Năm 2013 có thể coi là một năm “thất bát” của sắc đẹp Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Sự thất bại đó không phải xuất phát từ việc người đẹp Việt không giành được thứ hạng cao (bởi đó là chuyện bình thường từ 5 năm trở lại đây). Sự thất bại ấy đến từ ngay cách hành xử của người đẹp Việt trên sân chơi sắc đẹp quốc tế.
Đeo băng sai tên nước và chuyện cười người…gặp nạn
Trong năm 2013, bốn đại diện tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế của nước ta gây được nhiều chú ý nhất. Đáng tiếc là chỉ có Trương Thị May để lại những ấn tượng tốt đẹp dù không có thứ hạng cao, còn Lại Hương Thảo, Trần Thị Quỳnh và Lô Hương Trâm đều khiến người xem lắc đầu ngao ngán.
Lại Hương Thảo trở thành đại diện của Việt Nam tham dự Miss World 2013 tổ chức tại Indonesia. Tuy nhiên, ngay từ clip giới thiệu về bản thân, Hương Thảo đã cho thấy sự lúng túng và cách phát âm ngô nghê không bằng học sinh cấp 2. Không thể “xóa” được ấn tượng không tốt ban đầu ấy, Hương Thảo lại tiếp tục bị loại ở các giải phụ trong đó có giải người đẹp thể thao được cho là thế mạnh của cô. Điều này đồng nghĩa với việc cánh cửa vào bán kết của Hương Thảo cứ dần bị thu hẹp lại.
|
Có lẽ, Trần Thị Quỳnh cũng như khán giả Việt sẽ khó có thể quên những hình ảnh này |
Tuy nhiên, điều khiến Hương Thảo gây thất vọng lại nằm ở cách ăn mặc. Cô không ngần ngại khoe vòng 1 bằng những chiếc váy khoét sâu táo bạo. Sự sexy đôi khi thái quá của cô làm cho những người dân nước chủ nhà cảm thấy khó chịu. Điều đó cũng có nghĩa, việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè thế giới đã thất bại nếu không muốn nói là phản tác dụng.
Trần Thị Quỳnh được cử làm đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới được tổ chức tại Trung Quốc. Cô khiến dư luận dậy sóng bởi đã phạm hai sai lầm lớn. Trần Thị Quỳnh “tự hào” rước lá cờ tổ quốc treo ngược trên sân khấu của cuộc thi; chưa hết, cô vô tư đeo dải băng ghi sai tên nước suốt trong đêm tập dượt và chung kết của chương trình. Dù vào đến top 6 nhưng thành tích của Trần Thị Quỳnh không làm giảm đi sự thất vọng mà khán giả trong nước dành cho cô.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2013, Lô Hương Trâm, người đẹp Việt Nam được cử tham gia Hoa hậu quốc tế 2013 (Miss International 2013) lại tiếp tục khiến dư luận trên cộng đồng mạng Trung Quốc cũng như Việt Nam 'nổi sóng'. Nguyên nhân là nụ cười tươi rói của Hương Trâm khi nhìn thấy người đẹp của Venezuela vấp ngã. Có thể đó chỉ là sự chậm chạp trong xử lý tình huống. Nhưng cũng có thể, đó là thái độ thờ ơ, một cử chỉ chưa đẹp của Hương Trâm trước sự cố của người khác.
|
Lại Hương Thảo đã quá sexy ngay trên một đất nước Hồi Giáo |
Dù vô tình hay hữu ý thì nụ cười của Hương Trâm trước cú vấp ngã của thí sinh nước bạn cũng để lại một ấn tượng không thực sự đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Người đẹp Việt thiếu…kỹ năng sống khi dự sân chơi quốc tế?
Sự cố của Trần Thị Quỳnh ngoài lỗi của Ban tổ chức thì phần lớn nhất vẫn thuộc về cô. Sự vô tâm, thiếu ý thức tự tôn dân tộc đã khiến cô liên tục mắc những sai lầm cơ bản nhất.
Bên cạnh đó, Lại Hương Thảo và Lô Hương Trâm lại không biết cách làm cho mình đẹp hơn trong mắt công chúng bằng những việc làm đơn giản trong những tình huống cụ thể. Sự nhạt nhòa của Hương Thảo khi chọn nhiều trang phục màu trắng và quá sexy ở một đất nước Hồi Giáo, hay việc đứng nhìn mà không có biểu hiện ý định giúp đỡ thí sinh nước bạn gặp sự cố của Hương Trâm vừa qua cho thấy, người đẹp Việt thiếu khá nhiều kiến thức cơ bản khi tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế.
Thực ra, nếu Hương Trâm ngay lập tức giúp đỡ người đẹp Venezuela hay Hương Thảo không quá đà khi khoe khoang vòng 1 ở một đất nước Hồi giáo thì có lẽ hình ảnh các cô sẽ đẹp hơn rất nhiều trong mắt công chúng.
|
Hành động của Hương Trâm là biểu hiện của việc thiếu những kỹ năng sống cơ bản |
Đáng tiếc là, việc thiếu những kỹ năng sống cần thiết đã khiến các người đẹp Việt không thể làm được những việc tưởng chừng như vô cùng đơn giản ấy.
Và, khi không thể “làm đẹp” cho chính bản thân mình thì không thể mong các người đẹp này “quảng bá” vẻ đẹp của phụ nữ Việt đến với bạn bè quốc tế!
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chỉ trách cứ các người đẹp này. Bởi chiếc áo đại diện cho sắc đẹp Việt quá rộng so với những gì họ có. Điều đó có nghĩa, những người đem “chiếc áo” đó khoác lên người họ mới phải chịu trách nhiệm chính. Sự thiếu đầu tư, thiếu sàng lọc và không đào tạo một cách bài bản đã khiến họ thường xuyên gặp thất bại khi “đem chuông đi đánh xứ người”!
Bất cứ sự xuề xòa, dễ dãi nào khi cấp phép cho một người đẹp đi dự thi sắc đẹp quốc tế đều có thể đem đến những hậu quả không mong muốn.
Theo GDVN.