Trên các bảng xếp hạng âm nhạc của đài phát thanh, truyền hình và một vài trang web vẫn “xôn xao” với những ca khúc được đánh giá là yêu thích nhất, thông qua bình chọn của khán, thính giả. Thế nhưng, những ca khúc đó có xứng đáng với tên gọi như thế hay không lại phải bàn.
Trong top 15 ca khúc được yêu thích nhất hiện nay, hầu hết là những ca khúc của ca sĩ teen chưa có dấu ấn, như: Lạnh (Khổng Tú Quỳnh và Tonny Việt), Ngày buồn nhất, Thiên thần trong truyện tranh (Bảo Thy), Lời nguyền, Mùa đông không lạnh (Akira Phan), Đôi mắt (Wanbi Tuấn Anh), Hát vang rằng anh yêu em (Thủy Tiên), Nước mắt hóa đá (Lương Bích Hữu), Nước mắt thiên thần (Ngô Thanh Vân), Yêu như không yêu (Ngô Kiến Huy), Cái chết của một kẻ lạ (rapper Andree), Cổ tích cầu vồng khuyết (Đông Nhi),...
Nhạc sĩ mải chạy theo ca sĩ
Sự thăng hạng của các ca khúc này phần nào khiến cho hàng loạt nhạc sĩ nhảy vào cuộc chơi như những người thợ viết thuê “chỉ cần đáp ứng nhu cầu giải trí đơn thuần” của một bộ phận khán giả nghe nhạc tuổi teen. Vì thế, thị trường âm nhạc bắt đầu xuất hiện tràn ngập những ca khúc làng nhàng cả nội dung lẫn hình thức.
Nhạc sĩ Minh Châu bức xúc: “Khi đời sống âm nhạc đang như một phiên chợ mà người mua lẫn người bán chỉ coi tác phẩm âm nhạc là món hàng thì chính những người cứ chăm chăm lao vào sáng tạo để có những ca khúc với hy vọng tạo dấu ấn vĩnh cửu trong đời sống xã hội không chỉ “đói” mà đôi khi bị xem là kẻ lập dị. Bởi người sử dụng chẳng cần thì người sáng tạo làm điều đó để làm gì”.
Đó là chưa kể ca sĩ thay đổi phong cách âm nhạc xoành xoạch theo xu hướng âm nhạc thời trang: Nay chạy theo pop, mai đổi sang hip hop rồi ngày kia rock. Để đáp ứng nhu cầu này, nhạc sĩ cũng trở nên đa phong cách trong sáng tác ca khúc. Những sản phẩm dạng này ra đời, tất yếu, chẳng chạm vào được những đặc tính riêng biệt của từng dòng nhạc thì nói gì khai thác cái đặc sắc của nó.
Nhạc sĩ Minh Châu nói: “Ca sĩ không có hướng đi lâu dài thì họ cũng chỉ cần những ca khúc mang tính thời đoạn. Hệ quả là ca khúc ra đời một cách chắp vá, manh mún... Làm sao thị trường âm nhạc có được những ca khúc có dấu ấn đậm nét, mang tính vĩnh cửu như trước đây được”.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, một ca khúc hay đòi hỏi không chỉ gần gũi mà còn phải lạ về ý tưởng, đề tài... Để làm được điều này, người viết cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm để kiến tạo nên một ca khúc hoàn chỉnh từ giai điệu đến ca từ.
Thế nhưng, trong thời buổi ca sĩ nào cũng muốn trở thành sao nên công việc của giới sáng tác cũng bận rộn hơn với những đơn đặt hàng dày đặc. Làm sao để các nhạc sĩ có thời gian đầu tư trọn vẹn cho một ca khúc.
Ca sĩ dễ dãi, chủ quan
Nếu trước đây, ca sĩ cần có nhiều bài hát nổi tiếng để làm nên tên tuổi thì nay quan niệm này không còn. Ca sĩ trẻ xây dựng hình ảnh cho mình bằng những cách thức ngoài âm nhạc: đóng phim, làm từ thiện, tăng cường hiệu quả truyền thông, thậm chí bằng cách gây xì-căng-đan.
Còn các ca sĩ ngôi sao thì luôn nghĩ tên tuổi mình đã ở đỉnh cao, sức hút của họ là thương hiệu chứ không phải vì một hai ca khúc ăn khách nào đó. Quan niệm này bắt nguồn từ hiện tượng nở rộ các câu lạc bộ người hâm mộ. Ở đó, ca sĩ cứ phát hành album ào ào, hay dở gì cũng đã có lực lượng fan cuồng nhiệt bên cạnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy ngán ngẩm: “Tâm lý chung của người hâm mộ hiện nay là đón nhận tất cả sản phẩm âm nhạc của thần tượng, bất kể hay hay dở, đáng nghe hay không đáng nghe. Điều đó phần nào tạo nên một thói quen dễ dãi, chủ quan của ca sĩ.
Họ không còn nghĩ đến việc phải tìm kiếm những ca khúc thật hay, đầu tư cho mối quan hệ cộng sinh - cộng hưởng giữa nhạc sĩ và ca sĩ nữa. Vì vậy, 5 năm gần đây, các ca sĩ ngôi sao cũng gần như không còn hát những ca khúc đủ sức tạo dấu ấn như nhiều năm trước”.
Theo Người lao động.