Nhìn lại những bộ phim tiền tỷ bị cấm chiếu hoặc khó lên sóng mới thấy những đề tài mà đạo diễn theo đuổi thường “có vấn đề” hơn những bộ phim có đề tài bình thường.
Lịch sử, kinh dị và hành động đến nay vẫn là ba thể loại nằm trong diện nguy hiểm và khó vượt vũ môn nhất.
Làm phim hay làm tiền?
Vừa giành được ba giải quan trọng tại Cánh diều 2013 gồm giải vàng Phim truyền hình xuất sắc nhất, Biên kịch phim Truyền hình xuất sắc nhất và Đạo diễn phim truyền hình xuất sắc nhất, thế nhưng, đến nay Thái sư Trần Thủ Độ vẫn chưa rục rịch lên bất cứ sóng truyền hình nào.
Thái sư Trần Thủ Độ được đầu tư tới 57 tỉ đồng cho 30 tập phim, một mức kinh phí quá khủng thậm chí đến tận thời điểm hiện tại chứ không phải ba nằm về trước. Đáng lẽ phim được chiếu nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhưng đến nay, dù đã hoàn thành được ba nằm, bộ phim vẫn “bặt vô âm tín”.
Giải thích về chuyện không công chiếu trong đợt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cho rằng: “Bởi về lịch sử Trần Thủ Độ là người tiêu diệt nhà Lý. Đó là chuyện nhạy cảm lịch sử.”
Diện mạo bộ phim 57 tỷ đồng tiền thuế của dân vẫn chưa có ngày lộ diện
Trong khi đó, để duyệt từ khâu kịch bản cho tới giai đoạn nghiệm thu thành phẩm cuối cùng của bộ phim lịch sử phục vụ đại lễ này có cả một bộ sậu gồm những cây đa cây đề danh giá như: NGND Lê Đăng Thực, GS.TS.NSND Nguyễn Đình Quang (nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá) và GS Lê Văn Lan - nhà sử học danh tiếng.
Còn bây giờ, chính những người có trách nhiệm cũng không thể lý giải vì sao phim vẫn bị treo và đến khi nào phim được lên sóng. Đạo diễn Đào Duy Phúc từng chia sẻ: “Thái sư Trần Thủ Độ khiến tôi mất 4 năm từ khi tiếp nhận kịch bản cho tới lúc giao xong phim, gấp nhiều lần cho 1 bộ phim điện ảnh tôi từng làm”. Đạo diễn Võ Tất Bình cũng đặt bao nhiêu kỳ vọng lên bộ phim.
Các diễn viên cũng đã cống hiến hết sức mình cho bộ phim lịch sử khó nhằn này. Trong khi những người có trách nhiệm dửng dưng ngó lơ thì chỉ có ê kip làm phim là trông ngóng, còn người dân thì ngẩn ngơ không biết bộ phim ngốn 57 tỷ tiền thuế của mình mặt mũi nó ra làm sao mà có cái giá đắt kinh thế!
Chưa khai sinh đã khai tử
Nếu như với Thái sư Trần Thủ Độ, người dân xót tiền của mình bỏ ra cho một bộ phim của Nhà nước thì với Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long, số tiền 100 tỉ đồng đổ vào 19 tập phim bị đóng băng vô thời hạn còn kinh khủng hơn khi nó được một đơn vị tư nhân đầu tư.
Bộ phim dù kịp hoàn thành vào năm 2010 nhưng cuối cùng cũng không thể lên sóng vào dịp Đại lễ do vấp phải quá nhiều ý kiến trái chiều “kết tội” Tàu hóa. Phim đã được yêu cầu chỉnh sửa hết lần này đến lần nọ và sau khi đã hoàn tất thì cũng đang bị đắp chiếu vô thời hạn do chưa có đài truyền hình nào gật đầu cho lên sóng.
Bộ phim 100 tỷ Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long vẫn bị nghẽn sóng
Tính cho đến thời điểm này, những bộ phim lịch sử thành công đếm không đủ trên một bàn tay, vì vậy, việc đổ tiền vào phim lịch sử tựa như đánh một canh bạc lớn. Chẳng vì thế mà sau thành công nhất định của phần đầu Huyền sử Thiên Đô, nhà sản xuất chưa có kế hoạch làm nốt phần sau vì họ bị lỗ nặng do với kinh phí bỏ ra.
Không đến nỗi căng thẳng như mảng phim lịch sử nhưng làm thế nào để bảo đảm được tính hù dọa hay đem đến những pha hành động kịch tính, đẹp mắt mà vẫn bảo đảm được tính chừng mực để không bị tuýt còi là một điều vô cùng khó khăn.
Mong muốn tái hiện góc khuất về thân phận của con người trong cuộc chiến giành địa phận, tình yêu giữa các băng nhóm xã hội đen cũng như cuộc sống Sài Gòn - Chợ Lớn một cách sống động trên màn ảnh rộng, thế nhưng, Bụi đời chợ Lớn đã không thể vượt vũ môn sau nhiều lần làm việc với hội đồng thẩm định.
Bộ phim 16 tỷ đồng của Charlie Nguyễn cuối cùng đã không thể ra mắt khán giả. Văn bản thông báo chính thức của Cục Điện ảnh “yêu cầu không cho phép phổ biến Bụi đời Chợ Lớn dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như không để lọt bộ phim này ra thị trường” như một nhát dao đâm vào tim của tất cả ê kip làm phim, những người đã ngày đêm dồn hết tâm huyết cho sự ra đời đứa con tinh thần.
Nhằm rung lên hồi chuông cảnh báo về lối sống của giới trẻ hiện nay thông qua một câu chuyện được bọc trong lớp vỏ kinh dị, thế nhưng, Bẫy cấp ba cũng đã bị cấm chiếu hoàn toàn. Những tư tưởng giữa hai bên, đơn vị sản xuất khó lòng gặp nhau.
Ông Trần Trọng Dần, Giám đốc sản xuất bộ phim cho rằng: “Nếu cứ giáo dục theo cách giáo điều hay khuyên răn đơn thuần, tôi nghĩ nó sẽ không hiệu quả. Tôi muốn thông qua phim ảnh, vừa mang tính chất giải trí thì hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn”. Trong khi đó, Hội đồng duyệt phim vẫn quả quyết bộ phim không hề có tính giáo dục như ông Dần chia sẻ.
Bẫy cấp 3 bị cho là thiếu tính giáo dục
Một khi phim không được ra rạp thì khó có thể nói bên nào đúng, bên nào sai. Nhưng có một điều chắc chắn, khi cánh cửa kiểm duyệt càng lúc càng khắt khe thì thách thức cũng ngày một lớn lên cho các nhà làm phim.
Nếu muốn làm nên điều gì khác biệt cho nền điện ảnh nước nhà, trước khi nghĩ đến chuyện làm thế nào để trở thành ông vua phòng vé, các nhà làm phim phải nghĩ đến việc làm thế nào để vượt vũ môn êm xuôi. Cẩn thận với tiền tỷ của dân cũng như của chính mình!
Theo Khám phá.