Cuộc thi sáng tác entry "Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm" lấy đề tài là cầu Long Biên với cảm hứng tôn vinh và hoài niệm. Lễ phát động cuộc thi vừa được báo Thể thao Văn hóa tổ chức tại Hà Nội chiều 8/7.
Có nhiều cách thể hiện mà người dự thi có thể lựa chọn. Họ có thể viết về những ký ức hoặc kỷ niệm riêng tư, những câu chuyện tình yêu, cũng có thể là những kết quả nghiên cứu về lịch sử của cây cầu, khám phá về cây cầu trong hiện tại. Thậm chí, người dự thi có thể mở rộng trí tưởng tượng, hình dung ra tương lai của cầu Long Biên, bày tỏ những ước mơ và nguyện vọng của mình về việc bảo tồn giá trị văn hóa của cầu.
Thể loại của tác phẩm dự thi rất đa dạng. Chủ tịch hội đồng giám khảo của cuộc thi, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, cho biết: “Cầu Long Biên tồn tại 100 năm trong quãng đường lịch sử 1000 năm của Thăng Long - Hà Nội. Trong cuộc thi này, được ưu tiên hơn cả vẫn là thể loại bài viết có độ dài khoảng 2.000 chữ, ngoài ra có thể là ảnh, đoạn phim tự quay và dựng...”.
Không chỉ người Việt Nam, người nước ngoài cũng có thể tham gia, nhưng tất cả tác phẩm dự thi phải thể hiện bằng tiếng Việt. Tổng cộng giải thưởng của cuộc thi là 76 triệu đồng, trong đó giải Nhất được trao 25 triệu đồng. Các bài dự thi đạt yêu cầu sẽ được đăng tải nên trang web của báo Thể Thao Văn Hóa và có cơ hội xét giải Cộng đồng mạng bình chọn.
Ban tổ chức lựa chọn một ban giám khảo gồm những gương mặt có đời sống riêng và quá trình làm việc gắn bó với Hà Nội, với cầu Long Biên. Ngoài PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, có nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc, nhà thơ Bằng Việt, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, đạo diễn Phạm Việt Thanh và nhà báo Trương Lê Kim Hoa.
Về cách khai thác đề tài của cuộc thi, nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc nhận xét: “Viết về cầu Long Biên, tôi hy vọng các bạn nói lên được những mặt trái của nó. Cây cầu này được thực dân Pháp xây nên bởi mục đích khai thác thuộc địa. Đó là mục đích ban đầu không lấy gì làm tốt đẹp. Hãy tránh ca ngợi một chiều mà phải tôn trọng sự thật lịch sử. Ngoài ra, rất nhiều người Việt Nam đã chết khi xây dựng cầu Long Biên. Bên cạnh những ý nghĩa đẹp, tích cực, nếu các bạn đề cập đến những khía cạnh trái ngược của cầu Long Biên thì cũng rất thú vị”.
Theo VNE.