Ảnh minh họa.
Không có khán giả, hoạt động sân khấu trở nên vô nghĩa. Vậy mà việc tìm hiểu đối tượng phục vụ của mình không hiểu sao chúng ta lại không quan tâm.
Tâm lý ngại thay đổi
Thay vì ngồi chờ khán giả đến với mình, bây giờ các sân khấu phải chủ động tiếp cận công chúng, nghĩa là phải biết cách quảng bá các vở diễn tốt hơn. Tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để cách tân sân khấu cả về mặt dàn dựng lẫn tổ chức biểu diễn là đòi hỏi thiết yếu nếu muốn sân khấu hấp dẫn, lôi kéo được khán giả trẻ.
Tại nhiều nước trên thế giới, họ không chỉ tận dụng hết không gian sân khấu mà phần lớn đều có sự can thiệp của công nghệ, thậm chí là tự động hóa. Hệ thống điều khiển ánh sáng hiện đại, hoàn toàn tự động trong điều khiển, pha màu, nhuộm màu, các loại đèn kỹ xảo tạo hiệu ứng, công nghệ 3D mapping...
Ở lĩnh vực kịch nói, không ít sân khấu tận dụng sự lan tỏa của mạng xã hội để quảng bá tác phẩm, thu hút khán giả.
Hễ vở nào mới ra mắt, các nghệ sĩ có vai đều lên trang cá nhân quảng bá, ra sức kêu gọi fan hâm mộ mua vé ủng hộ. Chính nhờ sự tích cực của nghệ sĩ, các buổi biểu diễn sáng đèn thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, các bước tiến vẫn còn khá ít ỏi khi nhiều sân khấu vẫn chủ yếu sử dụng màn hình LED, bàn xoay, thang cuốn... nên sự cách tân vẫn chỉ là những bước dò đường thử nghiệm.
Những sân khấu lớn đang cố gắng cầm cự, trong khi không ít sân khấu nhỏ đã phải đóng cửa. Ảnh: News.
Còn ở Việt Nam, trước yêu cầu đổi mới, không ít người e ngại, chần chừ, nhất là những sân khấu truyền thống như cải lương.
Một người trong nghề chia sẻ: “Chúng ta không nên quan niệm đưa kỹ thuật công nghệ cao của thế giới vào sân khấu cải lương là phá cải lương. Bởi các vở diễn hiện đại vẫn còn sử dụng âm nhạc, làn điệu cải lương thì nó vẫn mãi mang thần thái, hồn phách của nó.
Điều quan trọng là sử dụng kỹ thuật, công nghệ đó như thế nào? Có phù hợp không? Từ thuở manh nha, nghệ thuật cải lương đã mang trong mình sự tiếp nhận, giao thoa và đổi mới.
Vậy thì thế kỷ 21 với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể không đổi mới sân khấu cải lương. Chúng ta không thể mãi bám vào quá khứ rồi bảo thủ, duy ý chí, làm thế thì nền sân khấu của Việt Nam sẽ yếu kém toàn diện so với khu vực và trên thế giới”. Nhưng, trước khi chạm tới công nghệ, sân khấu kịch vẫn phải cải thiện những nhược điểm cơ bản.
Thẳng thắn nhìn vào sự thật
Một thị trường sân khấu kịch sôi động tại TPHCM như IDECAF, Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận, Thế giới trẻ, TKC, Hồng Hạc, Minh Nhí, Quốc Thảo... cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một người trong nghề than thở: “Bây giờ khán giả ngồi ở nhà cũng có thể xem được rất nhiều chương trình giải trí trên truyền hình nên để tồn tại, nhiều chủ sân khấu phải gồng gánh nhiều chi phí đầu tư dựng vở mới hoặc chịu lỗ để lôi kéo thêm khán giả”. Thực tế, chi phí cho mỗi vở kịch trên trăm triệu đồng, nhưng số tiền thu lại rất thấp.
Nhiều sân khấu đã từng cầu cứu cơ quan chức năng và tham gia họp nhiều lần nhưng vẫn không có gì thay đổi. Và nếu không thể gồng gánh nổi nữa thì đóng cửa là giải pháp duy nhất. Tuy nhiên, người làm nghề có nên đổ lỗi hết cho ngoại cảnh? Có ý kiến cho rằng nền sân khấu phát triển hay không trước hết là phải có đội ngũ sáng tác tài năng.
Khi có kịch bản chất lượng, mới có chất liệu tốt cho đạo diễn thể hiện, có nhân vật cho diễn viên thăng hoa, có tác phẩm hay để khán giả thưởng thức. Như vậy, phải có sự quan tâm chăm lo, tạo điều kiện, đào tạo tác giả bài bản, mang tính lâu dài; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho đội ngũ giữ vai trò quan trọng này.
Nghệ thuật là sáng tạo, mới mẻ
Thẳng thắn mà nói, tình trạng khan hiếm kịch bản dành cho sân khấu đang ở mức báo động. Một số sân khấu cố gắng sử dụng lại những kịch bản cũ nhưng đưa vào yếu tố nhạc kịch để tăng thêm tính hấp dẫn.
Đạo diễn, diễn viên cũng phải cố gắng tìm tòi để không bị lặp lại. Cũng một câu chuyện nhưng ai có cách kể chuyện thông minh hơn sẽ thắng. Dẫu vậy, đây không phải là giải pháp lâu dài, bởi suy cho cùng, nghệ thuật phải luôn sáng tạo và mới mẻ.
Bi kịch lớn nhất của sân khấu Việt Nam hiện nay là làm sao tìm lại được lượng khán giả đã mất sau những năm tháng diễn các vở khá mờ nhạt về kịch bản, xa rời việc đối thoại với đời sống khiến khán giả mất niềm tin nên dần quay lưng với sân khấu để tìm đến những nơi dễ dàng đối thoại hơn như mạng xã hội chẳng hạn.
Phần lớn kịch bản hiện tại vẫn còn yếu, lúng túng. Cứ cái đà mà sân khấu phải ngồi chờ, lệ thuộc vào khán giả như thế này mãi sẽ chết. Không chỉ khan hiếm kịch bản hay, chuyện diễn viên bỏ sân khấu đi chạy show, làm YouTube cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến các sân khấu sụt giảm suất diễn, mất dần khán giả.
Nguồn: Báo GIÁO DỤC và THỜI ĐẠI