hút sự quan tâm của công chúng. Người mẫu Hà Anh cũng học cách tương tự các ngôi sao thế giới khi quyết định đấu giá một cuộc hẹn. Số tiền có được từ đấu giá được đóng góp vào quỹ Operation smile (phẫu thuật nụ cười) mà cô làm đại sứ.
Nói đến chuyện đấu giá thì phải kể đến hoa hậu Mai Phương Thúy. Trong một chương trình đấu giá từ thiện, chiếc váy và đôi hoa tai mà cô sử dụng trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2006 được mua với giá 6.000 USD. Năm 2009, Mai Phương Thúy cũng là người được trả giá cao nhất trong sự kiện đấu giá cuộc hẹn với những người nổi tiếng của chương trình Donate For A Date gây quỹ phẫu thuật nụ cười cho các em bé mang dị tật môi. Dù khác nhau về hình thức, giá trị, ý nghĩa, điều đáng ghi nhận là những hoạt động của nghệ sĩ không chỉ trực tiếp đóng góp cho xã hội mà còn góp phần thu hút sự chú ý của công chúng vào các hoạt động giúp đỡ cộng đồng.
Khi mạnh thường quân hứa hão
Làm sao để các quỹ từ thiện ấy sống được là cả một câu chuyện dài. Nhìn lại quãng đường đã qua của Hiểu về trái tim, với những người đã đi cùng với chương trình này ngay từ đầu, ai nấy không khỏi thấy tự hào khi chính họ đã phải đối mặt với không biết bao nhiêu việc “không tưởng tượng ra”, như lời thổ lộ của họ. Ngày phát hành cuốn sách Hiểu về trái tim, người đứng đầu phải vay từ chính đối tác của mình 500 triệu đồng với lãi suất 5% mỗi tháng để in sách. Doanh thu sau khi trừ chi phí sẽ được dùng làm chi phí mổ tim cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Thành lập quỹ từ tay trắng và phải vay mượn cũng là chuyện bình thường nhưng điều này khiến ai biết chuyện cũng cảm thấy xót xa. Nhưng đây chưa phải là vấn đề đáng nói so với những lời hứa hão của nhiều mạnh thường quân. Lúc vui, họ hứa đóng góp vào quỹ một khoản tiền nhưng sau khi họ quay lưng đi, lời hứa cũng bay theo gió. Đỉnh điểm là việc một nhãn hàng rượu ngoại có tiếng hứa tặng 100 triệu đồng đóng góp vào quỹ từ thiện này. Mọi khâu tổ chức được tiến hành, thậm chí người điều hành quỹ chấp nhận đưa loại rượu này vào chiêu đãi khách trong buổi tiệc và trưng bày như một hình thức hậu tạ nhưng khi tiệc tan, tiền đòi không được với lời giải thích lạnh lùng của mạnh thường quân: “100 triệu đồng này trừ vào số rượu được mang đến và uống trong buổi tiệc rồi!”. Lúc này, những người điều hành quỹ chẳng biết làm gì hơn là ngậm đắng nuốt cay.
Những quỹ từ thiện của cá nhân nghệ sĩ cũng không tránh được những mạnh thường quân hứa lèo. Nhiều vật dụng cá nhân được đấu giá và được ngả giá với mức giá “khủng” nhưng khi buổi đấu giá kết thúc, người thắng đấu giá trốn biệt, điện thoại luôn ngoài vùng phủ sóng. Có người liên lạc được thì tiếp tục cuộc ngả giá bởi khi đấu giá, do “xỉn” nên họ đưa ra giá không đúng. Có người còn trơ trẽn: “Trả giá chơi chứ làm gì có tiền mua”. Đó là câu chuyện thương đau mà Cẩm Ly hay Đàm Vĩnh Hưng từng trải. Chính vì vậy, rút kinh nghiệm của đồng nghiệp, nhiều nghệ sĩ dùng cách “tiền trao, cháo múc” ngay khi cuộc đấu giá kết thúc.
Theo NLĐ.