Biểu diễn nghệ thuật dễ vi phạm, khó xử lýThời gian qua, vi phạm trong hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp như "treo đầu dê bán thịt chó", hát nhép, hát bài không được phép phổ biến… diễn ra thường xuyên nhưng rất khó xử lý. Một số ý kiến cho rằng, cần tái cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ.

“Hiện nay, hình thức biểu diễn nghệ thuật tại các quán cafe, tụ điểm ca nhạc ngày càng khó quản lý và phức tạp. Bởi theo Quy chế 47/2004/QĐ-BVHTT về hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp thì các đơn vị trên không cần xin phép mà chỉ kê khai để quản lý. Lợi dụng điều kiện này, nhiều tụ điểm ca nhạc kê khai một đằng, làm một nẻo, tổ chức khi nào không ai biết, nên rất khó thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, còn phát sinh những tiêu cực mới. Do đó, văn bản cũng nên được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL, nhận xét.

Bó tay với nhiều vi phạm

Theo đánh giá của Thanh tra Bộ VHTT&DL, 6 năm qua, vi phạm phổ biến trong hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật là: tổ chức biểu diễn không kê khai hoặc không đúng nội dung kê khai, quảng cáo sai sự thật, sử dụng băng đĩa đã thu từ trước để thể hiện thay cho giọng hát của người biểu diễn (hát nhép), tự ý thay đổi ca khúc trong danh mục xin phép, lấy lý do du lịch nước ngoài để biểu diễn, thu âm khi chưa được phép…

 

Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VHTT&DL, là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các địa phương chưa kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động biểu diễn trên địa bàn. Ông Phạm Đình Thắng, Trưởng phòng Quản lý biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL), cho rằng, ý thức của nhiều nhà tổ chức và nghệ sĩ còn kém.

Chẳng hạn việc ra nước ngoài biểu diễn, nghệ sĩ muốn biểu diễn ở chương trình nào chỉ cần gọi điện thoại đến cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại, cung cấp tên, tuổi, số điện thoại, nội dung, địa điểm, thời gian biểu diễn để cơ quan đại diện biết và đưa ra lời khuyên có nên tham gia hay không. Chỉ một động tác đơn giản như vậy mà hầu hết nghệ sĩ không chấp hành nên mới xảy ra tình trạng hát những ca khúc chưa được phép phổ biến gây ảnh hưởng đến nền âm nhạc trong nước.

Theo ông Vũ Xuân Thành, hiện tượng quảng cáo sai sự thật kiểu như có “sao” này “sao” kia để lừa công chúng xảy ra thường xuyên, nhưng rất khó xử lý. Nếu kiểm tra thì đúng là có ca sĩ trùng tên, trùng họ với “sao”. Đây là “chiêu” lập lờ đánh lừa độc giả mà nhiều đơn vị tổ chức áp dụng. Hiện tượng hát nhép khó xử lý không kém vì thường ca sĩ hát xong thanh tra mới biết, nên có phạt họ cũng không nhận.

Ngoài ra, không phải chương trình nghệ thuật nào thanh tra cũng có thể vào được. Một số người đề xuất nên sử dụng dàn nhạc cho tất cả chương trình nghệ thuật, hoặc không cho mang băng đĩa ghi sẵn vào chương trình. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, không phải chương trình nào cũng có thể đưa dàn nhạc đi theo (ví dụ, không có kinh phí cho dàn nhạc theo đoàn biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa), và không thể quản lý hết việc mang trang thiết bị vào chương trình.

Sẽ tái cấp thẻ hành nghề?

Trước thực tế có nhiều nghệ sĩ tự do và vi phạm về biểu diễn như hiện nay, một số ý kiến đề xuất lập lại việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ. Ông Vũ Xuân Thành cho rằng, nếu nghệ sĩ có thẻ hành nghề thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn.

Ông Phạm Đình Thắng cho biết, vấn đề cấp thẻ hành nghề sẽ được mang ra thảo luận tại hội nghị tổng kết, đánh giá 6 năm thực hiện Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp diễn ra trong 2 ngày 1 - 2/7.

Hội nghị do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức sẽ nêu ra những mặt tích cực cũng như hạn chế của quy chế, từ đó có các kiến nghị, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. 

Theo ĐV.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC