Chính đám đông đã tạo ra thần tượng? Đằng sau các cuộc thi hát trên truyền hình là cả một công nghệ có sức "bơm thổi" những người vô danh thành "thần tượng".

“Em muốn sau cuộc thi, khán giả biết tới em nhiều hơn, em sẽ thực sự trở thành ca sĩ chuyên nghiệp”, Đinh Mạnh Ninh, 21 tuổi, trả lời một cách bộc trực, dứt khoát cho câu hỏi về mong muốn của bạn ở cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn. Sau nhiều năm nỗ lực hát ở quán cà phê, tụ điểm sinh viên, Ninh là một trong vài thí sinh để lại dấu ấn ở cuộc thi Sao Mai điểm hẹn 2010. Những tâm sự tương tự như Đinh Mạnh Ninh đương nhiên còn rất rất nhiều, cả công khai lẫn bí mật. Không có khả năng tài chính hùng hậu, không có sự quảng giao trong quan hệ xã hội và không có ông bầu hay công ty âm nhạc nào đứng ra tính toán chiến lược tạo tên tuổi,  rất nhiều bạn trẻ phải nhờ cậy vào “bệ đỡ” là những cuộc thi hát, để giúp họ từ chỗ vô danh thành nổi tiếng. 

Thi thần tượng thuở ban đầu

Năm 1948, nhà sản xuất độc lập Arthur Godfrey đã mang cuộc thi hát Arthur Godfrey’s Talent Scouts do ông tổ chức từ sóng phát thanh lên sóng truyền hình. Đây là một trong những chương trình nổi tiếng nhất trong suốt thập niên đầu của ngành truyền hình. Ra đời cùng năm với Talent Scouts là Ted Mack’s Original Amateur Hour, thậm chí còn “sống thọ” hơn người anh song sinh.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, dưới tác động của công nghệ kỹ thuật truyền hình ngày càng phát triển, các cuộc thi hát ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bài học để thay đổi định dạng chương trình phù hợp với thị hiếu khán giả. Bất cứ thay đổi nào cũng phải đạt được mục tiêu là đem đến cho công chúng những thần tượng mới sau cuộc thi, dù xét cho cùng, đài truyền hình chỉ mong có một chương trình giải trí có tỷ lệ người xem kỷ lục và nhà sản xuất thu được nhiều quảng cáo.

Với trên dưới 40 phiên bản khác nhau ở các nước, trong đó có VN, cuộc thi American Idol đang xác lập vị trí của mình như là chương trình tìm kiếm tài năng lớn nhất và thành công nhất của truyền hình đương đại nhờ kết hợp được chìa khóa thành công của những chương trình đi trước. Nó mang những người vô danh ra trước công chúng để họ lựa chọn người chiến thắng giống như Ted Mack’s Original Amateur Hour, tức: chỉ tuyển những người ca hát không chuyên và khán giả bình chọn cho thí sinh mà họ yêu thích thông qua bưu thiếp (ngày xưa) hoặc tin nhắn (bây giờ). Đặc điểm này giúp cuộc thi hấp dẫn như một cuộc đua, nơi mà các thí sinh phải loại bỏ lẫn nhau bằng khả năng chinh phục và nuôi dưỡng tình cảm của đông đảo khán giả trong suốt thời gian thi.

Tuy nhiên, các cuộc thi Idol đã đẩy truyền thống của các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát lên một cấp độ mới ở hai khía cạnh. Thứ nhất, nó chấp nhận hay thậm chí sử dụng xì căng đan như là một phần không thể thiếu của cuộc thi. Thứ hai, ban giám khảo không chỉ thuần về mặt chuyên môn âm nhạc, mà còn có mặt những người nổi tiếng đến “giúp vui” cuộc thi bằng những nhận xét hài hước.

Hậu trường biến “lọ lem” thành “công chúa”

Có thể xem năm 2004 với sự xuất hiện của cuộc thi Sao Mai điểm hẹn là thời điểm đánh dấu ngành truyền hình Việt Nam nhập khẩu công nghệ tổ chức thi hát hiện đại.

Nhờ một đội ngũ đông đảo đứng sau hậu trường, từ giám đốc âm nhạc, chuyên gia luyện thanh, luyện vũ đạo, phong cách biểu diễn cho đến chuyên gia thời trang, trang điểm, tạo mẫu tóc; mô hình thi hát hiện đại khoác cho các thí sinh diện mạo không khác gì một ngôi sao thực thụ.

Chính đám đông đã tạo ra thần tượng? _0
Uyên Linh – Thần tượng âm nhạc 2010 
Chưa kể, một chiến dịch truyền thông được tung ra song hành với cuộc thi, khiến các thí sinh nổi bật thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng như những người đã thực sự nổi tiếng, một giá trị vô hình tới mức không ai lại đi tranh cãi rằng anh ấy/cô ấy có nổi tiếng hay không?

Đặc điểm quan trọng khiến các cuộc thi hát tạo ra cho nền âm nhạc những con người được gắn nhãn “ngôi sao”, “thần tượng” là nhờ cách thức trao cho khán giả quyền năng định đoạt ai là người chiến thắng cuộc thi qua phương thức bình chọn bằng tin nhắn.

Trong suốt nhiều tuần lễ, các thí sinh phải liên tục thay đổi mình để chinh phục người xem, nên có thể nói gương mặt người chiến thắng cuối cùng chính là “thần tượng” đã được khán giả gọt giũa theo đúng “khẩu vị” mà họ mong muốn. Và không ai có thể tranh cãi về tài năng của người được chọn nếu không muốn bị “ném đá”, bởi đó là điều đã được đám đông công nhận.

Như một nhạc sĩ nhận xét thì khó có thể chờ đợi gì ở những cuộc thi hát trên truyền hình tìm ra được cho âm nhạc những con người tài năng nhưng giới giải trí  sẽ cần những con người bước ra từ cuộc thi này, khán giả có những giờ giải trí còn các bên tổ chức được lợi từ những dự án kinh doanh thành công, đánh trúng vào ước mơ của người trẻ.

Theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC