Để có được ngày hôm nay, NSƯT Chí Trung từng lăn lộn đi buôn săm lốp, buôn xe máy cũ,... rồi phá sản.
Vật vã đi buôn săm lốp, rồi phá sản…
‘Tôi với chị lấy nhau năm 1986, con gái đầu lòng ra đời, vợ thiếu sữa, con gái phải nuôi bộ hoàn toàn. Ánh đèn sân khấu chẳng mang lại nhiều cơm áo gạo tiền, nên hàng đêm tôi đi mua máy khâu, các loại máy móc, sơn sửa hết rồi đi ký gửi lại.
Đi diễn ở các nơi, đều tranh thủ lấy hàng buôn bán kiếm lời, đi Bắc Giang thấy cửa hàng bán thuốc lá Bông Sen, xuống mua luôn 50 cây cho ô tô về Hà Nội, đi Đắc Lắc mua hồ tiêu cà phê mang về Sài Gòn bán….’ – Chí Trung đã kể mình bắt đầu lao ra ngoài đường buôn bán sau mỗi đêm diễn như thế.
Rồi đến thời kỳ khó khăn nhất, buổi tối Chí Trung là Romeo trên sân khấu, ban đêm anh là người ép săm lốp, sáng sớm mang đi giao cho các đại lý ở Hà Đông, rồi lại đạp xe vòng về Hà Nội bắt đầu một ngày làm việc mới.
Vượt qua nỗi mặc cảm của một người nghệ sỹ đã nổi tiếng khi ấy, anh ra những nơi xô bồ, phức tạp và đầy rẫy những lọc lừa nhất, để kiếm từng đồng về cho gia đình.
Người ta thường nói cái nghèo sinh hèn, nhưng Chí Trung tự mình thấy mình không hèn, bởi không ai nuôi con cho anh cả.
‘Buổi tối bật đèn lên tôi là ông hoàng bà chúa, là vương tôn công tử, nhưng cái nghèo có cần biết mình là cái gì đâu, có ai nuôi con cho tôi đâu. Tôi đã đối diện thẳng thắn với cái nghèo ấy, ngẩng đầu giữa những nơi ồn ã, tay vẫn khư khư giữ chặt nhân cách…’
Chí Trung kể anh buôn xe máy ở ngõ Huế, chị Lan Hương thì bán bánh xèo, bánh rán, bánh chuối, chị ấy cứ kéo sụp mũ xuống bởi sợ ai nhận ra, nhưng anh bảo không cần phải làm vậy, bởi nhân cách nằm ở sự đàng hoàng đối diện với nó chứ không phải bằng cách che giấu nó.
Thế nên Chí Trung vẫn tự hào tất cả những năm tháng lăn lộn với cuộc sống mưu sinh ngoài kia đã đã hun đúc nên trái tim người nghệ sỹ trong anh, để sau này anh biết sống mở lòng hơn, bao dung hơn và thấu hiểu hơn những ngõ ngách sâu thẳm trong tâm hồn mỗi con người.
Chí Trung nói anh có một quy định bất thành văn đó là: ‘Từ sáng đến 6h30 tối không nói chuyện nghệ thuật, còn từ 6h30 tối trở đi không nói chuyện buôn bán, dứt điểm là như vậy.
Tôi tuyệt đối không để bãn ngả xâm lấn. Khi bước chân về nhà hát, bạn bè có đến gọi Trung ơi có con xe…tôi nhất định nói không đi. Nhưng ban ngày ra chợ xe ai hỏi ông đang đóng vai gì tôi lắc đầu nói không nói chuyện nghệ thuật, đó là niềm tự trọng duy nhất còn sót lại của tôi.’
Rồi khi nền kinh tế mở cửa, hàng hóa tràn ngập, Chí Trung quay ra buôn đồ cổ, và nuôi sống gia đình bằng nghề ấy.
Sau 26 năm chơi, buôn bán đồ cổ, đến bây giờ dù có nhiều người đến quay phim, chụp ảnh nhưng Chí Trung chỉ thường khiêm tốn: ‘Thừa nhận rằng tôi là một nhà buôn cổ vật chân chính, nhưng với những cái giữ được hồn dân tộc, đất nước, những mỹ từ xung quanh nó thì tôi không xứng đáng.’
Dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời Chí Trung là vào năm 1998, vợ chồng anh cùng một người bạn mở cửa hàng ảnh viện áo cưới. Cửa hàng đông khách đến độ khách hàng đến xếp hàng đăng ký trước cả tháng trời mới đến lượt chụp ảnh. Ảnh viện Ngọc Huyến – Tú Anh khi rất nổi tiếng và tiền thu nhiều như nước.
Ít ai biết Chí Trung từng phá sản rồi trắng tay. |
Nhưng biến cố ập đến khi sau một vài năm anh bị vợ chồng một người bạn đẩy vào tỉnh cảnh lao đao phá sản. Cặp vợ chồng người bạn đó vỡ nợ với số tiền 32 tỷ thời đó, trong đó có 515 triệu của vợ chồng Chí Trung. Với mệnh giá thời đó, con số này khiến anh phải vất vả trả nợ mất vài năm sau.
‘Khi tôi đang ở Hải Phòng diễn có người gọi điện báo vợ chồng anh bạn trốn rồi, tôi lặng đi, tim ngừng đập. Nhưng ngay sau đó tôi tự trấn tĩnh mình, số tiền này nhanh kiếm được thì nhanh đi cũng là điều dễ hiểu.
Trước đó hồi bé bố tôi có dậy câu thần chú 7 chữ ‘khóc hèn rên nhục, van yếu đuối’, rồi lớn lên tôi còn một động tác nói vui là ‘mất dạy’ hơn nữa, tự mình thấy giải tỏa, đó là nhổ nước bọt qua vai nói ‘quên nó đi’. Rồi sau đó tôi cũng vượt qua được cú sốc thật.’
Chí Trung và tài sản lớn nhất cuộc đời
Chí Trung thường nói, tài sản lớn nhất của vợ chồng anh cho đến giờ phút này chính là hai người con, một trai, một gái. Và giờ, đó là những điều để anh tự hào, để anh thấy cuộc đời mình là không vô ích.
Cô con gái đầu lòng của Chí Trung được hoài thai ấp ủ từ căn gác 9,5 mét vuông, nơi có 3 cặp vợ chồng cùng động phòng ấy giờ là trợ lý Tổng giám đốc của tập đoàn ToSy, được phân công đi hơn chục quốc gia trên toàn thế giới để phát triển và mở rộng thị trường.
Gia đình hạnh phúc của NSƯT Chí Trung. |
Chí Trung vẫn thường tự hào về cô con gái mạnh mẽ, độc lập và luôn tự đứng trên đôi chân của mình. Anh kể ngày trước khi con gái tốt nghiệp Đại học Ngoại giao, cô đã xin bố cho đi học marketing một năm ở Úc, sau khi học xong về nước, con gái đã nói với anh con có thể tự lo được công việc, không cần đến sự quen biết nhờ vả của bố.
‘Sau khi biết anh Phạm Nhật Vượng tuyển trợ lý cho chủ tịch Hội đồng quản trị con gái đã đăng ký và phỏng vấn. Cuối cùng, cháu đã lọt vào vòng trong. Anh Phạm Nhật Vượng có hỏi có phải con gái anh Chí Trung không? Rồi nhận cháu vào làm.
Vậy mà về nhà suy nghĩ một đêm, ngày hôm sau con bé từ chối vị trí mà tôi nghĩ rất nhiều người mơ ước đó, bởi con có nói khi còn trẻ, còn nhiều cơ hội thì đừng nên tự gắn mình với một nơi ‘cố định’ như vậy, hơn nữa nên tránh ngay từ đầu để khỏi sứt mẻ tình cảm giữa bố và chú Vượng.’
Chí Trung nhìn cô con gái hơi thoáng ngạc nhiên rồi đồng ý, tôn trọng quyết định đó, và giờ, nhìn những gì con đã làm được, anh biết rằng, anh có thể tin tưởng vào đôi chân vững vàng của cô con gái bé bỏng ngày nào.
Chí Trung từng kể về đám cưới không cỗ bàn của cô con gái với chàng rể có ông bà thông gia làm nhân viên lãnh sự ở Houston - Mỹ, bởi với quan điểm của cá nhân anh, người ta cần sự chân tình và chân thành hơn mâm cao cỗ đầy ở những nơi tiệc tùng, mà chưa chắc những đến những nơi ấy là đã vui.
Còn cậu con trai thứ hai, một cậu bé giỏi tiếng Anh hiện đang theo học ở một trường quốc tế, chỉ có một trăn trở duy nhất là ‘bỏ kính ra không biết có nhận ra bố không’ – Chí Trung cười kể về cậu con trai ngoan ngoãn đang học trong TP. HCM.
Chí Trung nói, có lẽ, để có được ngày hôm nay của hai món gia tài quý giá ấy, là bởi anh chưa khi nào nói với con ‘con phải’, mà anh luôn nói: ‘Con được quyền chọn, bố luôn đứng sau lưng con. Bởi trong cuộc sống, trừ cái tên của mình ra, những thứ còn lại con đều được tự chọn, chỉ có điều, hãy cân nhắc để làm sao chọn cái sai ít nhất, bởi chúng ta chỉ có một cuộc đời, và không quá nhiều cơ hội…’
Người nghệ sỹ có trái tim được hun đúc nên từ những năm tháng day dứt, những nỗi buồn vụn vỡ, những nỗi lo cơm áo gạo tiền, sống hết phần cuộc đời trời đất dành tặng đã đủ trở trăn, suy nghĩ.
Gương mặt ấy đã hóa thân hàng trăm nhân vật, hàng trăm số phận nhưng đến hôm nay anh vẫn miệt mài đóng góp cho đời những vở diễn, những đêm sân khấu sáng đèn.
Vậy mà với anh chỉ cần nghĩ về vợ, về hai món tài sản vô giá trong đời, hai đứa con ngoan ngoãn, là đã có thể mỉm cười mãn nguyện… Có lẽ, từng ấy, là đủ cho một trái tim nhân cách và nhiều bao dung…
Theo VTC.