Chiếu miễn phí phim Đức tại Hà NộiTừ 25/1 đến 31/1, Viện Goethe Hà Nội tổ chức trình chiếu bảy bộ phim nổi tiếng của nền điện ảnh này trong những năm cuối thập niên 40, đầu thập niên 50. Đây là hoạt động kỷ niệm 60 năm điện ảnh Đức.

Bảy tác phẩm được nhận xét là đặc trưng cho tính cách con người và đời sống xã hội Đức, đóng vai trò mở đường cho ngành điện ảnh ở Đông và Tây Đức. Nội dung phá cách gây sốc và gợi nhiều cảm hứng cho người xem thời kỳ đó.

Hoạt động này nằm trong chuỗi chương trình nhân dịp Năm Đức ở Việt Nam. Theo dự kiến, hai tháng một lần, viện Goethe sẽ chiếu phim kỷ niệm một thập kỷ phim Đức.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, điện ảnh cả Đông và Tây Đức đi sâu vào đề tài thảm họa quốc gia, số phận con người. Nhưng chẳng bao lâu sau, điện ảnh hai miền đi theo hai ngả đường khác nhau, phù hợp với sự phát triển chính trị trái ngược.

Những số phận phụ nữ (1952) của đạo diễn Slatan Dudow kể về bốn người đàn bà đang đứng trước một sự khởi đầu mới và đang tìm kiếm hạnh phúc của mình ở Berlin thời hậu chiến. Cả bốn lần lượt có mối quan hệ yêu đương với Conny, một anh chàng trăng hoa. Nhưng anh ta lại đồng thời cặp kè với cô gái quý tộc Isa von Trauwald, khiến tình thế càng thêm gay cấn. Bộ phim bội thu tại các rạp chiếu phim của Đức hồi đó.

Trong khi đó, đạo diễn Peter Lorre khai thác khía cạnh chính trị trong Thảm kịch (1951). Bộ phim nói về một bác sĩ trở thành kẻ giết người hàng loạt thời hậu chiến. Thảm kịch đề cập đến cảm thức hối lỗi của các cá nhân và hối lỗi tập thể, một cảm thức đau đớn ở Đức thời kỳ này.

Chiếu miễn phí phim Đức tại Hà Nội_0

Nói về đề tài đồng tính, bộ phim Giới tính thứ ba (1957) của đạo diễn Veit Harlan gây được sự chú ý lớn. Một gia đình lo lắng vì con trai họ là một nghệ sĩ và đang giao du với giới đồng tính. Vì thế họ quyết tâm làm mọi cách để tách cậu ta ra khỏi nhóm bạn kia, giới thiệu cho cậu ta một cô gái.

Chiếu miễn phí phim Đức tại Hà Nội_1

Giới tính thứ ba đề cập một chủ đề nhạy cảm thời đó, và bị cấm công chiếu. Nhưng bộ phim là một tư liệu hấp dẫn về phản ứng của giới trẻ chống lại các định kiến xã hội ở Đức thời kinh tế phát triển thần kỳ những năm 50.

Các bộ phim khác được chiếu trong dịp này là Giữa hôm qua và ngày mai (1949), Trời vắng sao (1955), Lũ ngựa non (1956), Berlin, góc phố Schönhauser (1957).

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC