Từng là con gái cưng trong một gia đình khá giả với 3 căn nhà ở TPHCM. Tuy vậy, sau khi ba mẹ mất, những biến cố liên tục ập đến khiến bà Bông trở thành người vô gia cư.

Thích thì bán, vui thì… cho luôn

"Cuốn nhỏ 10 nghìn, cuốn lớn 20 nghìn. Không có tiền bữa khác lại đưa, vô tư!", bà Nguyễn Thị Bông (70 tuổi) nói khi có người đến hỏi mua sách.

Lôi mớ sách đựng trong bao ra, bà Bông giới thiệu rành từng cuốn do bản thân đã xem qua gần hết. "Cuốn này truyện kinh dị, thấy vậy chứ nhiều địa danh hay lắm. Còn này là tiểu thuyết, kinh Phật,… có đủ hết", bà Bông nói.

1 Cuoc Doi Bi Thuong Cua Cu Ba Ban Sach Gay Sot Mang O Tphcm

Bà Nguyễn Thị Bông ngồi đọc sách trên lề đường (Ảnh: Nguyễn Vy).

Chọn một quyển sách, thấy khách đưa thiếu 2.000 đồng, bà Bông mỉm cười nói "đủ rồi, không cần đưa thêm nữa, để đi đổ xăng đi", rồi ngồi xuống tiếp tục cuốn sách đang xem dở. Thỉnh thoảng, có người đến hỏi mua sách làm từ thiện, bà Bông vừa bán vừa cho, vì bà cho rằng "mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn".

Những cuốn sách cũ chất chồng lên nhau được bà Bông mua từ những cửa hàng sách cũ, nhờ họ chở đến giúp. Hàng ngày, cứ 15h là bà Bông có mặt trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TPHCM) để bán sách đến tận khuya mới về. Nhiều lúc bán ế, bà mải mê đọc sách đến 1h sáng mới biết đã trễ.

Trước đây, một mình bà Bông chạy chiếc xe máy cũ, chở chồng sách đi từ nhà sang điểm bán. Nhưng vài tháng trước, căn bệnh tai biến hành hạ khiến bà chỉ có thể đi xe ôm, tốn 100.000 đồng/ngày. Tiền kiếm được từ việc bán sách, bà dùng trả tiền nhà trọ, ăn uống mỗi ngày. Hôm nào bán được ít tiền, bà xin đồ ăn từ thiện rồi vui vẻ thưởng thức.

2 Cuoc Doi Bi Thuong Cua Cu Ba Ban Sach Gay Sot Mang O Tphcm

Bà Bông luôn nở nụ cười, kể cả những ngày bán ế (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Đi vậy rồi lời lãi bao nhiêu?" - tôi hỏi.

"Thì kệ, ngày bán 200.000 - 300.000 là đủ xài. Nay bán không hết thì mai bán tiếp, sách còn đó chứ có mất đâu" - bà Bông mỉm cười, nói. Không những vậy, cụ bà cũng chưa từng cho rằng mình bán ế, mà đơn thuần chỉ là người mua bận, họ chưa tới và sẽ ghé vào ngày mai.

Cụ bà chia sẻ, dạo gần đây nghe nói được xuất hiện trên mạng xã hội nên nhiều người trẻ đến ủng hộ sách nhiều hơn. "Nhưng tôi có biết 'mạng' là gì đâu, chỉ thấy các cháu đến ủng hộ, tôi cũng vui vì còn nhiều người yêu sách" - bà Bông bộc bạch.

Sống vô lo, vì không có gì ngoài sách

Buôn bán trên đường phố được hơn 50 năm, bà Bông "thú nhận" không có bất kỳ kỷ niệm nào ngoài sách. Bởi bà xem sách là người bạn vô tri vô giác, nhưng là người bạn hiểu biết rộng rãi, cho bà nhiều thứ hơn kỷ niệm.

Với bà, ai cũng có quyền đọc sách, nên người đến mua không đủ tiền bà vẫn cho thiếu. Vì bà tin rằng, người mê đọc sách sẽ không nói dối, dù cũng có người nợ 50.000 rồi không thấy quay lại. "Chắc người ta không rút tiền được, hay lỡ quên chứ không lấy vài chục nghìn đó đâu", bà Bông tin tưởng, nói.

3 Cuoc Doi Bi Thuong Cua Cu Ba Ban Sach Gay Sot Mang O Tphcm

Đôi lúc, bà Bông ngồi trầm ngâm một lúc, thoáng suy nghĩ về những chuyện đã qua trong đời mình. Song, cuối cùng bà vẫn mỉm cười cho qua, tiếp tục đọc sách (Ảnh: Nguyễn Vy).

Dù vậy, bà Bông vẫn trân trọng và chắt chiu từng đồng kiếm được. Thực tế, bà chỉ sống một mình, chồng, con không có. Anh em trong nhà mỗi người một cuộc sống, bà cũng chẳng bận tâm hay làm phiền ai.

"Cuộc sống mình thì mình tự lo, đâu có ai lo cho mình được. Nhưng có sao đâu, miễn là thấy thoải mái, tự do, không vướng bận gì là được. Cả đời tôi chẳng xin xỏ ai, tự làm tự nuôi, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình", bà Bông tâm sự.

Bà Bông sinh ra và lớn lên tại TPHCM, trong gia đình có 9 anh em. Nhà bà Bông cũng thuộc diện khá giả khi có 3 căn nhà để vừa ở vừa cho thuê. Ngay từ khi còn nhỏ, bà Bông đã rất đam mê đọc sách, cứ có tiền là bà mua sách. Từ đó, bà mới nảy ra ý tưởng đi bán sách, dùng tiền đặt hàng của khách làm vốn.

4 Cuoc Doi Bi Thuong Cua Cu Ba Ban Sach Gay Sot Mang O Tphcm

Bà Bông quan niệm không sợ bán ế, chỉ sợ không có ai còn thích đọc sách nữa (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngày đó, nhờ không cần bỏ nhiều vốn, bà Bông vừa phát triển việc kinh doanh, vừa được "ở gần" sách hơn. Mấy chục năm về trước, có khi mỗi ngày bà bán được vài triệu đồng, sách được khách hàng ở nước ngoài đặt mua. Nhưng dần về sau, người ta hiếm bỏ nhiều tiền mua sách nữa, bà Bông phải bỏ tiền túi làm vốn để mua sách cũ về bán.

Khi công việc kinh doanh "ế" ẩm cũng là lúc ba mẹ bà Bông qua đời. 3 căn nhà được chia đều cho anh em, bà Bông cũng được hưởng 1 phần trong đó. Tuy vậy, trải qua một vài biến cố, bà Bông bỗng thành người... không nhà, đi ở trọ.

5 Cuoc Doi Bi Thuong Cua Cu Ba Ban Sach Gay Sot Mang O Tphcm

Cụ bà vừa bán vừa cho sách, vì bà mong muốn kiến thức từ sách sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn (Ảnh: Nguyễn Vy).

Từ đó, bà cũng không có ý định lập gia đình, cưới chồng, sinh con, vì bà thích tự do, thích được đọc sách mỗi ngày mà không bận tâm điều gì. Nhờ đọc sách, bà thấy bản thân được đi khắp nơi, được đi… du lịch ngay trong trang sách.

Giờ tan ca đông đúc, nhiều người đi qua đi lại nhưng cũng chẳng ai bận tâm cụ bà, bà Bông cứ thế một mình, hoàn thành từng trang sách cuối. Đến tuổi 70, bà Bông nói mình vẫn còn minh mẫn, đôi mắt vẫn "ngon lành" lắm. "70 còn trẻ lắm, 80, 90 mới già!" - bà Bông cười, nói

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC