Có lần, chỉ sau một đêm, cựu hoàng Bảo Đại đã bị ông trùm Hollywood Jack Warner "lột" mất 350 triệu Franc khiến sáng hôm sau, hàng loạt tờ báo quanh vùng Cannes đã phải đưa tin tít đậm.
Với kỳ vọng xứ An Nam thuộc địa xa xôi sẽ có một ông vua được giáo dục đầy đủ và trở nên hoàn hảo nhưng dễ bảo, năm 1922, chính quyền bảo hộ Pháp đã đưa hoàng tử Vĩnh Thụy mới 9 tuổi sang Paris nuôi dạy. Bốn năm sau, ngày 8/1/1926, sau khi vua Khải Định băng hà, hoàng tử Vĩnh Thụy đã được đặt lên ngôi, trở thành hoàng đế Bảo Đại.
Những nỗ lực của cả "nước mẹ đại Pháp" lẫn triều đình An Nam trong suốt 10 năm đã không thành công lắm trong việc tạo nên một ông vua có học vấn uyên thâm, đức cao vọng trọng.
Những bộ sưu tập
Thuở nhỏ ông say mê sưu tập tem. Có lần, vì quá đam mê, ông hoàng vừa đăng quang nhưng chưa chấp chính đã đề đạt nguyện vọng với ông Charles, yêu cầu chính phủ Bảo hộ cấp cho ông một món tiền ngoài kế hoạch để mua một bộ sưu tập tem đắt tiền. Thay vì gửi tiền, nhà nước Bảo hộ đã hào phóng gửi cho ông hoàng trẻ con hẳn... một bộ tem!
Lớn lên, hầu như chẳng có môn thể thao quý tộc nào mà hoàng đế Bảo Đại không từng là tay chơi có hạng. Ông cưỡi ngựa điêu luyện như một kỵ sĩ Trung cổ, chơi golf, tennis giỏi như một quán quân hàng tỉnh, bơi thuyền các loại như một vận động viên Olympic...
Kể từ khi Bảo Đại đủ 16 tuổi trở về sau, ông Charles thường xuyên bị cảnh sát địa phương nhắc nhở bởi ông hoàng được ông giám hộ liên tục suýt gây tai nạn, do lầm tưởng những ngả đường trong hạt là đường đua xe hơi. Lớn hơn chút nữa, Bảo Đại lại tỏ ra là một tay có năng khiếu, có thể trở thành một phi công lái máy bay nhào lộn cừ khôi.
Nhưng ông không có nhiều thời gian để hưởng thụ, thi đấu và giật giải trong những môn thể thao cảm giác mạnh, bởi ông còn bận về nước làm vua, bằng lòng giết thời gian trong trò tiêu khiển săn bắn mà ông được xem như một tay thiện xạ.
Ngồi trên ngai rồng ở cố quốc, rồi trở thành Quốc trưởng sau khi Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ 2, Bảo Đại không còn phải ngửa tay xin tiền nữa. Ông có nhiều cách khác, nhiều cơ hội khác để những bộ sưu tập vương giả đắt tiền ngày càng phong phú thêm.
Đầy hứng thú với những chi tiết cơ khí và những tiếng gầm rú của động cơ, tháng 7/1950, ông đặt mua một chiếc Mercedes to đùng, nặng 4 tấn, lắp kính dày 3cm, vỏ thép chống được đạn súng trường và súng máy 8 ly.
Thân hình khá to lớn, lực lưỡng so với những thần dân Việt Nam mà ông đang cai trị, Bảo Đại cũng đặc biệt say mê với những gì đồ sộ, hoặc kềnh càng quá khổ. Trong bộ sưu tập xe hơi của ông có tới 4 chiếc Limousine của Mỹ, gầm rú trên những con đường nông thôn Việt Nam mù bụi như những con quái vật.
Năm 1951, ông lại đặt mua thêm một chiếc Jaguar Mark II to vật vã, phía trước mũi xe có gắn một con báo Nam Mỹ bằng đồng. Đây là chiếc "con báo” duy nhất có mặt tại Việt Nam trong cùng thời điểm. Bảo Đại mua nó vì thích, sau đó dự định sẽ để dành làm quà sinh nhật cho hoàng tử Bảo Long.
Nhưng nổi hứng lên, ông đã đem tặng nó cho viên tướng lục lâm Lê Văn Viễn, như quà mừng vì tay này đã thâu tóm được sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn, hàng tháng đem lại cho Bảo Đại một số tiền cống nộp kếch xù.
Những chiếc xe kềnh càng thường được ông dùng đến khi đi săn hoặc đi xa. Còn bình thường loanh quanh trong thành phố Huế, hay Đà Lạt, ông thích lướt trên một chiếc Citroen dẫn động bánh trước, trông nhẹ nhàng và hợp cảnh hơn nhiều. Chiếc xe này ông không mua mà có được nhờ đánh bạc ở Biarrit vào năm 1939.
Ngoài ra, tại những lâu đài, khu nghỉ mát ở Pháp, ông còn có thêm nhiều chiếc Ferrari, Bently, Alfa Romeo kiểu thể thao đắt tiền khác. Nhiều chiếc trong số đó, ông chỉ sử dụng đúng một lần. Thế nhưng, ông lại thích ngắm vuốt chúng mỗi ngày hoặc kỳ cụi tháo ra lắp vào những chi tiết máy nhiều lần, dù tất cả những chiếc xe này đều mới toanh chẳng cần gì đến tay nghề chăm sóc của ông hoàng!
Niềm đam mê xe có lẽ là thứ duy nhất mà Bảo Đại truyền được trọn vẹn sang con trai. Sang Pháp năm 1949, hoàng tử Bảo Long cũng nhất quyết đòi sắm cho được một loạt xe hơi đắt tiền, gồm Roll royce, Fiat mui trần, Alfa Romeo và Siatia.
Khi Bảo Đại tặng con trai một chiếc Jaguar VII, Bảo Long đã lập tức đòi phải đổi ngay sang chiếc khác. Vẫn cùng một nhãn hiệu, song phải là kiểu thể thao seri XK 120, loại đầu tiên đạt vận tốc 120 miles/h (khoảng hơn 200km/h).
Với chiếc xe này, trong hai năm, từ 1949-1951, ông hoàng trẻ đã noi gương phụ hoàng gây ra 12 vụ tai nạn. Không lần nào cảnh sát kịp tóm anh ta tại hiện trường vì đơn giản là xe cảnh sát đuổi theo... không kịp!
Một đam mê đắt tiền khác của Bảo Đại là những chiếc du thuyền sang trọng. Khi còn đang học ở Paris, Hoàng đế An Nam đã là thành viên danh dự của Câu lạc bộ Du thuyền Yacht có động cơ. Nắm được sở thích này, tháng 6/1949, Thủ tướng Pháp Queuille đã quyết định tặng Quốc trưởng Việt Nam một chiếc Yacht hiệu Jajusy có tải trọng 50 ton (1 ton = 2,83 m3).
Một tùy viên Hải quân của Pháp tại Anh quốc được giao nhiệm vụ đặt mua chiếc du thuyền đặc biệt này để nước Pháp làm quà biếu. Cái giá 100 triệu Franc đã khiến tờ Le Soire (Buổi chiều) và người dân đóng thuế Pháp kêu ầm lên, phản đối sự hoang phí của chính phủ.
Nhưng chính phủ có cách nhìn khác. Để có được một "giải pháp Bảo Đại" cho nền chính trị đang sa lầy ở Đông Dương thì 100 triệu Franc không hề là cái giá quá đắt. Quả thật, chiếc thuyền buồm đã khiến Bảo Đại mê tít thò lò. Vì vậy, ngay sau đó, ông đã yêu cầu gửi ngay bảng giá và mẫu mã để đặt thêm... hai chiếc.
Ở cả Việt Nam lẫn trên đất Pháp, Quốc trưởng Bảo Đại đã có sẵn không ít những lâu đài, biệt điện bên cạnh những bờ biển đẹp. Đối với ông, không có du thuyền thì có... biển làm gì? Và yêu cầu mà ông gửi nhà sản xuất cũng khá đơn giản, đó là du thuyền đóng cho ông thì phải... cực sang, có thế thôi.
Một khoản tiền cực lớn cũng được Bảo Đại ném đi không thương tiếc để sở hữu cả một bộ sưu tập máy bay. Là Hoàng đế, rồi sau đó là Quốc trưởng của một đất nước nghèo nàn nên Bảo Đại không có chuyên cơ. Nói chính xác hơn thì chiếc máy bay nào của ông cũng là một chuyên cơ.
Ông có cả thảy 4 chiếc DC-3, một chiếc B.24, một chiếc B.29, một chiếc Libérator. Các máy bay này đều được thiết kế một cabin riêng làm phòng ngủ và một phòng ăn rộng đủ để chiêu đãi cùng lúc cả đoàn tùy tùng 15 người. Bình nhiên liệu được thiết kế đủ để bay liên tục một lèo 6.000km. Ngoài ra, để thỏa mãn niềm đam mê thể thao, cựu hoàng còn tậu thêm một chiếc thủy phi cơ hiệu Sealand, một chiếc Sea Oters, một máy bay nhào lộn Tiger Moth.
Áp phe kiểu vua
Cần biết rằng, từ sau năm 1945, ông hoàng đã thoái vị sớm rất nghèo. Những ngày đảm nhiệm vai trò Cố vấn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Trùng Khánh và trốn sang Hồng Kông (tháng 4/1946), ông phải vay tiền của một thương nhân người Hoa tên là Wong Fu, sau khi lên làm Quốc trưởng năm 1949 mới trả. Tiếp đó, người tình Lý Lệ Hà phải rút hết khoản tiền tiết kiệm của cả một thời xuân sắc làm kỹ nữ để nuôi ông. Vậy thì sau đó, ông lấy tiền đâu ra?
Câu trả lời, theo Daniel Grandéclement, tác giả cuốn "Bảo Đại - ông vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam", là những cú áp phe thời chiến.
Tỷ giá hối đoái chính thức vào thời đó là 1 đồng Đông Dương ăn 8 đồng Franc Pháp. Để khuyến khích đầu tư làm ăn tại xứ thuộc địa đang trong tình trạng chiến tranh, chính phủ Pháp cho phép một đồng bạc đầu tư tại Đông Dương được thu đổi ăn 17 đồng Franc tại Paris. Tất nhiên, mỗi nhà kinh doanh chỉ được đổi theo tỷ lệ này trong một hạn ngạch nhất định. Nhưng là Quốc trưởng, Bảo Đại chẳng việc gì phải khai báo để xin hạn ngạch.
Từ trong nước, Thủ hiến Phan Văn Giáo rồi sau đó là tỷ phú người Hoa Lý Long Thân đã chuyển tiền Đông Dương sang cho Bảo Đại, được Quốc trưởng thanh toán bằng đô la Hồng Kông với tỷ lệ 1/8. Sau đó, ông đem những đồng bạc ấy đến Paris và đổi thành tiền Franc, theo tỷ lệ ưu đãi 1/17 và lại chuyển chúng về Sài Gòn.
Riêng phần của Phan Văn Giáo, ngài thủ hiến xuất thân là dược sĩ không chuyển tiền mà mua hàng chục hòm thuốc tây mang về tuồn ra chợ đen, thu lãi thêm một lần nữa.
Số thuốc tây này được vận chuyển bởi tàu của Hải quân thuộc quân đội quốc gia Bảo Đại nên tránh được sự khám xét của cơ quan đoan thuế. Về cảng Sài Gòn, chúng được xe cứu thương chở thẳng về nhà của chị gái bà hoàng hậu Nam Phương.
Mọi việc tiếp theo, Quốc trưởng không cần quan tâm, chỉ việc đợi các cận thần "cống nạp" lợi tức. Một điều khá lý thú là nhiều khi, số thuốc tây này được bán ra chiến khu cho... Việt Minh, lực lượng chính trị đối lập với phe quốc gia mà Bảo Đại đứng đầu.
Dĩ nhiên là nhà chức trách Pháp biết rõ những vụ buôn tiền này nhưng không thể ngăn chặn, đúng hơn là cố tình không ngăn chặn. Một lần, tại phi trường Tân Sơn Nhất, mật thám đã khám thấy trong vali của con gái Cao ủy Pháp Bollaert một khoản 600 ngàn Đông Dương.
Tuy nhiên, khi biết đó là tiền của ngài Chánh mật thám gửi chi trả cho phí lưu trú của Bảo Đại tại Hồng Kông thì mật thám tại sân bay đã buộc phải cho qua. Chỉ riêng vali tiền này, sau khi quay vòng cũng đã đem lại cho Bảo Đại số tiền lãi gần 5 triệu tiền đồng Franc Pháp!
Trong bộ hồ sơ về tỷ phú người Hoa Lý Long Thân xếp dày từ sàn lên đến nóc nhà, do cảnh sát Việt Nam Cộng hòa lập, hiện đang được lưu trữ tại Cục Lưu trữ ở Việt Nam, chúng tôi đã tìm thấy nhiều chi tiết thú vị việc tay tư sản mại bản này tiếp cận và lợi dụng cựu hoàng Bảo Đại để trục lợi.
Ly khai kháng chiến về đầu Tây, thủ lĩnh Bình Xuyên Lê Văn Viễn được gắn lon đại tá. Để cầu thân, Lý Long Thân đã bỏ một lúc 4 triệu Franc tổ chức một buổi "nhất dạ đế vương” tại hý trường Đại Thế Giới để chiêu đãi Bảy Viễn và đám tay chân tâm phúc.
Trong buổi tiệc, Lý đã khéo léo thu xếp để đặt vào vòng tay Bảy Viễn một bưu vật: cô ca sĩ kiêm Hoa hậu người Hoa Chợ Lớn Lý Bing Bing. Cả phần hồn lẫn phần xác của tay anh chị Bảy Viễn, sau buổi tiệc đã bị Lý Long Thân chinh phục hoàn toàn.
Đến đó, Lý đã đề nghị Bảy Viễn: đứng ra thầu lại sòng bạc Đại Thế Giới. Ban đầu, Bảy Viễn chối phắt. Đại Thế Giới đang thuộc quyền quản lý của Lâm Giống, một ông trùm cờ bạc Ma Cao. Mỗi ngày, sòng bạc phải chi ra 400 ngàn đồng Đông Dương để nộp cho chính phủ Nam Kỳ, chưa kể phải thêm khoảng 500 ngàn đồng nữa để mua sự an toàn của các thế lực ngoài sổ sách.
Lâm Giống được hậu thuẫn tài chính bởi cả một tập đoàn tư bản người Hoa, còn Bảy Viễn trơ trọi một mình, lại không thạo kinh doanh, lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để lo lót hàng ngày, làm sao thắng được đấu thầu. Lý Long Thân trấn an: tiền, Lý sẽ lo, mỗi ngày Lý sẽ đóng cho chính phủ 500 ngàn đồng, cao hơn Lâm Giống 20%. Còn thế lực, sao không nhờ... Quốc trưởng?
|
Bảo Đại (ngoài cùng, bên phải) năm 1938 |
Nhìn thấy trước những quyền lợi đầy hứa hẹn, Bảo Đại đã đích thân viết thư can thiệp với chính phủ Nam kỳ. Quả nhiên, tiền không mạnh bằng, lại chết khiếp uy thế của 3.000 tay súng dưới tay viên đại tá lục lâm, tài khóa 1950, Lâm Giống đành rút lui, nhường quyền khai thác Đại Thế Giới cho liên minh tiền - súng của Lý Long Thân - Lê Văn Viễn.
Ơn mưa móc của Quốc trưởng cựu hoàng được Lý Long Thân - Lê Văn Viễn bồi đáp bằng khoản tiền 240.000 đồng Đông Dương (bằng 24 triệu quan Pháp theo tỷ giá năm 1950) mỗi tháng!
Phấn khích vì quyền lợi, Bảo Đại đã can thiệp Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp phong hàm thiếu tướng cho Bảy Viễn, bất kể trong lý lịch tư pháp của gã vẫn còn nợ 8 năm tù khổ sai Côn Đảo chưa trả.
Chính tay Bảo Đại gắn lon tướng cho Bảy Viễn trước sự chứng kiến của đông đảo những nhân vật tai to mặt lớn cả Pháp lẫn Việt. Không những thế, Bảo Đại còn nhận Bảy Viễn làm em nuôi và từ Pháp ký sắc lệnh gửi về Việt Nam giao chức Giám đốc Cảnh sát quốc gia cho Lại Văn Sang, đàn em thân tín của Bảy Viễn!
Để nắm đường dây buôn tiền, Lý Long Thân đã dùng cả tiền lẫn vị thế của mình trong quyền lực bang hội người Hoa Chợ Lớn để đưa một thủ hạ khôn ngoan là Trang Trinh Nghi, tức Trang Tôn vào chức Hoa vụ kinh lý, kiêm mại bản (Compadore) phụ trách việc chuyển tiền của người Hoa ở Sài Gòn, Chợ Lớn về Trung Hoa Đại Lục và Hồng Kông.
Với vai trò này, Trang Trinh Nghi có đủ vị thế hợp pháp để thu gom và chuyển tiền mặt số lượng lớn, mục đích là chuyển sang Hồng Kông cho Bảo Đại đổi để ăn chênh lệch tỷ giá.
Thế đã mạnh, Lý Long Thân lại giới thiệu Mathew Fanchini, chủ nhân khách sạn Continental nổi tiếng nhất Sài Gòn với Bảo Đại và Bảy Viễn. Xuất thân là một tên vô lại người đảo Corse, Pháp, Mathew Fanchini trốn xuống tàu thủy làm bồi bàn và mò sang Việt Nam vào đầu thập niên 1920.
Có một điều kỳ cục, người dân thuộc địa đúng là cực kỳ nhẹ dạ. Bất kể gã Tây vô danh tiểu tốt nào mò sang Đông Dương cũng có thể được xem như một ông lớn, chỉ vì họ da trắng, mắt xanh, mũi lõ! Fanchini được một Đốc phủ sứ miền Tây gả con gái cho và được hưởng thừa kế hàng ngàn mẫu ruộng, khi cô vợ bỗng lăn ra chết chỉ dăm năm sau ngày cưới.
Bán hết điền sản, gã tậu khách sạn nổi tiếng Continental ở Trung tâm Sài Gòn, vừa kinh doanh, vừa làm ông trùm của những tên mafia đảo Corse và thành phố cảng Marseille tại Đông Dương.
Đầu năm 1951, tình báo Pháp lập nên một đội quân bí mật có danh xưng "Lực lượng biệt kích không vận hỗn hợp", viết tắt là GCMA trực thuộc Bộ Chỉ huy SDCDE (Cơ quan tình báo đối ngoại và Phản gián).
Nhiệm vụ của nó là tiếp cận và huấn luyện cho những đơn vị biệt kích tại các khu tự trị Thái, Mèo, Mông ở Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào để thọc sườn, quấy rối khu giải phóng Việt Bắc và căn cứ kháng chiến của Lào ở Sầm Nưa. Khi trở về, các chuyến bay tiếp tế đều chở theo thuốc phiện.
Đến phi trường Tân Sơn Nhất, thuốc phiện được cảnh sát vũ trang hộ tống về thẳng kho của Bảy Viễn ở số 43 đường Lacaze (nay là đường Nguyễn Biểu, quận 5), cạnh cầu chữ Y. Từ đó, Lý Long Thân sẽ tiêu thụ một phần để cung cấp cho gần 2.500 tiệm hút do các băng đảng người Hoa kiểm soát ở Sài Gòn - Chợ Lớn và các vùng phụ cận.
Phần còn lại, lớn hơn nhiều được Bảy Viễn bán cho Mathew Fanchini để tay này chuyển về Marseille cho tập đoàn mafia của anh em Antoin Gurini, làm nguyên liệu điều chế heroin cung cấp cho thị trường châu Âu và nước Mỹ.
Những thương vụ mua bán này được thực hiên nhờ trung gian là thiếu tá phòng nhì Antonio Savani, một con cáo già của tình báo Pháp. Đưa được Bảy Viễn từ bỏ hàng ngũ Việt Minh kháng chiến về với quân đội Quốc gia của Bảo Đại chính là chiến công lớn nhất trong đời tình báo của tên này.
Tất cả công cuộc kinh doanh này, Bảo Đại đều biết rất rõ. Với quyền lực một Quốc trưởng, ông không hẳn đã tán thành, song cũng không ngăn cản, trừng trị hay chấm dứt những hành vi phạm pháp của Lý Long Thân, Bảy Viễn và Fanchini. Đổi lại, mọi yêu cầu của ông đều được tập đoàn tội phạm này đáp ứng ngay không chút mặc cả.
Có lần, nổi hứng lên, Bảo Đại không chịu nhận tiền Đông Dương mà đòi Bảy Viễn phải lo đủ nửa triệu đô la trong vòng 72 giờ. Không có sẵn đô la, Lý Long Thân và Bảy Viễn phải xua tay chân đi lùng vét mua với giá cao khiến Sài Gòn hết nhẵn tiền Mỹ!
Canh bạc đế vương
Cuối tháng 10/1955, Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại. Tất cả tài sản của cựu hoàng đều bị tịch thu. Dù sao đó cũng chẳng phải là điều quá bi đát, bởi từ gần một thập niên trước, cựu hoàng chủ yếu sống và đầu tư tiền bạc tích lũy được ở nước ngoài.
Những biệt thự, nhà nghỉ trong nước, từ lâu ông không ghé đến, chắc cũng đã đổ nát, chẳng còn mấy giá trị so với khối bất động sản mà ông đầu tư ở Pháp và nhiều quốc gia khác. Đã từ lâu, đại bản doanh của ông đóng ở Côte d"Azur chứ không đóng ở Huế, Sài Gòn hay Đà Lạt.
Mất ngôi Quốc trưởng bởi một cựu thượng thư đại thần cũng không hề khiến ông bận tâm. Trong nhiều năm, ông chỉ mê mải với những canh bạc khét tiếng trong những casino hào nhoáng ở Cannes, ở Paris hay Monaco. Ngoài thời gian ở những sòng bạc này, ông đi đâu?
Ông bận đến với những sòng bạc khác ở Vitell, Evian, Nice hoặc đảo Corse. Nơi gần, ông tự lái chiếc Limousine tìm đến. Nơi xa, ông đến bằng chiếc máy bay riêng Libérator, có hoàng thân Vĩnh Cẩn tháp tùng.
Bạn bài bạc của ông cũng toàn những bậc đế vương, thường trực có Quốc vương Ai Cập Farouk, Hoàng đế Iran Hailé Sélassie, Quốc vương Anbanie Zogu, Quốc vương Arab Saudi Faycal, hoàng thân nước Ý Umberto... Thỉnh thoảng, đội quân này được bổ sung thêm một vai ông hoàng không ngai khác của những lĩnh vực kinh tế như dầu hỏa, thép hay điện ảnh.
Tất cả đều xúm xít bên những bàn đánh bạc to khổng lồ và đặt những cửa bạc khổng lồ. Dường như làm vua trong thời đại dân chủ cũng phiêu lưu, mạo hiểm không kém gì đánh bạc nên các bậc đế vương đều đặc biệt say mê trò đen đỏ.
Cựu hoàng Bảo Đại chỉ khác những ông đã bị phế truất hoặc sắp sửa bị phế truất khác ở một điểm nhỏ: ông hầu như không uống rượu, chỉ uống nước trà. Nếu phải so sánh thêm nữa thì Bảo Đại hầu như đánh chỉ toàn thua.
Cho dù đất nước Việt Nam xa xôi được biết đến như một xứ sở nghèo nàn thì cựu hoàng của xứ sở này vẫn khiến những con bạc đế vương phải ngả mũ vì "dám" chơi những trận bạc cực lớn. Có lần, chỉ sau một đêm, cựu hoàng Bảo Đại đã bị ông trùm Hollywood Jack Warner "lột" mất 350 triệu Franc khiến sáng hôm sau, hàng loạt tờ báo quanh vùng Cannes đã phải đưa tin tít đậm.
Thắng hay thua, Bảo Đại vẫn tỏ ra điềm tĩnh. Ông thường dành cho đội ngũ hồ lỳ, phục vụ bar và những cô vũ nữ xinh đẹp những khoản tiền "boa" rất sộp, đủ để nhiều năm sau họ vẫn nhớ và vẫn uống mừng sức khỏe của ông.
Nửa đầu thập niên 1950, tài chính rót vào túi ông như thác nhưng chảy ra còn mạnh hơn, Đến nửa cuối thập niên này, tiền vào không còn nhưng tốc độ chảy ra thì vẫn không đổi. Một phần khổng lồ khác bị ông ném, tứ tán vào những cuộc tình đủ kiểu - phải hàng kho sách mới ghi hết.
Chẳng bao lâu, ông khánh kiệt. Từ thập niên 1960, lâu đài, máy bay, xe hơi của ông lần lượt bốc hơi. Những cuộc tranh chấp ồn ào, đầy tai tiếng các món đồ gia bảo với hoàng tử Bảo Long cũng chẳng giúp cựu hoàng sung túc hơn. Về già, ông sống nhờ số tiền trợ cấp ít ỏi, lúc có lúc không của chính phủ Pháp. Sau thời của Tổng thống Giscard, ông được hưởng trợ cấp 8.000 Franc /tháng.
Chính phủ của Tổng thống Jacques Chirac hào phóng hơn, nâng mức trợ cấp lên mỗi tháng 20.000 Franc. Vĩnh biệt những tiệc tùng vương giả, ông dè sẻn chỉ dám ăn những bữa trưa giá 10 Franc trong những quán ăn nhỏ ở những khu phố tồi tàn.
Chỉ riêng sở thích, hay thói quen luôn có phụ nữ bên cạnh thì ông không thay đổi. Năm 1983, cựu hoàng lại "nạp thiếp". "Thứ phi" là bà Monique Baudot, quê vùng Lorraine, 30 tuổi, đẹp và ưa cau có. Bấu víu vào cánh tay của bà Monique, cựu hoàng Bảo Đại đã sống nốt những năm cuối đời nghèo túng và lặng lẽ tại một căn hộ nhỏ ở số 29, đường Fresnel, quận 16, Paris và mất tại đó ngày 31/8/1997.
Viết về cựu hoàng đế Bảo Đại, các tác giả dù thuộc phía nào cũng không tránh khỏi lúng túng. Không ai muốn tỏ ra bỡn cợt, thiếu tôn kính khi mô tả, đánh giá một ông vua. Nhưng người ta vẫn băn khoăn vì không cắt nghĩa được đầy đủ Bảo Đại đại diện cho khuynh hướng nào, vai trò thật sự của ông là gì. Có lẽ, cựu hoàng chỉ đại diện cho chính ông.
Dù thế nào đi chăng nữa, người ta cũng khó có thể chối bỏ được sự thật là ở Bảo Đại, năng lực và tai tiếng về những chuyện ăn chơi, hưởng thụ luôn tỏ ra vượt trội hơn nhiều so với tâm huyết và khả năng cai trị đất nước của một đấng quân vương, một Quốc trưởng như số phận đã buộc vào ông. Trong những trang hồi ký của mình, "đức kim thượng" cũng không hề giấu giếm chuyện bản thân ông là một tay chơi siêu hạng.
Sự hào nhoáng toát ra từ đó và bi kịch vương giả cũng bắt đầu từ đó.
Theo CAND.