Nhận bản kế hoạch phục dựng 100 vở sân khấu nổi tiếng Việt Nam và thế giới với kinh phí 100 triệu mỗi vở từ Cục nghệ thuật Biểu diễn, một 'bầu' sân khấu phía Nam than: "Số tiền này còn không đủ làm một vở kịch rối".
Cục nghệ thuật Biểu diễn vừa gửi cho hội sân khấu TP HCM Đề án dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Ngày 23/2, tại trụ sở của hội, các "bầu" sân khấu công lập và tư nhân của thành phố như: sân khấu nhỏ 5B, Idecaf, Phú Nhuận, kịch Sài Gòn... bày tỏ ý kiến cho rằng, đề án khó thực hiện được vì kế hoạch Cục đề ra rất xa rời thực tế hoạt động nghề nghiệp của họ hiện nay.
Cầm tờ văn bản giới thiệu đề án của Cục trên tay, đạo diễn Khánh Hoàng, giám đốc Nhà hát kịch thành phố bức xúc: Nhà hát này vốn là đơn vị công lập, mỗi năm phải chật vật xoay sở dựng và duy trì hiệu quả 4 chương trình sân khấu với số tiền được nhà nước "rót" là 200 triệu. Trong khi đó, đề án của Cục chỉ chi ra 100 triệu để dàn dựng, khôi phục lại một tác phẩm kinh điển mà còn kèm điều kiện bắt buộc là phải duy trì được ít nhất là 80 suất phục vụ khán giả. "Tính ra mỗi suất chúng tôi chỉ có nhỉnh hơn 1 triệu đồng kinh phí. Đó là điều không thể nào làm được và nếu nhận làm là chuốc sự mệt mỏi", đạo diễn Khánh Hoàng nói.
"Bầu" Phước Sang của Kịch Sài Gòn và nghệ sĩ Khánh Hoàng, Nhà hát kịch TP HCM tại buổi góp ý cho đề án của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Ảnh: A.V |
Đồng ý kiến, ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sân khấu Idecaf nêu ví dụ, sân khấu này từng dựng vở Hồn trương ba da hàng thịt. Kinh phí cho vở là hơn 110 triệu đồng, được chăm chút tốt về cảnh trí, âm thanh và ánh sáng với dàn diễn viên toàn "sao" nhưng chỉ qua mùa Tết là lượng khán giả giảm dần, đến nay chỉ được khoảng trên 30 suất. "Với mức nhỉnh hơn 1 triệu đồng/suất diễn, tôi nghĩ còn không đủ lực để dựng một vở múa rối que nói chi là một vở kịch nghiêm túc", ông Tuấn nói.
Góp ý cho đề án, đạo diễn Phước Sang, giám đốc sân khấu Kịch Sài Gòn cho rằng, Cục cần nêu ra đâu là mục tiêu đề án muốn hướng: phục dựng tác phẩm sân khấu làm tư liệu cho thế hệ sau tham khảo, học tập và giữ gìn; hay là muốn "kích cầu" sân khấu đương đại phát triển? Nếu đề án có mục đích lưu giữ tác phẩm làm tư liệu thì cần được đầu tư kinh phí cao hơn chứ không thể theo kiểu "cào bằng" số tiền cho các đơn vị làm được đến đâu thì làm.
Cũng theo Phước Sang, nếu đề án muốn kích cầu sân khấu thì càng không thể thực hiện được vì trong hoàn cảnh ít tiền, thiếu lực lượng diễn viên, việc Cục yêu cầu vở sau khi hoàn thành phải diễn ít nhất 80 suất với kịch nói và 50 suất với cải lương, tuồng, chèo; sau đó còn phải phục vụ miễn phí cho rất nhiều đơn vị như trường học, bộ đội, công nhân, khán giả nông thôn... là khiên cưỡng và thiếu cơ sở thực tế.
"Cục nên để cho các đơn vị tự chủ động chọn vở phù hợp với hoàn cảnh của đơn vị mình thay vì đưa sẵn một danh sách trước. Đồng thời, kinh phí rót xuống nên tùy tình hình thực tế của mỗi vở chứ không nên cào bằng", một đạo diễn góp ý.
Đề án Dàn dựng 100 kịch bản sân khấu nổi tiếng của Việt Nam và thế giới là ý tưởng của Bộ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao du lịch Hoàng Tuấn Anh. Từ ý tưởng này Cục Nghệ thuật Biểu diễn soạn thảo và xây dựng bản đề án. Hiện tại, Cục đang gửi bản kế hoạch đến Hội sân khấu Hà Nội, Hội sân khấu TP HCM và một số đơn vị nghệ thuật để nhận ý kiến đóng góp nhằm hoàn chỉnh đề án.
Theo Vnexpress.