Ảnh các bị can trong đại án Việt Á được làm mờ khuôn mặt trong một video trên Truyền hình Thông tấn ngày 5/1
Khuôn mặt của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt đã được làm mờ trên các kênh Truyền hình Thông tấn, trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam, và báo Nhân Dân và Truyền hình Nhân Dân.
Cụ thể, một số video, vẫn thấy rõ mặt bị cáo Phan Quốc Việt, nhưng ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh luôn bị làm mờ.
Điều này đã gây phản ứng mạnh trong dư luận, nhiều người cho rằng đây là sự bất công khi che mặt quan chức ở tòa án, trong khi người dân khi chỉ mới bị bắt, chưa bị buộc tội đều bị công an đưa hình rộng rãi lên lên báo chí.
Một số kênh hay báo khác vẫn để rõ mặt bị cáo, dường như chủ trương và tần suất đưa tin ở mỗi kênh hay đài truyền hình là khác nhau.
Một nguồn tin riêng của BBC cho biết tại một đài truyền hình ở Việt Nam, dường như đã có những hạn chế về tần suất đưa tin về các phiên xử đại án Việt Á.
Nếu theo dõi các bản tin truyền hình Việt Nam, không hiếm cảnh những người dân bị công an quay cận cảnh phát trên truyền hình như trong các vụ bắt sới bạc, đá gà ăn tiền...
Các luật sư và nhà báo đã trao đổi với BBC News Tiếng Việt về câu chuyện quan chức bị che mặt trên báo chí khi đứng trước vành móng ngựa xét về góc độ pháp lý và đạo đức báo chí.
Góc nhìn pháp lý và báo chí
Ảnh cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long được làm mờ trong một bài viết trên báo Nhân Dân ngày 3/1
Từ Việt Nam, hai luật sư giấu tên vì lý do an toàn, đã chia sẻ quan điểm với BBC News Tiếng Việt.
Một luật sư giải thích về luật pháp quy định bảo vệ danh tính, trong khi luật sư khác cho biết đã có "phân biệt đối xử" trong vụ quan chức được che mặt.
"Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam quy định như sau: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác."
"Do đó, nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật."
"Tuy nhiên, theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, mặc dù pháp luật ghi nhận và bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân nhưng có hai trường hợp được sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm: Sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng và sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng: hội nghị, hội thảo, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật… mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh," luật sư này cho biết.
Một luật sư khác, người đã có thâm niên trong nhiều vụ án, cho rằng đã có sự "phân biệt đối xử", nếu so với các đại án trước đó như 'Chuyến bay giải cứu' khi hình ảnh của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng không có tờ báo, hay khăn nào để che chiếc còng số tám và hình ảnh của ông cũng không được Truyền hình Thông tấn hay báo Nhân Dân làm mờ.
"Trong cuộc họp báo, công an cứ cung cấp hình ảnh các bị can và báo chí đăng thẳng lên, rồi nhiều bị can được tuyên vô tội hay chưa bị Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố. Có hai loại hình ảnh, gồm tại tòa khi nhà báo trong nước tự chụp, tự đưa lên, thứ hai là các cơ quan công an cung cấp trong cuộc họp báo. Từ trước đến nay thì những hình ảnh này được đưa lên báo rõ ràng. Theo tôi việc công an công khai hình ảnh này còn tệ hơn việc nhà báo tự chụp tại phiên tòa nữa. Điều này rất sai và trên thực tế đã gây phản ứng trong dư luận vì đi ngược lại với quyền được bảo vệ hình ảnh."
"Thế nhưng trong vụ Việt Á thì lại che mặt các cựu bộ trưởng, việc này thì bất công cho tất cả mọi người. Như Phan Quốc Việt, khi chưa ra tòa cũng bị công an cung cấp hình ảnh cho báo chí," ông nói.
Ông cho biết thêm pháp luật Việt Nam không quy định công an có quyền cung cấp hình ảnh cho báo chí hay không.
"Chỉ có Bộ luật Dân sự quy định quyền nhân thân thì có bao gồm quyền về hình ảnh. Những người phạm tội đã bị tuyên án sẽ mất một số quyền như quyền đi lại, quyền bầu cử, kết hôn... nhưng không bị mất quyền khác như quyền hình ảnh, nhân thân. Theo đúng luật thì nếu đưa hình ảnh lên báo chí thì phải có ý kiến của họ, đúng theo quy định của Bộ luật Dân sự."
"Tôi đã từng phụ trách một vụ án, mà khi chỉ mới khởi tố người ta thì đã công bố hình ảnh đầy rẫy trên Truyền hình Công an Nhân dân (ANTV), gọi người này là 'trùm lừa đảo đất đai quận 12' luôn. Sau đó, tòa án có quan điểm là người đó không phạm tội, trả hồ sơ rồi, sau khi tạm giam thì đã được thả. Tôi cũng làm văn bản cho gửi cho ANTV với một số tờ báo khác, khi đó đây là hình ảnh do Công an Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp."
"Vấn đề đặt ra là giai đoạn tại phiên tòa, là quyền của các cơ quan báo chí, cơ quan báo chí có tuân theo pháp luật dân sự - bảo hộ quyền nhân thân trong đó có quyền hình ảnh của bị cáo. Bị cáo không bị tước bỏ quyền này thì các tờ báo có đảm bảo quy định pháp luật hay không. Vấn đề khác là điều tra truy tố, công an cung cấp hình ảnh bị can cho báo chí thì nếu không ý kiến của những người này, thì điều này rõ ràng đã xâm phạm quyền nhân thân của họ."
"Khi cung cấp hình ảnh thì phải có biên bản nói bị can đồng ý đưa ý kiến của mình lên truyền thông, báo chí, trên thực tế thì tôi thấy công an cứ làm theo thói quen là cung cấp cho báo chí rồi đăng lên. Tôi thấy đây là sự bất công. Quyền dân sự về nhân thân không bị tước bỏ thì sử dụng hình ảnh phải có ý kiến của họ. Đã có tranh cãi và đã có một người cho rằng đây là hình ảnh hoạt động cơ quan nhà nước để đưa lên báo, có bị can, bị cáo, hội đồng xét xử, người dự khán phiên tòa.
"Riêng quan điểm của tôi thì nếu chụp hình cả phiên tòa, không rõ nét từng người, thì đưa lên truyền thông không gặp vấn đề gì. Nhưng nếu chụp ảnh rõ mặt bị cáo, rồi đưa lên báo chí mà không có sự đồng ý của bị cáo là không phù hợp pháp luật," ông nói.
Ảnh cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh được làm mờ trong một bài viết trên báo Nhân Dân ngày 3/1
Một nhà báo có thâm niên 16 năm trong mảng nội chính từ Việt Nam nói với BBC rằng ông chưa thấy có vụ nào che mặt quan chức như cách báo Nhân Dân làm đối với hai cựu bộ trưởng là Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh. Nhà báo này cũng lưu ý rằng chỉ mỗi báo Nhân Dân có cách làm này, còn các tờ báo khác như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP HCM vẫn đưa tin như bình thường.
"Tôi nghĩ đây là chủ đích của vị tổng biên tập báo Nhân Dân vì cách làm này chưa từng có trong lịch sử báo chí nội chính khi đưa tin về cựu quan chức hầu tòa. Tôi đoán rằng việc này thiên về ý chí của báo Nhân Dân chứ không phải là có chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo. Còn lý do vì sao thì có thể đây là mối quan hệ cá nhân của riêng tờ báo đối với hai ông cựu bộ trưởng, vì báo Nhân Dân trước đó từng không che mặt các bị cáo trước tòa trong các vụ án khác nên cho thấy rằng, cách làm này là kiểu làm báo cảm tính, cảm tình chứ không phải là vì quyền thân nhân gì vì nhiều vụ vẫn phơi mặt người ta ra, dù chưa thực sự bị truy tố mà chỉ có lệnh bắt tạm giam mà thôi," ông nói.
Một nhà báo khác, người hay phụ trách các mảng tin an ninh trật tự, an toàn giao thông tại một đài truyền hình ở Việt Nam nói với BBC với điều kiện ẩn danh, cho biết trong các bản tin, thì họ sẽ che mờ mặt người nếu là người dưới 18 tuổi, phụ nữ trong các vụ án phá 'ổ mại dâm', làm mờ những cảnh máu me.
Tuy nhiên, các cảnh như phá sòng bạc, sòng lắc tài xỉu, ổ đá gà... thì những người bị bắt đều bị quay ảnh công khai đưa lên các bản tin thường nhật trên truyền hình theo video từ công an cung cấp, theo nhà báo này.
Vụ án Việt Á: Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh hầu tòa
Luật pháp có bất nhất?
Ảnh ông Chu Ngọc Anh trong đại án Việt Á được làm mờ khuôn mặt trong một video trên Truyền hình Thông tấn ngày 5/1
Việc đăng hình ảnh bị can, bị cáo trên truyền thông đã gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, nhưng đến nay chưa có giải pháp rõ ràng.
Nguyên nhân là dường như đã có sự khác biệt giữa Luật Báo chí Việt Nam và quy định, nhà báo được tác nghiệp lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai cơ quan báo chí.
Và đã có nhiều tiếng nói từ luật sư và nhà báo đòi hỏi phải cần có quy định thống nhất về quyền hình ảnh của cá nhân, trong đó có quyền hình ảnh của người vi phạm pháp luật nói chung và bị cáo nói riêng.
Bộ luật Dân sự 2015 mặc dù pháp luật ghi nhận và bảo về quyền hình ảnh của cá nhân nhưng có hai trường hợp được sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm: Sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng và sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng: Hội nghị, hội thảo, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật… mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Vậy nếu các cơ quan báo chí viện dẫn việc đăng hình ảnh bị can bị khởi tố với lý do "vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng" thì có được xem là hợp pháp hay không?
Cuộc tranh luận này cho đến nay vẫn chưa có hồi kết và có lẽ trong thời gian tới đòi hỏi tính cấp bách phải có quy định rõ ràng để tránh người dân xem đây là sự bất công khi quan chức được che mặt trước tòa khi phạm tội nghiêm trọng, còn những người dân lại bị phơi bày hình ảnh công khai dù chỉ mới bị công an bắt giữ.
Việt Nam hiện nay cũng đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Công ước ICCPR) của Liên Hợp Quốc và là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, do đó vấn đề đảm bảo nhân quyền nói chung và quyền được bảo vệ hình ảnh, danh tính đang ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết.
Tham khảo một số nước, thì tòa án của Mỹ không cho phép "phát sóng, truyền hình, thu âm, hoặc chụp ảnh trong phòng xử án" từ năm 1972 cho đến nay. Thế nên, báo chí Mỹ khi đưa tin bên trong phòng xét xử thường dùng hình vẽ.
"Cả pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế đều bảo hộ quyền hình ảnh của cá nhân. Vì vậy, theo tôi, báo chí Việt Nam cũng cần áp dụng theo thông lệ báo chí quốc tế là không nên đăng hình ảnh của người bị buộc tội. Về mặt ban hành văn bản pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần giải thích pháp luật một cách rõ ràng, chi tiết hơn đối với việc đăng hình ảnh của người bị buộc tội nói chung và bị can bị khởi tố nói riêng," luật sư Nguyễn Văn Đức từ Đoàn Luật sư TP HCM từng nêu trong một bài viết năm 2022.
Một công dân tên Phan Xuân Hùng ở Việt Nam chia sẻ suy nghĩ của anh với BBC về cảnh quan chức chính phủ của Việt Nam là bị can trong vụ Việt Á được làm mờ khuôn mặt trong phiên tòa như sau: "Làm mờ khuôn mặt hay dùng tờ báo, mảnh khăn che cái còng số tám... không giữ được danh dự, thể diện cho chủ thể. Độc giả, khán giả quá biết họ là ai. Nói chung đã đăng tải thì nên đăng rõ mặt, rõ hình, đăng tải như vậy nhân dân lại nghĩ rằng có sự phân biệt đối xử."
Nguồn: BBC