Lần đầu tiên châu Á góp ba đại diện là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia tại vòng 1/8 một kỳ World Cup.

Tại bảng D, Australia ra quân bằng thất bại 1-4 trước đương kim vô địch Pháp rồi thắng Tunisia và Đan Mạch với cùng tỷ số 1-0. Họ đạt sáu điểm, bằng Pháp nhưng xếp sau vì hiệu số. Australia – xếp thứ 38 – cũng là đội tuyển có thứ hạng FIFA thấp nhất vượt qua vòng bảng. Ở vòng 1/8, họ gặp Argentina.

Ở bảng E, Nhật Bản gây tiếng vang khi ngược dòng hạ Đức 2-1 ở lượt ra quân. Đây là lần đầu đội tuyển xứ mặt trời mọc thắng khi bị dẫn đến giờ giải lao tại World Cup. Sau khi thua Costa Rica 0-1, Nhật Bản tạo nên cơn địa chiến khác khi thắng ngược Tây Ban Nha 2-1. Như vậy, trên hành trình vượt qua vòng bảng, họ quật ngã hai nhà cựu vô địch, nhờ đó đứng đầu bảng đấu được ví như bảng tử thần và đẩy Đức khỏi cuộc chơi.

Hôm qua, đến lượt Hàn Quốc viết tiếp lịch sử khi thắng ngược Bồ Đào Nha 2-1. Họ và Uruguay cùng được bốn điểm và hiệu số +0, nhưng đại diện châu Á xếp trên nhờ hơn số bàn thắng (4 so với 3), theo chân đầu bảng Bồ Đào Nha vào vòng 1/8.

1 Chau A Lap Ky Luc Tai World Cup 2022

Cầu thủ Hàn Quốc mừng sau khi vào vòng 1/8 World Cup 2022. Ảnh: Yonhap

Trước đây, châu Á chỉ có nhiều nhất là hai đội tuyển vượt qua vòng bảng ở các kỳ giải 2002 và 2010. Năm 2002, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng là hai đồng chủ nhà, đi tiếp. Hàn Quốc năm đó thậm chí vào đến bán kết. Đến 2010 tại Nam Phi, Nhật Bản và Hàn Quốc tái lập thành tích khi vào vòng 1/8, nhưng dừng bước ngay sau đó.

Tại Qatar năm nay, trong nhóm châu Âu, có tám trong 13 đội tuyển vượt qua vòng bảng, gồm Hà Lan, Anh, Ba Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Croatia, Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha. Trong nhóm bị loại, bất ngờ lớn nhất là Bỉ – đội đứng thứ hai trên bảng thứ bậc FIFA. Cách đây bốn năm, có tới 10 đại diện châu Âu vào vòng 1/8 với chức vô địch cuối cùng thuộc về Pháp. “Có thể nói, châu Âu đã chùn bước ở vòng bảng Qatar 2022”, tờ Yonhap (Hàn Quốc) bình luận.

Châu Phi chỉ còn hai đại diện – Senegal và Morocco – vào vòng 1/8 từ năm đội tuyển ban đầu.

Nam Mỹ góp hai đại diện – Brazil và Argentina, trong khi Ecuador và Uruguay khăn gói ra về. Trong số bốn đội khu vực Bắc và Trung Mỹ, chỉ Mỹ vượt qua vòng bảng. Mexico từng bảy lần liên tiếp lọt vào vòng 1/8, nhưng lần này thất bại.

2 Chau A Lap Ky Luc Tai World Cup 2022

Mỹ là đội Bắc – Trung Mỹ duy nhất vượt qua vòng bảng. Ảnh: USMNT

Vòng bảng World Cup 2022 cũng không có đội tuyển nào giành chín điểm tuyệt đối. Trong tám đội đầu bảng, chỉ Hà Lan, Anh và Morocco kiếm được bảy điểm. Năm đội đầu bảng còn lại gồm Argentina, Brazil, Nhật Bản, Pháp và Bồ Đào Nha đều có sáu điểm. Lần thứ tư World Cup không đội toàn thắng vòng bảng, sau 1994, 1962 và 1958. Đáng chú ý, Brazil vô địch cả ba kỳ World Cup đó.

Giải năm nay cũng chứng kiến số đội tuyển bất bại ở vòng bảng ít nhất kể từ năm 1994, là Hà Lan, Mỹ, Anh, Croatia, Morocco. Kỷ lục về số đội bất bại nhiều nhất qua vòng bảng thuộc về các năm 1998 và 2002, với 12 đội.

Tính trong các đội góp mặt tại vòng 1/8 World Cup 2022, Mỹ và Ba Lan có hàng công tệ nhất khi chỉ ghi hai bàn ở vòng bảng. Xếp trên lần lượt là Australia, Brazil (3), Hàn Quốc, Croatia, Nhật Bản, Marocco, Thụy Sĩ (4), Argentina, Hà Lan, Senegal (5), Pháp, Bồ Đào Nha (6), Tây Ban Nha, Anh (9).

3 Chau A Lap Ky Luc Tai World Cup 2022Richarlison là tiền đạo tốt nhất của Brazil tại vòng bảng World Cup 2022, với 2 bàn. Brazil chỉ ghi được ba bàn tại vòng bảng – thành tích tệ nhất của họ kể từ lần ghi ba bàn ở vòng bảng năm 1974. Ảnh: Gazeta

Qua 48 trận vòng bảng, đã có 120 bàn, trung bình 2,5 bàn mỗi trận. Trong đó, thành tích tốt nhất thuộc về Enner Valencia (Ecuador), Marcus Rashford (Anh), Kylian Mbappe (Pháp), Alvaro Morata (Tây Ban Nha), Cody Gakpo (Hà Lan) với cùng ba bàn. Trong số này, chỉ Valencia không còn cơ hội nâng cao thành tích.

Có 18 cầu thủ ghi được hai bàn, với Lionel Messi, Richarlison, Andrej Kramaric, Bukayo Saka, Olivier Giroud, Ritsu Doan, Bruno Fernandes, Cho Gue-sung, Ferran Torres và Breel Embolo tiếp tục thi đấu ở vòng 1/8.

Sau vòng bảng, có bốn HLV chia tay đội tuyển là Robert Martinez, Tata Martino (Mexico), Carlos Queiroz (Iran) và Otto Addo (Ghana).

Nguồn: Vnexpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC