Đạo diễn Đỗ Thanh Hải "tường trình sự cố" Táo quân"Câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng không phải câu chuyện để Táo quân phải quan tâm", tổng đạo diễn chương trình Táo quân 2010 - Đỗ Thanh Hải, phản hồi.

Tình huống Đàm Vĩnh Hưng mất nhẫn là do diễn viên ngẫu hứng

- Chắc anh có nghe thông tin về phản hồi của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mấy ngày gần đây cho rằng Táo quân quá lố khi mang vụ việc mất chiếc nhẫn kim cương của mình ra làm trò cười cho thiên hạ. Anh trả lời sao trước phản ứng này và có định cắt tình huống này khỏi bản sẽ phát sóng?

- Thực ra trong kịch bản của chúng tôi không hề có tình huống này mà đây hoàn toàn là phút ngẫu hứng của diễn viên. Nếu nhìn tổng thể của chương trình thì bạn sẽ thấy tình huống này không hề "ăn" vào câu chuyện.

Trên sân khấu, rất có thể các nghệ sĩ hài ngẫu hứng đưa ra những tình huống mới để tạo nên hưng phấn khi diễn. Đây mới là lúc cần đến biên tập để chỉnh sửa lại nội dung cho đúng với mạch của chương trình. Nên nếu hỏi có lên tiếng hay không thì chúng tôi sẽ không lên tiếng vì đây không phải là điều chúng tôi quan tâm. Câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng không phải câu chuyện để Táo quân phải quan tâm.

- Tóm lại là tình huống ca sĩ bị mất nhẫn kim cương 4 tỉ có xuất hiện trong chương trình Táo quân 2010 không?

- Chắc chắn nó sẽ không xuất hiện trong chương trình phát sóng vì tình huống này không hề có trong kịch bản.

- Ngoài ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ê kíp thực hiện chương trình còn nhận được những phản hồi nào nữa?

- Việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói về Táo quân chúng tôi cũng chỉ nghe qua báo chí chứ cũng không nhận được phản hồi trực tiếp của Đàm Vĩnh Hưng tới ê kíp thực hiện. Chúng tôi cũng không có thói quen tìm hiểu tất cả những phản hồi sau chương trình. Nếu không có chính kiến riêng thì chúng tôi sẽ không bao giờ làm một chương trình như thế này cả.

Nói về những vấn đề chưa được thì chẳng ai thích cả nhưng hãy hiểu rằng đây là một chương trình trào lộng, dùng tiếng cười nhằm nói về một vấn đề xã hội đang quan tâm để cảnh tỉnh nhau. Nếu không tỉnh táo, sợ đụng chạm, không muốn để ai liên tưởng đến vấn đề nào cả thì Táo quân sẽ vô cùng nhạt nhẽo mà đó thì không phải là tiêu chí của chương trình. Và như thế thì không nên làm Táo quân làm gì nữa.

- Bây giờ thì Táo quân 2010 đã hoàn tất. Nhưng trước khi ghi hình chương trình này, việc tiếp cận với anh và ê kíp thực hiện vô cùng khó. Các anh sợ kịch bản lộ ra ngoài sẽ bị soi mói và chịu sự tác động nào đó khi thực hiện chương trình?

- Ê kíp làm Táo quân hoạt động khá đặc biệt. Chúng tôi chỉ có vài buổi ban ngày ngồi với nhau và những lúc đó thường phải vào những chỗ hết sức yên tĩnh để tránh bị quấy rầy do rất khó khăn để tập hợp các nghệ sĩ hài lại, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Khi đang tập, chúng tôi hoặc là phải tắt điện thoại di động, hoặc là không được quan tâm đến chiếc điện thoại vì nếu một người dùng điện thoại sẽ ảnh hưởng đến cả ê kíp. Đa phần chúng tôi phải tập từ tối cho tới sáng ở trường quay của VFC vì ban ngày các nghệ sĩ thường rất bận. Do vậy cả thời gian và địa điểm tập Táo quân đều khá là bí mật với mọi người.

Còn về kịch bản, chúng tôi cũng không muốn nó bị lộ ra vì nếu là một chương trình hài mà các tình huống, nhân vật đều đã được biết trước thì nó sẽ không còn giữ được hiệu ứng bất ngờ khi phát sóng nữa. Do vậy ngay cả tờ báo "người nhà" như Tạp chí Truyền hình chúng tôi cũng không cung cấp thông tin trước về kịch bản Táo quân.

Nếu báo chí liệt kê ra hết các "trò" thì khán giả còn đâu hứng thú với chương trình nữa. Và một lý do nữa cũng vô cùng quan trọng là kịch bản Táo quân không bao giờ hoàn thiện cho đến tận lúc công diễn. Trong quá trình tập luyện, kịch bản và các tình huống cũng thay đổi liên tục.

Không đặt mục tiêu lôi mọi vấn đề ra đả phá, khích bác

 

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải
Các nghệ sĩ tham gia buổi ghi hình Táo quân 2010 tối 30/1 tại HN. Ảnh: Sơn Hà.

- Sau hai buổi ghi hình chương trình Táo quân tại Hà Nội vừa qua, bản cuối cùng khi lên sóng sẽ là bản nào?

- Mỗi đợt ghi hình chương trình Táo quân luôn tạo ra nhiều ý kiến. Nhưng đó không phải là bản cuối cùng. Để có chương trình Táo quân lên sóng chúng tôi sẽ phải quay bổ sung những tình huống và lời thoại mà các diễn viên đã quên trong lúc quay hoặc diễn nhầm. Ngay cả chương trình năm ngoái được đánh giá là thành công cũng có một số người có ý kiến là quá dài. Bản lên sóng sẽ chỉ có 100 phút trong khi băng ghi hình có dung lượng hơn 2 tiếng đồng hồ nên chắc chắn sẽ phải biên tập, cắt đi rất nhiều.

- Anh đã được nghe dư luận về Táo quân năm nay, vậy có dư luận nào chê, thậm chí chê mạnh?

- Cũng có vài người nhắn cho tôi hỏi vì sao Táo quân năm nay không sắc sảo, không có tình huống cho Táo tự nguyện xin từ chức, tự kỷ luật mình bằng cách dùng... lông gà mà quật... như những năm trước. Nhưng mỗi năm Táo quân phải theo một mạch câu chuyện riêng và cũng phải phụ thuộc vào bối cảnh chung. Chúng tôi không đặt mục tiêu lôi mọi vấn đề ra đả phá, khích bác.

- Ghi hình tới gần 3 giờ nhưng chỉ được "cấp" 100 phút phát sóng, tức là Táo quân sẽ bị cắt tới nửa non. Không biết những phần sẽ bị cắt bỏ có phải là những phần nhạy cảm nhất và dễ gây dư luận nhiều nhất không, thưa anh?

- Nó có thể là những nội dung nhạy cảm hoặc những phần rất hay nhưng diễn viên diễn nhầm ý nên "lộn" tình huống. Khán giả nếu tinh ý sẽ nhận ra điều này nhưng nếu không tinh vẫn sẽ cảm thấy "nuốt trôi" bởi các diễn viên có kinh nghiệm luôn biết cách xử lý những tình huống nhầm lẫn. 

- Một đạo diễn từng làm việc ở VFC có tiết lộ rằng ở các chương trình Táo quân trước, nếu "đụng" đến ngành nào thì sẽ có người của ngành đó đến tác động, "chạy chọt" để cắt những tình huống họ cho là ám chỉ mình. Với năm nay thì sao? Đã có ai đến gặp anh chưa?

- Cần phải hiểu rằng Táo quân là một chương trình văn hoá nghệ thuật chứ không phải là chương trình chính luận nên nếu người ta có muốn gặp mình thì cũng sẽ không tới gặp trực tiếp. Do vậy tôi khẳng định là không hề có chuyện đó. Không ai dại gì mà tự nhận mình là người bị chỉ trích trong chương trình đó cả.

Thêm nữa, khác với các chương trình khác, Táo quân là chương trình của VTV, VFC chỉ là đơn vị đứng ra thực hiện. Do vậy chúng tôi phải tuân thủ quy trình kiểm duyệt, biên tập của VTV.  Kịch bản của chương trình phải gửi trình lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam duyệt. Khi dựng băng, lãnh đạo Đài cũng phải ngồi xem trực tiếp để đưa ra các ý kiến chỉnh sửa nếu có tình huống nào chưa thấy phù hợp. Nên nếu nói có đối tượng nào đó có thể can thiệp vào nội dung chương trình thì câu trả lời chắc chắn là: Không. Có thể mọi người thấy hiện tượng nọ hiện tượng kia thì suy diễn ra chứ trong suốt quá trình làm hầu như chúng tôi không bị chi phối bởi bất cứ điều gì.

- Nhưng sức ép thì rất nhiều chứ?

- Sức ép lớn nhất chính là khán giả bởi đây là chương trình được chờ đợi vào mỗi tối 30 Tết. Thêm nữa, vì một năm mới có một chương trình nên lại càng được quan tâm. Lý do thứ 3 nữa là Táo quân động đến những vấn đề nóng của xã hội trong năm dù đã được đăng tải trên báo chí nhưng lại được thể hiện dưới lăng kính hài hước. Chúng tôi phải lựa chọn sự kiện, vấn đề rất nghiêm túc, không phải cái gì cũng đưa vào vì nếu không Táo quân sẽ trở thành chương trình tổng kết, liệt kê sự kiện.

Cái khó nhất là chúng tôi lại phải một lần nữa sàng lọc các sự kiện và qua góc độ của những người làm chương trình để quyết định cái gì có thể khai thác dưới lăng kính hài hước và phù hợp với chương trình. Tuy không đưa được tất cả những vấn đề nổi cộm trong xã hội trong năm nhưng chúng tôi cũng cố gắng đưa vào chương trình Táo quân những vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo Vietnamnet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC