Đại học hay là nơi đại gia kiếm tiền?
Căng thẳng về con dấu ở ĐH Hùng Vương (TPHCM).

 

Vụ việc vừa xảy ra tại Trường Đại học Hoa Sen (TPHCM) tạo cú “sốc” cho sinh viên của trường, cho phụ huynh cũng như đội ngũ giảng viên tại đây. Những gì xảy ra tại Trường Đại học Hoa Sen là bất ngờ đối với dư luận, nhưng thực ra, sóng gió đã nổi lên ở trong nội bộ từ lâu.

 

 

Trong bài phát biểu tham gia buổi Đối thoại giáo dục do GS Ngô Bảo Châu chủ trì từ 31/7 -1/8 vừa qua, TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen - đã nói công khai: “Con tàu mà tôi là thuyền trưởng đang tròng trành trong sóng gió dữ dội”.

Sóng gió đến từ đâu mà dữ dội vậy? Câu trả lời có ngay sau đó, ngày 2.8, đại hội cổ đông bất thường được tổ chức tại Trường Đại học Hoa Sen. Đúng sai thuộc về ai sẽ được các cơ quan có thẩm quyền phân giải, nhưng những tố cáo, tranh cãi của các bên cho thấy cũng chỉ là chuyện tiền nong. Những người bỏ tiền ra đầu tư cho nhà trường đòi hỏi quyền lợi của họ. Trường kinh doanh sinh lãi thì tôi phải được chia lãi. Tinh thần giáo dục phi lợi nhuận không phải ai cũng lĩnh hội hoặc ủng hộ.

Không phải chỉ Đại học Hoa Sen, mà chuyện này đã xảy ra ở Trường Đại học tư thục Hùng Vương TPHCM và một số trường đại học ngoài công lập khác. Ban đầu khi xây dựng trường, các nhà sáng lập đều quyết tâm tất cả cho giáo dục, không lợi nhuận.

Nhưng khi góp vốn, người bỏ tiền đầu tư lại nghĩ khác, lợi ích là trên hết. Tuy không phải ai bỏ tiền cũng khăng khăng nghĩ đến tiền, nhưng người nghĩ đến tiền chiếm đa số phiếu. Cái nguy chính là chỗ này đây.

Các nhà đầu tư vì mục đích lợi nhuận chiếm cổ phiếu nhiều hơn và lẽ dĩ nhiên họ chi phối được các chính sách và quyết định của nhà trường. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của các cổ đông và họ đã khai thác được quyền lợi đó đúng luật.

Hãy đặt ra một câu hỏi, tại sao trường đại học tư của nhiều nước vừa làm ra lợi nhuận, vừa đào tạo đạt chất lượng cao, còn Việt Nam thì không? Theo các chuyên gia giáo dục thì các trường đại học tư của Mỹ, Australia đều thu lợi nhuận rất cao, nhưng họ sử dụng nguồn tài chính đó tái đầu tư, trả lương cao cho đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học để đóng góp cho xã hội, mang uy danh về cho trường. Các nhà đầu tư không nhằm mục đích kiếm lợi, nên họ không chằm chặp đòi chia tiền. Nhiều người bỏ tiền tài trợ hoàn toàn, vì mục đích giáo dục thật sự. Sự khác biệt là ở chỗ đó.

Một khi trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam hoạt động vì mục đích kiếm lợi nhuận để các nhà đầu tư chia nhau thì sẽ còn có nhiều Hoa Sen, Hùng Vương xuất hiện.
 
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC