Là ca sĩ Hà Nội gốc, dù đã sinh sống và lập nghiệp ở TP HCM từ năm 18 tuổi nhưng cái cốt cách của người Hà Nội vẫn rất rõ nét trong lời ăn tiếng nói, dáng đi nhẹ nhàng thư thái của Hồng Nhung. Ít ai biết rằng, những thói quen từ khi bé đến nay vẫn được cô Bống sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
“Hồng Nhung có rất nhiều trâm cài tóc và vẫn dùng nó thường xuyên dù bây giờ rất ít người còn dùng. Ngày bé, mỗi khi đi ngủ, bà nội thường chải tóc cho Nhung và cho bà. Khi lớn lên, Nhung được bà mua cho một cái để tự chải.
Đến bây giờ Nhung vẫn chải tóc trước khi đi ngủ, không phải để mượt hơn mà đó là một thói quen gợi nhớ ký ức về bà và tuổi thơ của mình. Đi đâu Nhung cũng mang lược bên mình, mà phải là lược sừng. Thành ra, Nhung có rất nhiều lược, có cái bằng bạc, bằng sừng, có cái bằng khảm trai. Bây giờ có nhiều loại lược hiện đại, nhìn bên ngoài là một thỏi son bấm một cái là thành cái lược, nhưng Nhung thấy mình không thuộc về cái xịn như thế”, ca sĩ Hồng Nhung nhớ lại.
Hồng Nhung và Mỹ Linh trong bộ hình mới nhất về chủ đề "Người Hà Nội". Hai Diva sẽ cùng góp mặt trong đêm nhạc diễn ra vào 19&20.7 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội).
Nói về Hà Nội xưa, ca sĩ Hồng Nhung không coi những năm tháng khó khăn thiếu thốn "tuần ba bữa cà" là một nỗi khổ. Nhưng so với bạn bè cùng trang lứa, Hồng Nhung có nhiều thiệt thòi về tinh thần khi có một gia đình không trọn vẹn.
Bố mẹ Hồng Nhung đường ai nấy đi khi cô mới 2 tuổi. “Lúc bố mẹ chia tay, Nhung còn nhỏ quá nên không cảm nhận được nỗi buồn. Hồi đó, bố công tác ở bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh), thành ra Nhung ở nhà với bà nội là nhiều vì mẹ kế còn có hai con riêng. Dì không ác nhưng trong một hoàn cảnh khó khăn như về kinh tế cộng với sự thiệt thòi về tình cảm đã tạo ra một cuộc sống khá là khắc nghiệt và tuổi thơ không bình thường với một đứa trẻ như Nhung.
Ngay lúc đó thì Nhung không cảm thấy gì hết vì cuộc sống lúc đó như thế, mình không có lựa chọn. Năm 10 tuổi, bà nội mất nên cũng để lại cho mình nhiều nỗi buồn. Nhưng hình ảnh về bà vẫn còn mãi, như vị thần tinh thần vậy. Nhung không muốn khoe nỗi buồn đó mà chỉ muốn nói về những chuyện vui thôi.
Giống như trong bài “My Dream” mà mình viết, tuy nói về những khó khăn nhưng khi hát lên thì giai điệu vẫn rất đẹp. Nhung là nghệ sĩ, lại là người khá lạc quan, thành ra Nhung không nhìn nó cay nghiệt và cũng không bắt con cái phải sống như mình đã từng sống hay bù đắp cho con cái bớt thiệt thòi. Quan điểm của vợ chồng Nhung là chỉ biết là dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho con cái và thống nhất cách nuôi dạy con thôi, còn đời ai biết đời nấy, không áp đặt”.
Hỏi ca sĩ Hồng Nhung có bao giờ trách mẹ đã không ở bên để chăm sóc, có thấy tủi thân so với bạn bè cùng trang lứa, chị tâm sự:
"Hồi những năm 70 mà gia đình tan vỡ là ghê lắm, nhưng Nhung không vì thế mà giận mẹ, vì có biết gì đâu mà giận. Khi lớn lên thì có tủi thân khi nhìn thấy những đứa trẻ khác nhưng không phải vì thế mà Nhung trách mẹ.
Bây giờ tôi đi đâu cũng có mẹ kế là dì Mai, mẹ tôi cũng rất hiểu điều đó. Có lần, mẹ Hồng (mẹ ruột) nói với mẹ Mai rằng: "Hồng cám ơn Mai nhiều lắm, con là chị đẻ nhưng bao nhiêu ngày không chăm sóc được mà em lại là người ở bên cạnh Nhung nên chị biết ơn em rất nhiều".
Dù sống ở Sài Gòn từ năm 18 tuổi, Hồng Nhung vẫn giữ được cốt cách và tinh thần của người Hà Nội.
Đây cũng chính là điều mà mẹ của ca sĩ Hồng Nhung luôn trăn trở, day dứt khi bà không được tận mắt chứng kiến sự trưởng thành của con gái, ở bên mỗi khi con cần có mẹ. "Điều duy nhất khiến tôi day dứt ám ảnh, là tôi có ít thời gian ở bên con, để làm tròn bổn phận của một người mẹ bình thường. Thật may con gái tôi là người tự lập, sớm khôn ngoan, biết lo lắng cho bản thân mình".
Khi đọc được những lời này trên báo chí, Hồng Nhung bảo, chị không thấy bất ngờ về lời tâm sự đó, bởi những gì chị biết và hiểu về mẹ còn nhiều hơn và không phải qua bài phỏng vấn đó. "Nó chỉ dành cho những người chưa biết về cuộc sống của Nhung thôi. Thành ra, Nhung không bao giờ trách mẹ cả", cô Bống chia sẻ thêm.
Những năm tháng về một tuổi thơ thiệt thòi về tinh thần được Hồng Nhung gói ghém, cất giữ trong ký ức chứ không để nó hiện diện lên suy nghĩ và hành động của chị ở hiện tại. Chính vì vậy mà người ta chỉ thấy một Hồng Nhung tươi trẻ, hồn nhiên, nhí nhảnh mà không thấy sự ưu tư và những nỗi niềm của một người sống trong thời điểm nhiều biến động của gia đình, thời cuộc.
Bỏ đi nỗi buồn để sống lạc quan với một tâm hồn nghệ sĩ là cách mà chị đáp lại tình yêu mến của khán giả dành cho mình. Nhờ đó mà "từ thủa Bống là người" đến tuổi tứ tuần vẫn thấy mình mãi hồn nhiên, yêu đời và đầy năng lượng sống.
Theo Gia đình và xã hội.