"Chuyên nghiệp" nhường sân cho "tay ngang"?Mùa Cánh diều Vàng vừa qua, chứng kiến sự lên ngôi của các diễn viên được tôn vinh trong tất cả các hạng mục, thấy ngoại trừ Hồng Ánh là diễn viên được đào tạo bài bản, còn lại đều là những diễn viên "tay ngang".

Nhìn lại danh mục giải thưởng của các kỳ liên hoan trước, không khỏi giật mình bởi tình trạng tương tự, và không thể không đặt câu hỏi: "Đâu rồi, các diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp?"

Giải Cánh diều Vàng vẫn được tiếng là giải thưởng của hội nghề nghiệp, bởi vậy giải thưởng của nó luôn được người làm nghề quan tâm, nhất là những giải cá nhân. Và như vậy, giải thưởng Cánh diều cũng có thể được coi như là cái nhiệt kế chỉ rõ tình hình "sức khỏe" của mỗi khâu trong guồng máy sáng tạo vốn tác động tương hỗ nhau như điện ảnh.

Phim Việt Nam tuy gần đây đã bắt đầu khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập mà chúng ta không thể không gặp gỡ trên con đường chinh phục khán giả nội, một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều là diễn viên.

20090504 05 55 24 0

Lan Hà trong Trái tim bé bỏng

20090504 05 55 28 1
Phương Thanh trong Nụ hôn thần chết  

Nếu chỉ nhìn vào "bề nổi" - tức là giải thưởng của các kỳ liên hoan như liên hoan phim quốc gia hay giải Cánh diều, có thể thấy một thực trạng đáng báo động, đó là tình trạng nghiệp dư hóa khi ngày càng xuất hiện nhiều những diễn viên không chuyên hoặc xuất thân từ những ngành nghề khác nhau tham gia đóng phim. Họ có thể tình cờ lọt vào mắt xanh đạo diễn, tình cờ có duyên may với điện ảnh, tình cờ đóng rất hợp vai và bởi vậy mà... tình cờ được chạm vào giải thưởng.

Một số ít người trong số họ sau đó đã gắn bó với môn nghệ thuật thứ bảy bởi lòng đam mê và nhờ nhiều yếu tố may mắn khác mà phát huy được tố chất diễn viên, được nhắc đến như một diễn viên điện ảnh đích thực. Số khác (số này tương đối nhiều) chỉ coi việc đóng phim như một ngã rẽ tình cờ, một cuộc "dạo chơi" và rồi sau đó biến mất khỏi "cuộc chơi" cũng nhanh và đầy bất ngờ như khi đến.

Đơn cử như ở giải Cánh diều năm 2007 - một năm có thể coi là mùa "thất bát" của các diễn viên chuyên nghiệp khi cả ba người được vinh danh ở các hạnh mục chính dành cho diễn viên đều là "tay ngang": Giải nữ chính dành cho Lan Hà trong Trái tim bé bỏng, nữ phụ thuộc về ca sĩ Phương Thanh trong Nụ hôn thần chết - trước đó đã từng đóng vai phụ trong một vài bộ phim, giải nam phụ được trao cho một cái tên vô cùng xa lạ: Trần Văn Duống trong phim Rừng đen - vốn là một diễn viên của đoàn kịch Hà Tây lần đầu đóng phim nhựa. Đáng buồn hơn cả là ban giám khảo đã tìm đỏ mắt vẫn không ra một nam diễn viên nào xứng đáng để trao giải nam chính.

20090504 05 55 31 2
Diễn viên Trung Quốc - Can Đình Đình trong phim Hà Nội - Hà Nội

Câu chuyện về người đoạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cũng rất đáng lưu tâm. Đỗ Nguyễn Lan Hà - cô gái người Huế hiện đang là sinh viên một trường nghệ thuật. Cô được vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang phát hiện từ khi còn là một cô bé, trình làng với vai Gianh trong phim Đời cát.

May mắn cho cô (và cho cả điện ảnh vì biết đâu cô sẽ là một diễn viên ngôi sao trong tương lai nếu cô thực sự có tài và may mắn có cơ hội để thể hiện tài năng), vài năm sau, khi cần tìm diễn viên nữ chính trong phim Trái tim bé bỏng, cặp vợ chồng đạo diễn có tiếng là "chung tình" với ê kíp làm phim của mình đã nhớ đến cô. Nhờ đó mà Lan Hà có được cơ hội để chạm vào giải thưởng mà một diễn viên chuyên nghiệp nào cũng luôn ao ước. Nhưng vì cô không phải là một diễn viên chuyên nghiệp nên không ai dám chắc liệu cô có còn tiếp tục đóng phim?

Cánh diều Vàng 2006 của Hội Điện ảnh Việt Nam lại chứng kiến phút đăng quang của một nữ diễn viên đến từ... đại lục, vì vậy mà cô không thể có mặt để nhận giải thưởng. Đó là Can Đình Đình - người thủ vai chính trong bộ phim hợp tác Hà Nội - Hà Nội.

Không rõ các nữ diễn viên khác cùng trong cuộc đua có thấy... tủi thân hay không, nhưng chắc chắn diễn viên kỳ cựu Thanh Thúy - xuất thân từ lớp diễn viên khóa I danh giá của trường Điện ảnh Việt Nam - người lên nhận giải nữ phụ cho vai diễn trong phim Sinh mệnh sẽ không khỏi chạnh lòng. Còn hai nam diễn viên nhận giải nam chính và phụ cũng không phải là người của điện ảnh. Quốc Khánh vốn đã được khán giả hâm mộ trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, còn Hoàng Hải vốn là diễn viên đoàn kịch Đà Nẵng.

20090504 05 55 33 3

20090504 05 55 36 4
Quốc Khánh, Hoàng Hải chia nhau giải thưởng nam chính và phụ tại giải Cánh diều Vàng 2006

Cánh diều Vàng 2005 có thể được coi là cuộc "độc diễn" của hai bộ phim "ngang tài ngang sức": Chuyện của PaoSống trong sợ hãi, vì vậy hai bộ phim này chiếm lĩnh hoàn toàn các giải thưởng cá nhân cũng là điều dễ hiểu. Năm ấy, ngoại trừ NSND Như Quỳnh, vốn là một khuôn mặt kỳ cựu của điện ảnh, hai gương mặt "mới toanh" của điện ảnh được vinh danh ở hạng mục nam chính và nam phụ: Trần Hữu Phúc và Mai Văn Thịnh trong phim Sống trong sợ hãi.

Ít ai biết Trần Hữu Phúc từng tốt nghiệp khoa diễn viên bởi anh được biết đến như là một đạo diễn, diễn viên kịch. Sau vai diễn điện ảnh đầu tiên tình cờ được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tín nhiệm vì hợp vai (dù lúc đó anh đang làm trợ lý casting cho phim này), Trần Hữu Phúc chuyên tâm vào việc làm đạo diễn.

Còn Đỗ Hải Yến - người giành giải nữ chính cũng là một trường hợp khá đặc biệt. Vốn xuất thân là một diễn viên múa ba lê, Yến may mắn được đạo diễn Phillip Noyce trải cho tấm thảm bằng vàng để bước vào nghiệp diễn xuất bằng vai nữ chính trong phim Người Mỹ trầm lặng. Nhờ đó mà Yến có người quản lý ở Hollywood, từng được nhiều đạo diễn ở đây mời casting, trong số đó có cả James Cameron - "người hùng" của phim Titanic.

Sau bộ phim Chuyện của Pao khá thành công với giải thưởng trong nước và tung hoành tại nhiều LHP quốc tế, Yến được mời làm giám khảo một LHP quốc tế và là một cái tên sáng giá mỗi khi các đạo diễn cần casting. Không thể không đặt giả định nếu ở đây.

Nếu ngày ấy bà Giám đốc casting của Người Mỹ trầm lặng không tình cờ phát hiện ra Yến, hẳn chúng ta sẽ không được chiêm ngưỡng một cô Phượng có vẻ đẹp mong manh đến thế. Nếu thời kỳ "hậu Người Mỹ trầm lặng", Yến không được dìu dắt bởi một người chồng rất đam mê điện ảnh, biết đâu Phương chỉ là một phút lóe sáng của bản năng diễn xuất và giờ đây cô vẫn là một diễn viên ba lê. Và cuối cùng, nếu Yến không thực sự có tài năng, hẳn cô sẽ chẳng bao giờ được coi là một diễn viên điện ảnh thực thụ như bây giờ.

20090504 05 55 39 5
Hải Yến từ Người Mỹ trầm lặng...
20090504 05 55 41 6
... đến Chuyện của Pao

Như vậy, rõ ràng việc một diễn viên không chuyên được đóng phim và hơn nữa, sau đó trở thành một diễn viên điện ảnh là con đường chông gai không chỉ cần may mắn mà còn đòi hỏi ở họ tố chất tiềm năng, để rồi từ đó biết khai thác đúng cách và có hiệu quả mới mong có được thành công.

Trái lại, một diễn viên được đào tạo bài bản sẽ thuận lợi hơn rất nhiều bởi cơ hội nghề nghiệp sẽ dễ dàng đến với họ hơn, việc diễn xuất cũng chuyên nghiệp hơn và họ cũng sẽ chuyên tâm hơn trong sáng tạo, không phải phân tâm bởi một nghề tay phải nào đó. Vậy vì sao gần đây họ lại vắng bóng trên phim?

Theo TCĐA.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC