Nhân vụ thành viên Tronie chủ động tách ra khỏi nhóm nhạc nam đình đám của Vpop - 365, cùng nhìn nhận những scandal ồn ào giữa công ty quản lý và các gà cưng cũng như vai trò của từng bộ phận này.
Vai trò của công ty quản lý gắn với các thị trường âm nhạc Mỹ, Hàn đã diễn ra từ rất lâu, nhưng với thị trường âm nhạc còn non trẻ như Việt Nam, có thể xác định là khoảng trên dưới 10 năm.
Nhiều công ty đào tạo và quản lý ca sĩ đã góp phần tạo nên những tên tuổi ca sĩ và nhóm nhạc đình đám qua nhiều thời kỳ khác nhau cho làng nhạc Vpop. Tuy nhiên những mối quan hệ kiểu này cũng đã mang đến cho showbiz hàng tá vụ scandal từ lớn đến nhỏ, như bị tố bóc lột, đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không quan tâm đến các điều khoản, đấu khẩu...
Một thực trạng dễ nhận thấy nhất là không ít ông bầu, bà bầu đã phải đau đầu khi đầu tư một số tiền khủng để chăm "gà cưng" nhưng khi họ đã "đủ lông đủ cánh", nổi tiếng... họ sẵn sàng muốn tách nhóm để "một mình một ngựa".
Khi "gà" đòi thoát ly, tách ra khỏi công ty, những thiệt hại trước mắt mà các công ty phải ôm là gì?
Nhóm H.A.T |
Đầu tư từ A đến Z
Hầu hết các ca sĩ đến với các công ty đào tạo và quản lý ca sĩ ở Việt Nam đều có khởi đầu là con số 0, chỉ với đam mê ca hát và khao khát đứng trên sân khấu như một ca sĩ thực thụ. Một ít trong số họ có bước cơ bản từ những nhà văn hóa thiếu nhi hoặc đã từng tham gia vài chương trình ca nhạc nhỏ lẻ tại các tụ điểm như các ca sĩ hát lót vô danh.
Nắm bắt yêu cầu và mong muốn của các học viên yêu ca hát và nhu cầu thị trường cần các ca sĩ và nhóm nhạc mới, các công ty đào tạo và quản lý ca sĩ đã tốn không ít hầu bao cho việc trang bị, tút tát và có khi thay đổi hoàn toàn học viên của mình từ “vịt” thành “thiên nga”, từ không có gì cho đến ca sĩ nổi tiếng với hàng ngàn người hâm mộ.
Ví dụ như nhóm 1088 (công ty Cánh Chim Việt) đình đám một thời tạo nên trào lưu ca sĩ với tên gọi nghệ danh lạ như Ưng Hoàng Phúc, Nhật Tinh Anh, nhóm H.A.T (Wepro) với các bài hát nhắm đến thị trường âm nhạc cho teen vào những năm 2000 và các MV quay ở Hong Kong của 3 cô nàng Lương Bích Hữu, Phạm Quỳnh Anh và Ngô Quỳnh Anh.
Nhóm nhạc 1080 đình đám ngày nào. |
Các trung tâm này xác định mục tiêu lâu dài, nhân lực là sự bắt tay giữa người làm chuyên môn với người làm kinh tế để hoạt động hiệu quả. Phạm vi hoạt động của họ khá rộng mở và đa dạng, bao gồm một "quy trình" từ A - Z cho kế hoạch phát triển một ca sĩ. Từ đào tạo luyện thanh nhạc với các giáo viên chuyên môn, tập thể hình, thay đổi ngoại hình như kiểu tóc, vóc dáng, trang phục được stylist chỉ định phù hợp với phong cách mà công ty định hướng đến cách đi đứng, chào hỏi, biểu diễn, vũ đạo, kỹ năng ứng xử truyền thông, người hâm mộ và học ngoại ngữ để phát triển ra nước ngoài…
Có công ty còn có hẳn một chương trình quay quá trình đào tạo từ lúc tuyển chọn vào công ty đến lúc thành lập nhóm cho khán giả xem như công ty Tài năng Việt (VAA của người đẹp Ngô Thanh Vân) với chương trình Khao khát đỉnh cao được chiếu trên truyền hình khi thành lập nhóm 365 là một ví dụ.
Ngô Thanh Vân và nhóm 365. Nhóm chỉ còn lại 4 thành viên sau khi Tronie - anh chàng rapper quyết định tách nhóm. |
Cuối cùng là tìm nhạc sĩ sáng tác riêng hoặc chọn ca khúc, hòa âm phối phí, làm album, quay MV, bắt show đi diễn, tổ chức liveshow và tìm kiếm các hợp đồng quảng cáo “béo bở” .
Những việc kể trên không phải các ca sĩ hoạt động đơn lẻ nào cũng có thể tự lo cho mình trọn vẹn và quy củ như có hẳn một ê-kíp thực hiện như các công ty quản lý. Đó là lý do chính vì sao ngày càng nhiều người muốn trở thành ca sĩ tìm đến công ty quản lý dù những cảnh báo về các hợp đồng và luật lệ khắt khe không phải đơn giản.
Nhưng nếu so với những ông bầu đơn lẻ làm ăn chụp giật, vụ lợi hoặc không hiệu quả với các ca sĩ trẻ người non dạ thì các công ty âm nhạc ra đời gần đây có tư cách pháp nhân cụ thể, thương hiệu rõ ràng và tiềm năng nghiêm túc thì phần nào cũng an tâm hơn.
Rủi ro lớn đến danh tiếng và tiền bạc
Ở showbiz Việt, có thể kế đến các công ty đào tạo và quản lý như thời kỳ khởi đầu là Cánh Chim Việt (nhóm 1088), Tài Năng Mới (ca sĩ Nguyễn Phi Hùng), Công ty Nhạc Xanh (nhóm GMC, Khánh Ngọc, Nhật Tinh Anh), H.T Production (Đan Trường), Công ty Thế giới giải trí (Wepro với H.A.T, Ưng Hoàng Phúc, Phạm Quỳnh Anh ), Công ty Những gương mặt âm nhạc (MF, có Hồ Ngọc Hà, Phương Vy, Quốc Thiên ), Công ty MK của nhạc sĩ Minh Khang thì xây dựng hình ảnh cho nhóm Mắt Ngọc, song ca nam Thiên Trường - Địa Hải, nhóm boyband MBK cho đến the Music Box (ca sĩ Thanh Thảo góp phần nên tên tuổi Ngô Kiến Huy, Nam Cường), Công ty VAA (bà bầu Ngô Thanh Vân và nhóm 365)…
Nhìn đến thành công của ca sĩ hiện nay dưới sự quản lý của các công ty cũng thấy công sức của họ trong việc đào tạo và định hướng lối đi cho các ca sĩ, nhóm nhạc. Không khó để làm phép tính đối chiếu hình ảnh xưa và nay của các ca sĩ từ khi mới bước chân vào nghề cho đến khi được công chúng và truyền thông biết đến rộng rãi như một ca sĩ nổi tiếng, mọi người sẽ dễ dàng thấy được họ phải bỏ ra bao nhiêu công sức và tiền bạc.
Công sức này ngoài công nghệ đào tạo ngày càng chuyên nghiệp, quan trọng hơn hết là tốn không ít tiền bạc, có khi đến tiền tỷ để đầu tư cho “gà nhà”. Như năm 2011, khi bùng nổ vụ án tách công ty của ca sĩ Thanh Thảo và Thúy Vinh, khán giả mới bật ngửa khi biết số tiền đầu tư cho “ông bố trẻ” Ngô Kiến Huy là 2 tỷ 6 và ca sĩ - diên viên Ngân Khánh là hơn 1 tỷ nhưng không những thu lại được “cả vốn lẫn lời” mà thậm chí là tổn thất khi ca sĩ sai phạm hợp đồng làm ảnh hưởng đến công ty như bỏ show, scandal xấu, vi phạm pháp luật, hủy hợp đồng, tách nhóm để hoạt động tự do…
Còn nhớ ca sĩ Từ Minh Hy được ca sĩ Thanh Thảo và cựu người mẫu Thúy Vinh (lúc còn hợp tác tại Music Box) đào tạo và trình làng với nhiều show diễn cũng như quảng bá truyền thông rầm rộ đột nhiên biến mất vào năm 2009 chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động. Cô ca sĩ trẻ khiến Thanh Thảo và Thúy Vinh được một phen điên đảo vì phải đền hợp đồng show đã ký, gián đoạn các kế hoạch PR của công ty và tour diễn nước ngoài khi tuyên bố rời khỏi công ty và showbiz với lý do… có thai. Ngân Khánh cũng rời bỏ công ty trước hạn hợp đồng, khiến DVD liveshow đầu tư 1 tỷ của cô và chuẩn bị phát hành cũng phải ngưng lại.
Còn những ai yêu âm nhạc Kpop chắc sẽ không quên scandal thành viên Kang In của nhóm Suju vướng vào vụ lùm xùm đánh nhau gây thương tích ở quán bar. Tiếp theo đó là uống rượu, lái xe gây tai nạn làm công ty quản lý nhóm Suju lúc đó là SM phải một phen lao đao khi giải quyết hậu quả của thành viên này.
Kang In. |
Trường hợp điển hình "chết vì vạ miệng" chính là Jay Park của 2PM. Trong một phút bốc đồng, cựu trưởng nhóm 2PM đã viết lên MySpace dòng chữ: "Tôi ghét người Hàn Quốc". Ngay lập tức, dòng chữ của Jay Park đã trở thành một scandal cực lớn. Điều này khiến cho các fan của 2PM vô cùng giận giữ. Jay Park buộc phải rút khỏi 2PM và cả làng giải trí một thời gian để "vỗ về" người hâm mộ và công ty quản lý của anh JYP Entertainment phải vất vả xử lý truyền thông cũng như người hâm hộ để làm dịu tình hình.
Hầu hết các vụ nghệ sĩ làm ảnh hưởng uy tín công ty chỉ dừng lại ở mức thỏa thuận chung rồi trôi vào quên lãng. Ít trường hợp nào cả hai đem ra pháp luật tranh cãi vì vừa mất thời gian, công việc vừa bị đình trệ vừa tốn tiền luật sư, án phí…
Jay Park. |
Các cuộc tranh cãi với nhau trên truyền thông cũng làm công ty quản lý ảnh hưởng danh tiếng và trì trệ kế hoạch công việc rất nhiều bởi những lý do tương tự trên, vừa có nguy cơ mất tiền đầu tư, đền hợp đồng show diễn, mất uy tín với các bầu show trong và ngoài nước. Ngoài ra, khán giả nghĩ không tốt về công ty mà còn có khi tốn tiền để xử lý scandal phá vỡ hợp đồng hợp tác này. Ví dụ việc tách nhóm của JYJ khỏi nhóm TVXQ và tranh chấp kiện tụng với công ty quản lý suốt 3 năm tốn không ít giấy mực của truyền thông khiến SM mang tiếng không tốt trong thời gian dài.
Đôi khi những rủi ro còn đến từ anti-fan của ca sĩ như vụ việc trang web công ty quản lý T-ara (Hàn Quốc) bị antifan phá hoại bằng hình ảnh sex vu khống ca sĩ của công ty.
Tạm kết
Xét đến cùng, showbiz cũng là một sân chơi. Nhưng sân chơi này đòi hỏi nhiều cơ duyên, tác động, sức sáng tạo và cả năng lực đặt vào trong đó. Hãy xem xét tất cả mọi khía cạnh khi âm nhạc đạt đến chuyên nghiệp và sự ra đời các công ty đào tạo và quản lý nghệ sĩ. Nhất là khi "sân" này sẽ tạo nên "nhân lực" mới cho nghệ thuật phục vụ công chúng và quan trọng hơn là cùng đẩy nền âm nhạc Việt đi lên.
Khi có công ty làm quản lý, tất nhiên có lợi cho ca sĩ trẻ được đào tạo và quản lý, lợi cho "nhà quản lý" khi có một "thương hiệu công việc" đẳng cấp hơn là những quản lý nhỏ lẻ. Nhưng sang thế nào, đẳng cấp ra sao, có làm tốt trọn vẹn "nhiệm vụ" của bản thân đối với tình cảm công chúng dành cho mình hay không, và làm tốt công việc quản lý cả về chuyên môn, đạo đức, hình tượng cho "gà nhà" thế nào, vẫn là một câu hỏi khó trong khi kỷ luật và ý thức làm việc của các ca sĩ hiện nay không cao.
Họ chưa nhận thấy tầm quan trọng của một công ty quản lý nghệ sĩ và tương lai của mô hình này. Tuy vậy, chúng ta vẫn có quyền hy vọng, hy vọng những công ty quản lý và cả những nghệ sĩ hãy lượng sức, đắn đo suy nghĩ, cân đo, đo đếm để ở trạng thái cân bằng. Đừng "ôm" quá nhiều, hứa quá nhiều, nhưng chẳng làm được bao nhiêu đối với những khán giả luôn hướng về họ.
Theo Infonet