Lần đầu tiên tại Việt Nam, tuyển tập phim ngắn kinh điển của Charlie Chaplin đã được phát hành chính thức làm thoả mãn sự mong đợi của hàng triệu khán giả hâm mộ người nghệ sĩ vĩ đại này.
Sống lại một huyền thoại
Charlie Chaplin "bén duyên" khán giả Việt Nam với biệt danh Vua hề Sác-lô. Ông sinh năm 1889 tại London (Anh) trong một gia đình cha mẹ đều là diễn viên sân khấu. Ở tuổi thiếu niên, cậu bé Charlie đã phải sống trong trại tế bần do cha qua đời, mẹ phải vào nhà thương điên. Giai đoạn tuổi thơ vô cùng khổ cực đã ảnh hưởng rất lớn tới các nhân vật của Chaplin sau này, những tình huống cười đó rồi khóc đó trong rất nhiều phim của ông được hình thành từ chính những gì ông đã trải qua lúc thiếu thời.
Charlie tới Mỹ lần đầu năm 1910 cùng gánh biểu diễn tạp kỹ và đã được một nhà sản xuất phim "nhắm" đến. Năm 1914, bộ phim đầu tiên có Charlie diễn xuất Making a living được công chiếu. Chỉ một thời gian ngắn sau, Charlie đã trở nên nổi tiếng với vai diễn xuất sắc The Tramp - Kẻ lang thang. Nhân vật The Tramp nhanh chóng trở thành một hình tượng điện ảnh nổi tiếng nhất thời ấy. Ở các nước Pháp ngữ, The Tramp được gọi là Charlot, và từ đó "Vua hề Charlot" (Sác-lô) trở thành một thần tượng mới. Trên màn ảnh, một anh chàng nhỏ con, đầu đội mũ quả dưa, cầm gậy tre với những bước đi nhún nhảy rất tức cười, luôn tạo ra vô vàn tình huống bi hài, hoá thân trong đủ các câu chuyện kim cổ đông tây mà không hề nhàm chán.
Hãy nhìn cuộc đời bằng ánh mắt dí dỏm
Từ khi Charlie qua đời, trên thế giới chưa có danh hài nào "vượt mặt" ông. Charlie Chaplin - một trong những ngôi sao trụ cột lúc bình minh của Hollywood đã có một cuộc đời sôi động cả trên màn ảnh và sau ống kính máy quay. Ông là một tượng đài của kỷ nguyên phim câm, nổi tiếng trong hình ảnh Little Tramp (Chàng lãng tử). Khán giả hâm mộ Charlie Chaplin không phân biệt tuổi tác, giới tính, không phân biệt giàu nghèo hay địa vị... Tài năng và tâm huyết của ông thể hiện trên mỗi tác phẩm điện ảnh đã làm sống lại hàng triệu trái tim đang chết dần chết mòn trong đói nghèo, sự tuyệt vọng, chán nản. Ông luôn thể hiện mình là kẻ bần cùng đến nỗi tưởng như không thể sống nổi, vậy mà lúc nào cũng nhìn cuộc đời bằng ánh mắt dí dỏm.
Năm nay, Charlie Chaplin sẽ tái ngộ với người yêu điện ảnh Việt Nam qua 33 bộ phim ngắn nổi tiếng của ông được sản xuất trong những năm 1914 - 1917, nay đã trở thành các tác phẩm kinh điển của nghệ thuật thứ bảy, được coi là những giáo khoa điện ảnh được tham khảo trên khắp thế giới.
Bên cạnh các bộ phim ngắn, trong thời kỳ phim câm, Charlie Chaplin đã sản xuất những bộ phim dài như A Woman of Paris (Quý bà Paris, 1923), tiếp đó là The Gold Rush (Cơn sốt vàng, 1925) và The Circus (Gánh xiếc, 1928). Khi điện ảnh bước qua kỷ nguyên phim câm chuyển sang thời phim có thoại, Charlie vẫn trung thành với phim câm và đã sản xuất 2 phim câm nổi tiếng City Lights (Ánh đèn đô thị, 1931) và Modern Times (Thời đại tân kỳ, 1936). Sau đó ông làm những phim nói khác là The Great Dictator (Tên độc tài, 1940), Monsieur Verdoux (Ông Verdoux, 1947) và Limelight (Ánh đèn sân khấu, 1952).
Hai tác phẩm cuối cùng của Chaplin được sản xuất tại London: A King in New York (1957), trong đó ông tham gia diễn xuất, biên kịch và đạo diễn; A Countess from Hong Kong (1967) có sự tham gia của Sophia Loren và Marlon Brando, trong đó Chaplin xuất hiện lần cuối cùng trên màn ảnh với một vai nhỏ.
Charlie Chaplin vẫn luôn "gặt hái" những giải thưởng cao quý ngay cả khi ông đã qua đời. Đáng chú ý nhất là khi ông được trao giải Oscar Thành tựu trọn đời vào năm 1972. Với sức lao động sáng tạo không biết mệt mỏi của mình, người đàn ông nhỏ bé này đã làm nên một thành tựu khổng lồ khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể.
Theo SKDS.