Cựu Thủ tướng Murayama Tomiichi được xem là một trong những người đặt nền móng cho mối quan hệ Việt - Nhật, đã ủng hộ Việt Nam từ những ngày chiến tranh cho đến hôm nay. Ông thực sự là một người bạn lớn chân thành, đáng mến của người Việt.
Khi về hưu, ông sống giản dị, hằng ngày lái xe đạp đi siêu thị mua đồ ăn giúp vợ do bà bị đau lưng.
Khi được hỏi: “Các Thủ tướng Nhật sau khi về hưu được những chế độ gì?”, ông trầm ngâm một lúc, rồi lặng lẽ trả lời “Không gì cả.”...
Tâm huyết xây dựng quan hệ Việt – Nhật
Cựu Thủ tướng Murayama Tomiichi sinh ngày 3/3/1924 tại tỉnh Oita. Ông là con thứ sáu trong một gia đình nghèo, cha là ngư dân. Từ thuở bé cuộc sống vật chất đã không đủ đầy, về sau ông lên Tokyo làm trong nhà máy in, ban ngày làm việc, ban đêm cần mẫn ôn luyện, cuối cùng đỗ vào Khoa Kinh tế chính trị Đại học Meiji.
Trong thời gian ông tại nhiệm (1994 -1996), Nhật Bản đã có hàng loạt cải cách về luật lao động, chính sách cho người lớn tuổi, trẻ em và người khuyết tật.
Cựu thủ tướng Murayama trong một lần đến thăm Việt Nam. (Ảnh: JVPF - Murayama)
Cựu thủ tướng Murayama cũng là vị thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản đến thăm Việt Nam (vào tháng 8/1994), sáng kiến mở ra chương trình “Tình bạn giữa Nhật Bản và các nước ASEAN” trong vòng 5 năm sẽ mời 500 thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản giao lưu, học tập.
Nhắc đến cựu Thủ tướng Murayama, người ta sẽ nhớ ngay đến bài phát biểu “Nhân kỉ niệm 50 sau kết thúc chiến tranh” ( On the occasion of the 50th Anniversary of the war’s end) năm 1995.
Trong bài phát biểu, ông đã chính thức xin lỗi và bảy tỏ sự hối tiếc về những tổn thất (cả vấn đề Comfort Women – phụ nữ bị quân đội Nhật lạm dụng tình dục và bạo lực) mà Đế Quốc Nhật đã gây ra trong Thế chiến thứ II.
Cùng năm này, ông đã đề xuất chính sách ngoại giao thân thiện giữa Nhật Bản và các nước châu Á mang tên
“Cuộc đàm thoại MURAYAMA”.
Ông đã đề xuất chính sách ngoại giao thân thiện giữa Nhật Bản và các nước châu Á mang tên “Cuộc đàm thoại MURAYAMA”. (Ảnh: Japantimes.co.jp)
Sau khi rời khỏi cương vị Thủ tướng, ông đã thành lập Hội đồng Hòa bình Hữu nghị Việt – Nhật (JVPF) nhằm triển khai những hoạt động thiết thực giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là các nạn nhân chất độc màu da cam.
Băn khoăn trước tình trạng nhiều thanh niên Việt Nam đến Nhật Bản học tập nhưng phải bỏ dở giữa chừng, ông quyết định mở rộng “ Chương trình chi viện giáo dục” theo hướng đào tạo tiếng Nhật cho thanh niên Việt Nam trước khi đến Nhật.
Tháng 9/2007, trường Nhật ngữ Murayama ra đời. 10 năm qua, ngôi trường này đã trở thành một điểm đào tạo uy tín thu hút đông đảo các em nhỏ hứng thú với tiếng Nhật cũng như đào tạo tiếng Nhật cho các tu nghiệp sinh đến Nhật làm việc.
Mỗi năm, học sinh trường tiếng Nhật Murayama tại TP.HCM sẽ được tham gia một hoạt động rất ý nghĩa, chính là viết thiệp chúc mừng sinh nhật cựu Thủ tướng Murayama. (Ảnh: JVPF - Murayama)
Mỗi tấm thiệp kèm lời chúc được gửi đến tổng thống với lòng tri ân sâu sắc. (Ảnh: JVPF - Murayama)
Một phong cách sống giản dị đáng khâm phục
Sau khi nghỉ hưu, ông về sống tại quê nhà Oita, trong căn nhà nhỏ 130 năm tuổi xây dựng từ thời Meiji. Cựu Thủ tướng nói rằng “Đây là một ngôi nhà may mắn, nên tôi đã mua nó.” vì trong năm 1945, bom Mỹ đã phá hủy khu vực xung quanh, chỉ còn ngôi nhà vẫn nguyên vẹn.
Ngôi nhà giản dị của cựu tổng thống. (Ảnh: bestchinanews.com)
Trong nhà trồng rất nhiều cây xanh. (Ảnh: bestchinanews.com)
Năm 2012, một tác giả Trung Quốc may mắn được phỏng vấn cựu Thủ tướng Murayama. Anh đã hết sức ngạc nhiên khi bắt gặp người đàn ông đứng tuổi trong chiếc sơ mi trắng giản dị, lái xe đạp đi siêu thị.
Khi được hỏi, tác giả mới biết ông Murayama đạp xe đi mua thuốc cho vợ vì bà bị đau lưng. Hằng ngày, ông cũng thường đạp xe đi siêu thị mua đồ giúp vợ. (Ảnh: bestchinanews.com)
Khi tác giả hỏi:
“Các Thủ tướng Nhật sau khi về hưu được những chế độ gì?”,
ông trầm ngâm một lúc, rồi lặng lẽ trả lời
“Không gì cả.”
Thủ tướng Nhật Bản sau khi về hưu không được trợ cấp đặc biệt từ chính phủ, không cả trợ cấp giấy in, phía báo và cả phí đi lại, thậm chí bảo hiểm xã hội cũng chỉ chi trả 30% tiền viện phí như người bình thường.
Có lẽ không ai tưởng được, nhưng nhà của cựu Thủ tướng Murayama không có bảo vệ, không thư kí, chỉ hai vợ chồng hơn 90 tuổi nương tựa vào nhau. Vợ ông là một phụ nữ giản dị và dịu dàng.
Mỗi sáng, cựu Thủ tướng thức dậy lúc 5 giờ, đi bộ ra công viên gần nhà và ở đây một lúc để tập thể dục hay chuyện trò với những người quen, người bạn. Các tài xế taxi ở Oita đều biết ông, người dân Oita gọi ông là niềm tự hào của tỉnh nhà.
Vì thế cựu Thủ tướng không cho rằng việc không có vệ sĩ là vấn đề, ông cảm thấy an toàn khi sống trong tình cảm ấm áp của người dân và tình hữu nghị của bè bạn quốc tế.
Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng khi có điều kiện cựu Thủ tướng vẫn đến thăm Việt Nam, Bắc Kinh, Hàn Quốc, … tham dự các lễ kỉ niệm chiến tranh, phát biểu vận động tình hữu nghị giữa các dân tộc. (Ảnh: JVPF - Murayama)
Cựu Thủ tướng luôn trân trọng những món quà hữu nghị từ bạn bè quốc tế. Năm 2008, đoàn JVPF thực hiện dự án lưu diễn khắp nước Nhật nhân kỉ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt – Nhật.
Trong đêm diễn tại Oita, cựu Thủ tướng đã lên tận sân khấu để tìm hiểu về chiếc đàn bầu độc đáo của Việt Nam.
Tấm ảnh cựu thủ tướng cúi chào tạm biệt dù chỉ là người bình thường khiến độc giả vô cùng ấn tượng trước sự chân thành của ngài. (Ảnh: bestchinanews.com)
“Sự nỗ lực không ngừng là sức mạnh của thành công.”
Cựu Thủ tướng đã viết câu này tặng một sinh viên Việt Nam trong một cuộc gặp năm 2010. Đây có lẽ cũng chính là phương châm mà ông áp dụng trong suốt những năm tháng đóng góp cho sự phát triển tình hữu nghị giữa các quốc gia nói chung và Việt Nam – Nhật Bản nói riêng.
An Thuỷ/ kilala.vn