- Theo ông, Festival quốc tế phim nhân học lần thứ nhất tại TP.HCM vừa qua có thể coi là thành công?
Đến hôm nay tôi thực sự vui bởi rất nhiều công sức và tâm trí mà BTC festival này bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng: Festival quốc tế phim nhân học tại TP.HCM lần đầu tiên đã thành công tốt đẹp, trên cả mong đợi.
Sự thành công này thể hiện trước hết ở sự góp mặt của 18 nhà làm phim quốc tế, họ đã tự chi trả để đến trình chiếu và giao lưu với khán giả Việt Nam. Sẽ là thất bại, nếu các nhà làm phim chỉ gửi phim đến tham gia mà không đến dự được.
Chính sự hiện diện của họ đã khiến những buổi chiếu phim của festival trở thành một sự kiện văn hóa khác biệt với những buổi chiếu phim thông thường. Công chúng được trực tiếp trao đổi với các tác giả sau khi xem phim điều đó gây thích thú cho cả công chúng lẫn tác giả.
Dĩ nhiên, nếu không có sự tham gia của các phim Việt Nam thì sẽ cũng chẳng có festival này, bởi vậy dẫu mới chỉ có 8 phim VN được trình chiếu ở festival lần này nhưng vai trò của chúng là rất quan trọng. Tất cả các nhà làm phim nước ngoài đều muốn được xem phim Việt Nam hoặc về văn hóa và con người Việt Nam.
Thành công nhất của festival là sự hân hoan của công chúng tại TP.HCM: Trong 5 ngày, tại 3 điểm chiếu, với 45 bộ phim, festival đã đón nhận trên 6.000 lượt khán giả, đặc biệt là sinh viên. Có thể nói những ngày diễn ra festival đã trở thành những ngày hội của họ, một không khí sôi nổi và một tâm trạng phấn khởi rất tuyệt vời.
Chính những nhà làm phim quốc tế đã phải ngạc nhiên và thèm muốn sự đông đảo và ham hiểu biết của các bạn trẻ ở TP. HCM.
- Các phim Việt Nam tại festival có thu hút được khán giả và các nhà làm phim quốc tế không, thưa ông?
Thật bất ngờ, phim Việt Nam lại là phim hút được nhiều khán giả và các nhà làm phim quốc tế tham dự festival nhất. Có lẽ người Việt Nam muốn xem phim Việt Nam vì họ muốn xem phim nhân học khác ở phim tài liệu thông thường ở đâu?
Còn các nhà làm phim quốc tế thì lại muốn biết về văn hóa Việt Nam và cách thức mà các nhà làm phim tiếp cận thực tế. Họ rất thích thú và thực sự ngạc nhiên về các phim Việt Nam.
Ông Tommi Mendel - chủ tịch hội nhân học hình ảnh Thụy Sỹ đã đề nghị mua tất cả những phim Việt Nam tham dự festival lần này. Ông Rolf Husmann, nguyên Chủ tịch Hiệp hội nhân học hình ảnh quốc tế đã mang về nhà những bản copy của các tác giả Việt Nam để giới thiệu cho những festival phim nhân học có uy tín nhất trên thế giới.
Bà Jeni Thornley đã chọn bộ phim “Ông lão bán chuối” của Từ Thị Thu Hằng để giới thiệu ở festival của Australia...
- Được biết, một số bộ phim hay nhưng không được phép trình chiếu, ông có thể nói một số trường hợp này và vì sao không được chiếu?
Cục Điện ảnh đã gạt khá nhiều phim của các tác giả Việt Nam hoặc những tác giả nước ngoài làm phim về Việt Nam. Tôi không muốn bàn về chuẩn duyệt phim ở Cục Điện Ảnh tốt/ xấu, tiến bộ/ lạc hậu thế nào mà chỉ muốn nói một điều: Thật đáng tiếc!
Những người duyệt phim và cấp phép có quyền của họ, nhưng khi anh không phê duyệt một bộ phim nào thì phải có lý do cụ thể, rõ ràng, đặc biệt đây là một festival đứng danh của Bộ VHTT&DL.
Nhiều phim rất nổi tiếng thế giới, như “Nhật thực” (Phim về nhóm nhạc Đại - Lâm – Linh, PV) hay “Trong hay ngoài tay em” không được duyệt. Người dân các nước biết đến Việt Nam, yêu mến Việt Nam cũng nhờ những tác phẩm đương đại như thế này.
Các tác giả đều muốn biết lý do vì sao mà phim của họ không được phép chiếu. BTC festival không thể trả lời họ, điều đó quả là khiếm nhã, bởi chính BTC festival đã không nhận được bất kỳ lời giải thích nào từ phía Cục điện ảnh.
Tôi cũng là một thành viên của hội đồng tư vấn thẩm định Game Online, tôi thấy ở hội đồng này họ làm việc minh bạch, rõ ràng hơn: Họ trả lời cho các công ty cái gì cần phải sửa, cái gì là không đúng với quy chuẩn...
PGS.TS Bùi Quang Thắng |
- Vậy có điều gì có thể coi là sai sót của festival không ?
Dĩ nhiên, trừ khi bạn không làm gì cả bạn mới không mắc lỗi. Festival này cũng vậy thôi. Đối với tôi, điều đáng tiếc nhất là một số lỗi kỹ thuật như máy chiếu chưa được tốt, phòng chiếu chưa được chuẩn bị về ánh sáng kỹ càng (nhiều ánh sáng quá, giảm chất lượng hình ảnh).
- Theo ông, khả năng festival quốc tế phim nhân học chỉ diễn ra một lần rồi lại biến mất có không?
Tôi hy vọng là với một festival rất thành công như thế, các cơ quan đồng tổ chức đã nhận ra những lợi ích mà mình có và sẽ tiếp tục hợp tác để duy trì festival này thành một phần của của cộng đồng các nhà làm phim nhân học quốc tế.
Tôi rất mừng khi ông Võ Trọng nam, PGĐ Sở VHTT&DL TP.HCM, Phó ban tổ chức festival đã bày tỏ nguyện vọng rằng TP. HCM muốn lấy festival quốc tế phim nhân học là một thương hiệu văn hóa cho thành phố.
Vì thế, tôi tin tưởng festival này sẽ có một đời sống dài lâu. 4 cơ quan đồng tổ chức đã có dự định sẽ ngồi lại cùng nhau, đánh giá mặt mạnh, yếu của festival và cùng nhau kí kết một sự hợp tác cho festival lần thứ 2 vào năm 2014 tại TP.HCM.
- Với sự thành công của Festival ngay lần đầu tiên, ông có dự định phát triển phim nhân học Việt Nam sắp tới như thế nào?
Phát triển đội ngũ phim nhân học là điều kiện tiên quyết cho sự sống của festival này, tôi chỉ là một cá nhân, không quyết định được mọi việc dù cho tôi có nhiệt huyết đén mức nào chăng nữa.
Tuy nhiên, tôi biết rằng, BTC festival cũng đã có những ý tưởng về vấn đề này, ví dụ Sở VHTT&DL ấp ủ những dự án dạy và làm phim nhân học cho các nhà làm phim trẻ ở TP.HCM, Đại Học Văn Hóa lại muốn coi một bộ phim như là một đề tài nghiên cứu khoa học để có thể hỗ trợ bằng kinh phí khoa học, Viện Văn Hóa Nghệ Thuật VN cũng muốn tìm kiếm những dự án đào tạo các nhà làm phim nhân học….
Hy vọng với việc xem được những bộ phim tại festival lần này, các bạn trẻ, nhất là sinh viên sẽ học hỏi được cách làm phim của các bạn đồng nghệp quốc tế và sẽ khát khao dấn thân hơn nữa để có thể làm được những bộ phim nhân học có chuẩn quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!
Theo VTC.