Ca sĩ Việt: Chặng đường dài cho hành trình thoát khỏi... "ao làng" Chuyện ca sĩ, nghệ sĩ Việt Nam đem tài năng của mình đến các cuộc thi thế giới là niềm hy vọng và mong chờ của rất nhiều người hâm mộ trong nước. Tuy nhiên, sự kỳ vọng ấy chưa bao giờ được thỏa nguyện.

 Đông nhưng không chất lượng

Chưa bao giờ lực lượng ca sĩ lại đông đúc như hiện nay. Công nghệ âm nhạc phát triển đến nỗi, người người chỉ cần biết hát là đã có thể thành ca sĩ. Tuy nhiên chất lượng ca sĩlại không đồng đều và tỷ lệ thuận số lượng. Ca sĩ đông nhưng tốc độ tạo ảnh hưởng trong khu vực và thế giới lại không được bao nhiêu, để đoạt danh hiệu giải thưởng tầm quốc tế lại càng khó. Những ca sĩ có thực lực lại rơi vào cảnh nhiều người không thấy mặn mà với các giải quốc tế. Sự hạn chế này một phần ở khía cạnh tài năng của người ca sĩ, một phần do cơ chế cấp phép cho ca sĩ của nước ta có nhiều ràng buộc chặt chẽ, chính vì vậy mà cũng làm hạn chế phần nào. 

Nói đến những giải quốc tế không thể không kể đến nhạc sĩ, ca sĩ Thanh Bùi, người cũng từng đoạt giải thưởng khá cao tại cuộc thi thần tượng âm nhạc Úc. Là một thí sinh tự do, không ở đơn vị nào cử đi nhưng anh đoạt giải khá cao. Đó cũng một phần là do sự đầu tư khá kỹ càng về âm nhạc. Bên cạnh đó những kiến thức và tài năng bẩm sinh của mình đã giúp anh có một số thành công tốt. Tuy nhiên, những nhân tố như Thanh Bùi ở cuộc thi quốc tế không nhiều. Bởi những cuộc thi như thế đòi hỏi rất nhiều ở người ca sĩ. Yếu tố giỏi tiếng nước ngoài, đầu tư vào bài hát, đầu tư về trang phục... cũng góp phần gây khó khăn cho nhiều ca sĩ.

Gần đây nhất ca sĩ Khuất Duy Vinh, một ca sĩ gốc Việt đoạt giải 3 trong cuộc thi nhạc pop quốc tế New Wave 2013 như tạo một tinh thần khích lệ cho nhiều người Việt. Khuất Duy Vinh là một tài năng âm nhạc được phát hiện từ sớm. Kể từ năm 15 tuổi đến nay anh đã đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc, tiêu biểu trong đó có giải nhất cuộc thi Hannover Songcontes "Horen 2012" tự sáng tác và biểu diễn tại Đức. Vinh được sinh ra tại Hà Nội và sinh sống ở Đức khi được 1 tuổi, mẹ anh chính là người nuôi dưỡng và phát hiện ra tài năng của con mình. Sự thành công của chàng ca sĩ trẻ tuổi Khuất Duy Vinh này được xem là niềm cổ vũ cho nhiều tài năng âm nhạc Việt, sự cố gắng và thể hiện tốt khả năng của mình ở những cuộc thi lớn trên thế giới.

Mỹ Tâm là ca sĩ có thực lực. Đã có một thời gian cô được tiếp xúc với công nghệ âm nhạc Hàn Quốc, kinh nghiệm cũng có nhiều, tài năng của cô cũng không thể phủ nhận. Nhưng để tỏa sáng trước nhiều quốc gia khác cũng chẳng dễ dàng. Rõ ràng, để ca sĩ có thể đoạt được những vị trí cao trong làng nhạc thế giới họ gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó không chỉ ở bản thân của ca sĩ mà còn ở những yếu tố khách quan bên ngoài. Để thật sự tỏa sáng đó là một bài toán khó cho nhiều ca sĩ có tâm huyết với nghề như hiện nay.

Ca sĩ Việt: Chặng đường dài cho hành trình thoát khỏi...

Ca sĩ Mỹ Tâm dù hát hay nhưng cần nhiều yếu tố để chiến thắng các giải thưởng quốc tế.

Vươn ra thế giới: Còn khoảng cách khá xa

Có thể nói rằng, tại Việt Nam không thiếu ca sĩ hát hay, tuy nhiên nghịch lý là các ca sĩ Việt Nam ít tham gia các chương trình âm nhạc trên thế giới. Hiện nay, nhiều ca sĩ Việt Nam trong nước mang rất nhiều danh hiệu khủng. Nào là "ông hoàng, diva"... nhưng ít tham gia các chương trình quốc tế. Đó là chưa nói tầm ảnh hưởng lan sang các khu vực thì không được bao nhiêu. Đa phần chỉ vỏn vẹn trong nước là chính. Khoảng cách để âm nhạc Việt lan tầm trong khu vực còn khó và vượt xa lên tầm thế giới là điều còn khó khăn hơn.

Một phần những nguyên nhân này xuất phát từ sự khắt khe trong cơ chế, có nhiều thủ tục khá rườm rà. Nói về việc để được tham gia một cuộc thi quốc tế, nhạc sĩ Quốc An cho biết những thủ tục sau: "Đa số các ca sĩ khi tham dự các chương trình quốc tế đều đi theo đoàn. Mỗi năm có đoàn Nhà nước cử đi, tuy nhiên từ khoảng 5-7 năm nay chúng ta khá im lặng trong các cuộc thi quốc tế. Thật ra, khi ca sĩ Việt Nam tham gia các giải quốc tế đa phần đi đều có giải. Tuy nhiên một phần những giải đó không được chiếu trên truyền hình nhiều nên khán giả không được biết và có thể đón xem. Các thông tin này khán giả chỉ có thể cập nhật sau khi cuộc thi kết thúc".

Có thực tế rằng, khi các ca sĩ Việt Nam tham gia các chương trình quốc tế chia ra làm hai cách. Một là thí sinh tự do, hoặc được các cơ quan Nhà nước cấp phép. Phân tích vấn đề này nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ: "Nếu là thí sinh tự do, ca sĩ phải gửi đĩa đến để thẩm định ở vòng ngoài, nếu ban tổ chức thấy được họ sẽ cho vào những vòng trong. Nhưng có đòi hỏi bắt buộc là phải hát tiếng của nước họ. Và phần lớn tâm lý ca sĩ Việt Nam còn khá e dè nên đôi khi họ chưa mạnh dạn để tham gia các cuộc thi quốc tế".

Dù nhiều ca sĩ có giọng hát tốt nhưng họ thực sự chưa tỏa sáng. Ở trong tầm khu vực, chúng ta còn chưa gây được cơn sốt đối với những nước xung quanh thì làm sao có thể phát triển đến âm nhạc thế giới. Rõ ràng, chúng ta còn nhiều thiếu sót để tạo bước đột phá. Một nhạc sĩ xin được phép giấu tên cho biết: "Tại Việt Nam nhiều ca sĩ được phong là “ông hoàng, diva” nhưng tài năng âm nhạc của họ chỉ quanh quẩn và chẳng tạo ra được một tầm ảnh hưởng nào to lớn với các nước bên cạnh. Nhiều ca sĩ kém tiếng Anh, thiếu hiểu biết về những khuynh hướng âm nhạc thịnh hành trên thế giới. Không biết rock, hiphop là sao, có sự khác biệt nào giữa rap da trắng và rap da đen. Họ chỉ giỏi trong việc tung chiêu lấy tên mà bán đĩa trong nước. Chỉ hù khán giả trong nước mà thôi".

Chia sẻ thêm vấn đề này nhạc sĩ Quốc An cho biết: “Hiện tại, chúng ta có nhiều cuộc thi âm nhạc. Một điều dễ nhận thấy là khi tham gia, họ là một ca sĩ bình thường nhưng vào sâu trong vòng trong họ càng tỏa sáng, một phần họ được chỉ ra những điểm mạnh yếu trong giọng hát, được đầu tư về trang phục, trang điểm... Nhưng sau mỗi cuộc thi khán giả mau quên người ca sĩ đoạt giải ấy, bởi lại có thêm những cuộc thi mới và khán giả bị cuốn theo những điều mới”.

Để tạo ra hướng thay đổi,  nhạc sĩ Quốc An cho biết: "Quan trọng là chúng ta cần có những công ty đào tạo chuyên nghiệp. Để ca sĩ được phát triển thì ngoài tài năng cần có, họ phải có những ca khúc hay, đó là điều rất quan trọng, nếu có sự kết hợp ăn ý giữa ca sĩ, nhạc sĩ cộng thêm đó là cách quản lý có những định hướng quảng bá chuyên nghiệp, stylist, cách biểu diễn như thế nào thì mới thành công được".
  
Vẫn chỉ là hy vọng

Vừa qua, báo chí "rùm beng" chuyện ca sĩ Mỹ Tâm "tấn công" giải thưởng âm nhạc quốc tế như giải European Music Awards 2013, ở hạng mục Best Wordwide Act vào tháng 11 tới. Đây là sự kiện được khá nhiều người mong chờ. Xét bình diện thì Mỹ Tâm cũng khá triển vọng. Năm 2000, cô đoạt Huy chương đồng Liên hoan giọng ca châu Á. Từ năm 2002 đến 2005, cô có lượng hâm mộ lên đến 40.000 thành viên. Tiếp tục đến năm 2012 cô được giải thưởng Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất. Mặc dù, Mỹ Tâm là một giọng ca đầy thực lực, kỹ năng biểu diễn tốt nhưng chuyện tham gia và giành giải thưởng là hai điều hẳn nhiên khác nhau.

Danh xưng, tiền bạc... không giúp ca sĩ tỏa sáng

Nhạc sĩ Miêu Thanh bày tỏ: "Một điều đáng buồn rằng, ca sĩ Việt Nam có quá nhiều danh xưng nhưng tầm ảnh hưởng lại chẳng được bao nhiêu khi "tầm tai tiếng" lại vượt trội hẳn lên. Những chiêu trò này thực chất chỉ nhằm thu hút dư luận để bán đĩa, tạo show ca hát thu lợi nhuận về cho mình. Những danh xưng, những bộ trang phục đắt tiền hàng tỷ, xe hơi, hay kim cương không cứu vãn được ca sĩ Việt và cũng chẳng đủ sức làm họ tỏa sáng vượt khỏi biên giới Việt Nam". 

Theo Người đưa tin.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC