Ở thời hiện đại, phong tục xuất phát từ mong mỏi người chết "mát mẻ", người sống an lòng này đã biến tướng, kéo theo nạn trộm cắp, bán xác chết và cả giết người.

Minh hôn - còn gọi là âm hôn hay đám cưới ma - là nghi lễ kết hôn giữa hai người đã qua đời hoặc giữa một người đã khuất và một người còn sống.

Vì sao có đám cưới ma?

Theo ghi chép trong các sách Tam Quốc chí, Ngụy chí, Bỉnh Nguyên chí”, cuộc minh hôn đầu tiên được biết đến diễn ra ở nhà họ Tào. Tào Xung - con trai của Tào Tháo - chết vì bệnh khi chưa cưới vợ. Tào Tháo vì thế mà đau buồn, tìm cách cưới vợ cho linh hồn con mình, liền tìm các gia đình có con gái đã khuất, trong đó có nhà Tư Không Bỉnh Nguyên nhưng bị gia đình này từ chối. Một thời gian sau, Tào Tháo biết tin nhà họ Chân mới có cô con gái chết yểu, liền đến đặt vấn đề xin gả cô gái ấy cho Tào Xung. Hai bên chọn ngày lành tháng tốt, tổ chức đám cưới ma và chôn tiểu thư nhà họ Chân cạnh mộ Tào Xung.

Một số tài liệu cho thấy, tục minh hôn phát triển nhất vào thời nhà Tống. Theo Tạc mộng lục, nếu nam nữ thanh niên chưa kết hôn không may chết sớm, cha mẹ bắt buộc phải tổ chức âm hôn cho họ.

1 Dam Cuoi Ma O Trung Quoc   Hu Tuc Keo Theo Te Nan Va Toi Ac

Một đám cưới ma thời hiện đại, cô dâu đã mất nên dùng hình nhân thế mạng.

Việc tổ chức các đám cưới ma bắt nguồn từ Mong muốn người chết được hạnh phúc, người sống được bình an và quan niệm linh hồn ở thế giới bên kia cũng có những nhu cầu giống như người trần. Người qua đời khi chưa kết hôn sẽ cảm thấy cô đơn ở thế giới bên kia. Mặt khác, đối với gia đình có con trai qua đời, điều này còn liên quan đến chuyện thừa kế tài sản. Khi con trai chết yểu, gia đình phải tìm một người vợ trên danh nghĩa cho anh ta, khi đó họ mới có thể tìm một đứa cháu trai trong họ làm con nuôi cặp vợ chồng minh hôn này để thừa kế tài sản.

Với những cô gái chết khi chưa lấy chồng, cha mẹ tìm người làm đám cưới ma để linh hồn con gái có chỗ nương tựa, vì cô sẽ được thờ ở gia tộc bên chồng. Nếu không tìm được duyên âm phù hợp, gia đình phải bỏ tiền “mua rể” còn sống. Người con rể đó sẽ đem bài vị của cô gái về nhà mình hương khói.

Đám cưới ma được tổ chức thế nào?

Trước khi bắt đầu tổ chức minh hôn, cha mẹ phải làm lễ nhờ đến “quỷ mai mối” đi dạm hỏi, sau đó xem quẻ. Nếu két quả xem quẻ thuận lợi thì gia đình mới may áo mới cho cô dâu chú rể rồi cử hành hôn lễ. Nếu cả hai người đều đã mất thì gia đình dùng hình nhân trong nghi lễ minh hôn, sau đó hợp táng, cô dâu chú rể chôn cùng một mộ. Nếu một người còn sống thì người sống sẽ đeo găng tay đen, người chết được đại diện bằng bài vị. Các nghi lễ khác được tiến hành như đám cưới thông thường, có lễ vật đàng hoàng. Trong hôn lễ, người ta nói chuyện với các hình nhân như với người còn sống. Nếu người đã mất là cô dâu, sau hôn lễ, khi đốt vàng mã, nhà trai sẽ đứng vây xung quanh, đánh trống thổi kèn.

Trong các câu chuyện về đám cưới ma được lưu truyền, có những cuộc minh hôn xuất phát từ tình yêu của đôi trẻ khi còn sống. Tay trống Diệp Tư Dung vì quá yêu bạn gái nên sau khi cô mất đi, anh đã âm thầm làm đám cưới ma với cô để thực hiện lời hứa bên nhau trọn đời. Khoảng 10 năm sau trận động ở Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) năm 1976, địa phương này có rất nhiều đám cưới ma được tổ chức cho những người chết trẻ khi chưa có gia đình. Những đám cưới này có tác dụng an ủi những người còn sống vốn đã quá đau xót về cái chết của con, mong con sẽ hạnh phúc ở thế giới bên kia.

Vào khoảng 22h ngày 16/5/1986 ở thị trấn Đường Sơn, một đám cưới ma được tổ chức rất trang trọng. Chú rể là Phùng Kiến Quốc, người Đường Sơn, cô gái là Trương Hồng, đến từ Thiên Tân. Sau tiếng pháo nổ giòn giã, vài chiếc ô tô nhỏ gắn chữ hỷ chạy tới, hai vợ chồng già cùng nhóm người thân, bạn bè bước xuống xe. Một cụ bà ôm tấm ảnh lớn của cô Trương, người con gái 19 tuổi rất xinh đẹp, đáng yêu. Ông cụ cùng người trong gia đình mang theo chăn ga gối đệm cùng của hồi môn. Gia đình chú rể cũng xuống nhà để chào đón nhà gái.

Ngôi nhà được sắp xếp cẩn thận, cửa ra vào dán chữ hỷ, cửa sổ được trang trí bằng những hình cắt dán và bức chân dung duy nhất của cô dâu được dán trên tường. Thầy chủ lễ giảng thiền; sau lễ thiền, gia đình hai bên treo ảnh chung của hai người đã khuất lên tường, đồng thời cha mẹ đều mở hộp đựng tro cốt của hai người và trộn với nhau. Cha mẹ chú rể lấy vải đỏ ra gói lại, đặt vào hũ. Người thân và bạn bè đặt một vài bó hoa bên cạnh hộp.

Lúc này, ban nhạc bắt đầu tấu nhạc, lễ truy điệu bắt đầu, mọi người thương tiếc đi xung quanh linh linh cữu. Sau khi hôn lễ hoàn tất, tro cốt của đôi vợ chồng ma được đưa vào thờ cúng ở nhà trai, sau đó ai về nhà nấy. Nhà gái không được đòi sính lễ.

Hủ tục tiếp tay cho tội ác 

Thời xưa, đám cưới ma chủ yếu chỉ diễn ra ở những gia đình khá giả, những người có điều kiện bỏ tiền mua sự đồng ý của gia đình người có con gái chết yểu để cưới cho con trai đã khuất của mình nhằm củng cố căn cơ gia tộc. Những năm gần đây, đám cưới ma trở nên phổ biến ở vùng nông thôn và làm phát sinh tình trạng mua bán xác chết. Các vụ ăn cắp xác chết liên tục diễn ra và được đăng tải thường xuyên trên báo chí. Có thực trạng này là do ở nhiều gia đình nghèo, thanh niên phải làm việc trong các ngành nghề nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, chẳng hạn như ngành khai thác than ở Sơn Tây. Nhiều người không cưới vợ được cho con khi còn sống nên cố mua xác chết để con mình trở thành đàn ông có vợ dưới âm phủ.

Thậm chí, ở Trung Quốc còn xuất hiện thị trường chợ đen chuyên buôn xác chết, trong đó có những kẻ môi giới xác chết đóng vai trò liên lạc trung gian, những kẻ đào mộ, cướp xác chết. Giá xác chết trẻ có thể lên đến 2 vạn tệ ở Diên Xuyên, Thiểm Tây và 4 vạn tệ ở Tây Huyện, Sơn Tây. Giá sẽ thấp hơn nếu xác chết bị hỏng hoặc không đáp ứng đủ yêu cầu. 

Ngày 28/3/2005, tại ga xe lửa Tây An, cảnh sát bắt một người đàn ông có vẻ hoảng loạn đang chật vật với hai chiếc túi trên vai. Trong túi là xương từ thi thể 6 phụ nữ, bị người này đánh cắp để bán cho các gia đình làm đám cưới ma. "Lô hàng" này của anh ta có giá trị đến 3.000 tệ. 

Đáng sợ hơn, có những kẻ giết người lấy xác vì thi thể còn mới bán được giá cao hơn. Năm 2007, cảnh sát phát hiện một băng đảng giết người hàng loạt để bán xác sau khi một người đàn ông họ Trần ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc bị sát hại. 

Một vụ việc gây rúng động nữa là chuyện về người phụ nữ bất hạnh có tên Phương Dương Dương, bị gia đình chồng bạo hành đến chết vì vô sinh. Thi thể cô bị anh họ bán để làm đám cưới với người khác. Biện minh cho sự tham lam của mình, người anh họ phân trần: “Tôi chỉ nhận được vài nghìn tệ, tương đương với giá cô dâu. Theo phong tục của chúng tôi, việc tìm được gia đình cho em ấy cũng là niềm an ủi đối với người đã khuất”.

Gia đình Phương Dương Dương từng che giấu sự việc, biện hộ rằng mấy nghìn tệ mà họ nhận được là chi phí hỗ trợ tang lễ chứ không phải tiền bán xác. Tuy nhiên tro cốt của cô đã được đưa thẳng từ nhà tang lễ sang ngôi làng lân cận để kết hôn. 

Một vụ án gây xôn xao dư luận khác được The Global Times đăng tải, ngày 2/4/2016, tên Ma Chonghua bắt cóc chị Liu Caixia, 45 tuổi bằng cách đóng giả người mai mối. Ma tiêm cho Liu vài liều thuốc an thần promethazine hydrochloride khiến người phụ nữ mất mạng. Kẻ giết người thuê một tài xế chở thi thể Liu đến tỉnh Thiểm Tây để bán làm đám cưới ma, lấy 35 nghìn tệ (tương đương 124 triệu đồng). Tiếp đó, Ma Chonghua đến một ngôi làng khác ở Cam Túc và bắt cóc An Furong, 51 tuổi với sự giúp đỡ của hai người dân địa phương. Ma giết nạn nhân cũng bằng cách trên, đang định bán thi thể cho một người ở Thiểm Tây với giá 42 nghìn tệ (gần 150 triệu đồng) thì bị bắt. Ma bị kết án tử hình vào ngày 1/7/2019.

Ngọc Huyền - Vân Anh (Tổng hợp)

Nguồn: vtc.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC