Các chiến sĩ Việt Nam chia nhau dùng tay đào, cố gắng không tạo ra rung lắc tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Sau 14 tiếng đào liên tục, tới 22h10, các anh đã tạo được một “đường hầm” sâu 7m tới sát chỗ nạn nhân.

Tại hiện trường đổ nát sau động đất của một tòa nhà bốn tầng ở TP Adiyaman (Thổ Nhĩ Kỳ), khi đang đào bới sáng 11-2, đoàn cứu hộ Việt Nam phát hiện có tín hiệu sự sống của một nạn nhân.

Ngay lập tức, cả đội tăng tốc hết sức, phối hợp với quân đội Pakistan để đưa được nạn nhân là một em trai 17 tuổi (ban đầu đoàn cứu nạn cứu hộ dự đoán 14 tuổi) ra ngoài an toàn. Khoảnh khắc đó là phép màu, là kỳ tích của nạn nhân và là niềm hạnh phúc của liên quân hai đội cứu hộ Việt Nam, Pakistan.

1 Cuu Song Thieu Nien 17 Tuoi O Tho Nhi Ky Viet Nam Da Gop Suc Lam Nen Phep MauĐoàn cứu hộ Việt Nam tiếp tục đào bới, tìm kiếm các nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát tại TP Adiyaman trong ngày 12-2 – Ảnh: thành viên đoàn cung cấp

Trung tá Nguyễn Chí Thành, phó đội trưởng Đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM, trong phút nghỉ trưa ngắn ngủi đã chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ về sự việc.

Kỳ tích trong ngày đầu tiên

Sau khi di chuyển một quãng đường dài đến Adiyaman, đội cứu hộ quốc tế thuộc Bộ Công an Việt Nam bắt tay vào việc từ 7h30 sáng 11-2 (giờ địa phương). Nơi cứu hộ của đoàn là đống đổ nát của một tòa nhà bốn tầng trên đường 513 ở TP Adiyaman với thông tin còn ít nhất 10 người đang mắc kẹt.

Sau khi đào bới liên tục từ 7h30-18h30, nhóm các anh nghe thấy một tiếng gõ vọng ra từ bên trong đống đổ nát. Khoảnh khắc khiến cả đội gần như không tin nổi, đã qua sáu ngày (gần 144 tiếng) mà vẫn có người còn sống!

Nhưng tiếng gõ vẫn vọng ra như mệnh lệnh hối thúc các anh tăng tốc, bằng mọi giá đưa nạn nhân ra ngoài. Bất chấp những khối bê tông khổng lồ tràn từ vách tường ra tới mặt đường, các anh dùng máy xúc đào vào 15m để tiến tới gần ngôi nhà của nạn nhân.

Nhưng lúc này lại tiếp tục gặp trở ngại, nạn nhân nằm sâu bên trong một khối bê tông đổ nát rất lớn, các anh phải đào lỗ mới chui vào được để đưa em ra. Lúc này chỉ huy đoàn Việt Nam tại hiện trường mới bàn phương án dùng tay đào lỗ nhẹ nhàng để tới được chỗ nạn nhân đang mắc kẹt.

Tiếng “Hello” từ đống đổ nát

“Khi đoàn nghe thấy tiếng gõ, đã có trao đổi ngắn với nạn nhân. Chúng tôi hô to “Hello” thì cũng được đáp lại “Hello” và khi hỏi “How are you?” thì người bên kia đáp lại rõ ràng”, trung tá Thành nhớ lại.

Nghe được tiếng nạn nhân, các anh như được tiếp thêm sức mạnh để nỗ lực cứu hộ nhanh hơn nữa. Cùng lúc ấy, ở một hướng khác, đoàn cứu hộ của quân đội Pakistan cũng đang dò tìm, đào bới, dùng sóng âm tiếp cận nạn nhân. Hai đoàn trao đổi, thống nhất với nhau các việc cần làm để mau chóng cứu người.

Lúc này nhóm cứu hộ đã tới được tầng hai, nơi phòng ngủ của nạn nhân lúc xảy ra động đất. Rất may, vị trí nạn nhân mắc kẹt an toàn, có nước uống, dưỡng khí và có lỗ thông khí nên thở được.

Đặc biệt hơn, nạn nhân không bị thương nặng. Đoàn Việt Nam làm nhiệm vụ mở đường để đội Pakistan mang thiết bị vào hỗ trợ đưa nạn nhân ra an toàn.

Phút giây ấy như vỡ òa, giữa đêm tối một thiếu niên khỏe mạnh được đưa ra an toàn. Nhìn ánh mắt ngập tràn hạnh phúc của gia đình em, mọi mệt mỏi với các anh như tan biến.

“Thành quả sau một ngày đầu tiên như thế với chúng tôi là kỳ tích. Đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc để sau này chúng ta áp dụng trong công tác cứu hộ cứu nạn trong nước hoặc những nhiệm vụ quốc tế”, trung tá Thành chia sẻ.

Hiểu rằng trong đống đổ nát của tòa nhà ấy còn những người khác đang mắc kẹt, nên mọi thành viên của đoàn Việt Nam đều tranh thủ từng giờ từng phút để hy vọng lại có thêm những phép màu.

Kết thúc cuộc trao đổi ngắn với chúng tôi, trung tá Thành và các đồng đội ăn vội bữa trưa rồi lại tiếp tục bắt tay vào công việc dưới tiết trời giá buốt âm 6oC.

Nguồn: Tuoitre




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC