“Sự khinh nhau không nhìn thấy được mà nó thể hiện ngấm ngầm. Đừng hát lip-sync để đồng nghiệp khinh cho” - Đàm Vĩnh Hưng bày tỏ thái độ gay gắt trước nạn hát nhép.
Chiều 18/1, các ca sĩ tụ hội về Quy Nhơn tham dự Singer’s Day. Hội thảo về “Chung sống với stress trong nghề nghiệp” là hoạt động đầu tiên diễn ra dưới sự chủ trì của Mr. Đàm. Ngay từ phần đầu hội thảo, quý ông nhạc Việt chủ động kêu gọi các giọng ca chia sẻ thật lòng về việc hát nhép.
Theo anh, hát nhép đã trở thành một vấn nạn của làng nhạc Việt, trong khi các chương trình hải ngoại rất hiếm ai bật đĩa lừa khán giả. Họa My - giọng ca nổi danh một thời - cũng tán đồng ý kiến này: “Tôi từng hát rất nhiều ở Mỹ, bên đó người ta chỉ chấp nhận cho ca sĩ hát lip-sync khi làm video. Hát nhép không thể diễn tả cảm xúc của người hát. Ca sĩ chinh phục người nghe khi sống trong ca khúc”.
Ca sĩ Mai Thanh và Đàm Vĩnh Hưng.
Cùng thế hệ với Họa My, Bích Phương - giọng ca rock máu lửa một thời - cho biết, những ca sĩ trưởng thành thời bao cấp như chị chịu rất nhiều thiệt thòi nhưng rất yêu nghề, không quản khó khăn ngày đêm luyện tập cùng ban nhạc, lắm khi hát hăng say văng cả đầu micro vẫn không biết. Mẹ của Kasim Hoàng Vũ khuyên các giọng ca trẻ như con trai mình “nên coi trọng lòng tự hào của người nghệ sĩ. Thật xấu hổ khi bạn mình nhận cát-xê như mình mà phải hát bể lồng ngực, trong khi mình ung dung hát nhép”.
Ca sĩ Bích Phương, mẹ của Kasim Hoàng Vũ chia sẻ, ở tuổi 48, sức khỏe chị vẫn tốt nhờ rèn luyện cùng ban nhạc một cách chăm chỉ chứ không hề hát nhép.
Những giọng ca trẻ lại cho rằng, một số trường hợp ca sĩ buộc phải hát nhép. Theo Mỹ Tâm, khi âm thanh quá tệ, ca sĩ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bật đĩa. Thái Thùy Linh thẳng thắn thừa nhận, cô từng hát nhép vì trước chương trình truyền hình trực tiếp bị cảm nặng nói không ra tiếng. Mai Thanh cựu thành viên The Bell cũng từng hát lip-sync. Tuy nhiên các ca sĩ đều khẳng định đây là hoàn cảnh bắt buộc và không ai muốn điều này. Thái Thùy Linh nêu ra nghịch lý: “Các ca sĩ trước khi nổi tiếng đều hát thật nhưng khi thành danh lại hát nhép. Vũ công phải nhảy thật dù trời mưa, sân khấu trơn trượt trong khi ca sĩ cát-xê cao hơn lại hát nhép là không công bằng”.
Để loại trừ căn bệnh này, cô gái rock của Sao Mai điểm hẹn 2004 cho rằng, các ca sĩ đồng lòng sẽ khiến bầu show buộc phải nâng cao chất lượng âm thanh cho các chương trình ca nhạc. Duy Khoa, ca sĩ lớp đàn em của Sao Mai điểm hẹn 2008 cũng đánh giá cao vai trò của Ban tổ chức khi yêu cầu ca sĩ không được hát nhép trong các chương trình. Mai Thanh đưa ra ý tưởng táo bạo khi đặt vấn đề: “Các ca sĩ hát thật trên sân khấu được cầm micro, còn lip-sync thì không được cầm vì nhép miệng thì cần gì đến micro”. Họa mi tóc nâu tuyên bố: “Ai hát được thì hát, không hát được cứ tự do mà nhép. Hát được hay không thì tùy, ai muốn làm thì làm nghiêm túc, ai không làm thì nghỉ”.
Phân tích góc độ tâm lý, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn và Lý Thị Mai tư vấn cho các ca sĩ trong hội thảo rằng, cử động của môi bao giờ cũng chậm hơn bài hát chừng hai giây, màn hình hai bên sân khấu phóng to khiến khán giả rất dễ phân biệt ca sĩ hát thật hay nhép môi. Điều này khiến người hát rất căng thẳng khi lên sân khấu. Không hát lip-sync sẽ khiến ca sĩ thoải mái hơn, là một cách tránh stress trong nghề nghiệp của mình.
Quang Dũng - Thanh Thảo ngồi lại bên nhau chuyện trò bên lề hội thảo.
Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã ban hành quy định xử phạt hành chính đối với các ca sĩ hát nhép nhằm quyết tâm hạn chế tình trạng này.
Theo VNE.