Đấu trường sắc đẹp giờ không còn là chốn để các người đẹp đến giao lưu, học hỏi hay biết thêm bạn mới. Ở đó chỉ có sự khốc liệt và không có chỗ cho sự thật thà, ngây thơ.
1. Trong một chia sẻ bên lề cuộc thi, hoa hậu Bùi Bích Phương nói chị nhớ những tình cảm ấm áp mà các bạn cùng lứa đã dành cho nhau trong cuộc thi năm 1998. Các người đẹp rất vô tư cho nhau mượn đồ, làm đẹp cho nhau, và cả giúp nhau được toả sáng hơn trên sân khấu.
Nhưng chuyện đó xưa rồi.
Nay đứng trước cơ hội đổi đời, vì phần thưởng không chỉ là chiếc xe đạp mifa giá 4 chỉ vàng năm xưa nữa, mà là cát-xê hàng nghìn đô ngay sau một đêm, hình như đa phần thí sinh đi thi hoa hậu đều dành cho nhau "ánh mắt hình viên đạn".
Á hậu Lưu Bảo Anh từng là nạn nhân của những trò tố cáo, chơi đểu giữa các người đẹp tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006. |
Không như những năm trước, thí sinh hai miền Nam, Bắc có sự giao lưu. Dù đôi khi chỉ là xã giao. Năm nay, theo quan sát, hầu như chẳng có cuộc trò chuyện nào giữa thí sinh hai miền. Họ đứng cạnh nhau trên sân khấu và trong cánh gà hay ở những bữa tiệc tự chọn trong giờ ăn, không ai nói với ai câu nào.
Chưa hết, đến chính những thí sinh cùng miền cũng có những tiểu xảo nhằm hạ bệ nhau. Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi nếu được quyền chọn hoa hậu, em sẽ chọn ai, một gương mặt khá bắt mắt đến từ miền Tây bảo theo cô, M.H một thí sinh sau này lọt vào Top 10 người đẹp nhất trong đêm chung kết, xứng đáng là hoa hậu.
Trước chia sẻ trên, một vị trong BTC lắc đầu bảo: “Nói thế quá bằng bảo M.H là hoa hậu thì tôi còn xứng đáng hơn”. Chiêu trên chẳng mới.
2. Để hạ gục đối thủ, các người đẹp và các ông bầu cũng phải nát óc nghĩ trăm mưu ngàn kế.
Chuyện cũ nói lại, ở Hoa hậu Việt Nam 2006, khi Lưu Bảo Anh sở hữu một nhan sắc quá rực rỡ, càng đến gần đêm chung kết cô càng bị chơi xấu.
Chẳng ngày nào mà các vị giám khảo và những vị có quyền lực trong BTC mở mắt ra là không nhận được một xấp thư nặc danh tố cáo chuyện Lưu Bảo Anh cặp đại gia, sống như vợ chồng với tình nhân suốt bao nhiêu năm nay, rồi chuyện bỏ học, bị đuổi học ở trường đại học…
Những lá thư nặc danh nhiều đến độ làm giám khảo Diệu Hoa, Hoa hậu năm 1990, bực mình. Diệu Hoa cho gọi ông bầu của một thí sinh được cho là đối thủ tranh ngôi hoa hậu với Lưu Bảo Anh tới và nói thẳng vào mặt: Thư này toàn của anh viết! Ông bầu kia cứng họng.
Ở Hoa hậu Việt Nam 2012 chuyện cũng chẳng khá hơn. Khi cận kề đêm chung kết, những gương mặt sáng giá có nhiều cơ hội được lọt vào Top 10 đều nhận được những tố cáo nặc danh.
Đầu tiên phải kể đến chuyện một chân dài đến từ Hà Nội bị tố cáo không có bằng tốt nghiệp. Quản lý của cô bảo, tất cả chỉ là trò “chơi nhau” giữa các người đẹp. Phòng bị, giấy báo nhập học một trường Cao đẳng của người đẹp này đã được nộp cho BTC từ trước.
Cũng trước đêm chung kết, người ta pháo nhau tin đồn H, một thí sinh lọt vào Top 10 có lý lịch rất đáng ngờ khi cô sắm hàng hiệu từ đầu đến chân để tham gia thi thố tại Hoa hậu Việt Nam 2012. Thêm vào đó, thái độ của H khiến không ít người đặt nghi vấn về xuất xứ của những món hàng hiệu cô đang đắp lên mình.
Không nằm trong top những người đẹp nhất cuộc thi, nhưng ngay những ngày đầu bước chân tới Đà Nẵng, khi mà các ông bà bầu đổ về đông đủ, một thí sinh khác đến từ Hà Nội đã bị "ma ma tổng quản" của một lò chuyên đưa người đẹp đi thi hoa hậu tố: Cô ấy là sinh viên nhưng chuyên diễn nội y trong các quán bar.
Cũng chẳng cần phải đến lời tố của "ma ma tổng quản" trên, ngay trong phòng đo đạc, thí sinh này quả thực khiến người khác tức mắt với sự phô trương thái quá khi diện những bộ nội y gây tức mắt với người nhìn.
3. Ở một thế giới chỉ những chân dài và nhan sắc, chuyện nói xấu nhau là "chuyện thường ở huyện". Nhưng câu chuyện bên lề cuộc thi còn khiến người ta kinh hãi hơn về văn hoá của người trong cuộc.
Một thí sinh sáng giá được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện và luôn nằm trong tầm ngắm của báo chí. Nhưng càng về chặng cuối, báo chí lại càng thất vọng nặng nề khi mà ngồi đâu cũng thấy mẹ cô nói xấu thí sinh khác.
Lắc đầu ngao ngán, một vị trong BTC nói “mẹ nào thì con nấy”. Và khi có nhận định cô sẽ là Hoa hậu, cũng vị trên bảo: “Ai cũng được, miễn không phải cô đó”. Và cũng may cuối cùng thí sinh này không trở thành hoa hậu. Những người theo dõi cô suốt gần hai tuần lễ ở Đà Nẵng đều thở phào nhẹ nhõm.
Chuyện cũng gây đau đầu cho người trong cuộc đó là vụ P, một chân dài vốn không ưa H.A, cũng là một chân dài. Trong buổi thi tài năng, H.A rất tâm đắc với bài thi của mình. P chạy đi nói xấu H.A khắp nơi. P móc máy cho rằng H.A không có gì tài năng và ngồi bình phẩm về đối thủ với các thí sinh khác.
Biết chuyện H.A tới trước mặt mắng thẳng P sao đi nói xấu sau lưng. P sau này cũng từ ứng viên sáng giá trong Top 10 người đẹp mà phải ra về tay trắng. Nhưng hành động mắng để tự vệ của H.A cũng đã làm cô mất điểm phần nào với những người quản lý thí sinh. Họ bảo cứ tưởng H.A hiền nhưng không phải thế. Đúng là "được vạ" thì "má cũng sưng".
4. Ở một góc khác của sự giả dối là chuyện tự nâng giá mình. T một ứng viên được đánh giá cao tại Hoa hậu Việt Nam 2012. Cô rất có tiềm năng nhưng lại thiếu thuyết phục ở một vài điểm. Đặc biệt là gu thời trang. Tất nhiên T buộc phải mặc đồ của đơn vị tài trợ cho mình trong suốt cuộc thi vì đã có cam kết.
Nhưng bởi số đồ cô được tài trợ quá xấu. Lên sân khấu và lên ảnh thật sẽ dễ thành thảm hoạ. Và BTC thì không muốn bỏ sót một gương mặt như cô trong Top những người đẹp nhất cuộc thi.
Phương án đưa ra là thuyết phục T thay đồ. Thậm chí BTC còn mang hẳn hai chiếc đầm khá đẹp đến để T dùng nhằm cứu cô một bàn thua trông thấy. Nhưng năm lần bảy lượt cô từ chối. Cô bảo phải hỏi quản lý của mình.
Theo Thu Thảo BGK trao vương miện cho cô là bởi cô có sự nhân hậu, hiền lành và một chút gì đó mạnh mẽ, bản lĩnh trong con người. |
Cho đến đêm tổng duyệt, T vẫn cứ y nguyên những bộ cánh cũ. Và khi càng có nhiều lời góp ý về trang phục cũng là lúc T biết cô sẽ ăn chắc một suất trong Top những người đẹp nhất cuộc thi. Bởi không thì chẳng rỗi hơi BTC phải quan tâm đến vấn đề ăn mặc của cô đến thế.
Đến lúc đó, T mới nghe lời diện một bộ váy mới trong đêm chung kết. Đẹp và mới toanh. Nhìn vào cách “nắn gân” BTC của T, không ít người bảo, cô này gớm ghê.
Kết:
Theo những chia sẻ của một số thành viên giám khảo, các người đẹp diễn giỏi mấy cũng bị soi ra chân tướng.
Nhưng đấy là cách nói xem chừng có phần tự tin. Trong một thời gian ngắn, với những lần tiếp xúc chớp nhoáng, và cả trực diện chưa quá 3 phút, không ai dám chắc các giám khảo có đủ sắc sảo và đủ nhạy cảm, tinh đời để nhận ra sự giả dối của các người đẹp, nếu có.
Chốn đấu trường sắc đẹp luôn tồn tại những sự giả dối song hành. Đôi khi các giám khảo biết đấy, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ. Thế nên chẳng lạ khi không hiếm những người đẹp được liệt vào hàng “diễn viên nhà nghề” lên ngôi cao ở một cuộc thi nhan sắc.
Theo VTC.