Với dân công sở nói riêng, mạng xã hội không đơn giản chỉ là một "ngôi nhà" cho việc sống ảo, mà đôi khi nó còn là nơi giúp xả stress hữu hiệu, kết nối với nhiều bạn bè mới, thậm chí còn là cánh cửa giúp nhìn ra thế giới những khi anh chị em quá áp lực, suốt ngày giam mình trong chốn văn phòng vốn chẳng có gì mới mẻ. Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt và mạng xã hội cũng thế, mặt trái của mạng xã hội chính là quá "xô bồ", "tai vách mạch rừng", chỉ cần không cẩn thận một chút thôi là coi như sự nghiệp của mỗi người sẽ nhanh chóng tiêu tan.
Để tránh lâm vào tình cảnh đó, có một vài lưu ý mà dân công sở hay sử dụng mạng xã hội cần phải để tâm:
Phàn nàn về công việc
Ngành nghề nào cũng có những áp lực và mệt mỏi riêng, cách mỗi người đối mặt với nó là quan trọng hơn cả. Ấy thế, nhiều anh chị em nơi công sở dường như khá lơ là ở điểm này, để rồi cứ mỗi khi tan sở về nhà (hoặc ở ngay tại công ty) liền đăng đàn thở than bằng những ngôn từ bi kịch hết mức có thể. Làm vậy để được gì? Áp lực chẳng những không mất đi mà đôi khi hay tin bạn chuyên buôn chuyện về công việc trên mạng xã hội, chắc chắn chẳng vị sếp nào hài lòng.
Thiếu ý chí, thiếu quyết tâm và "nhiều chuyện" chính là những "phẩm chất" mà sếp gán cho bạn ngay sau những status phàn nàn. Chưa kể, cuộc sống công sở của bạn cũng có nguy cơ chấm dứt vì chẳng có ban lãnh đạo nào lại thích một nhân viên làm việc cho mình mà lại ủ dột và uất ức cứ như bị "sếp chèn ép" và "bạo hành" không bằng.
Nói xấu sếp
Nếu phàn nàn công việc cần phải kiêng 1 thì nói xấu sếp phải kiêng tới 10, tuyệt đối không được đăng đàn hay mang ra làm chủ đề bàn tán trên mạng xã hội. Dù đúng dù sai, sếp vẫn là sếp, là người gần như nắm quyền sinh sát trong tay nên chỉ cần nghe phong phanh có cô A, anh B đêm qua nói xấu mình trên facebook thì hậu quả thật khôn lường. Một là bị "đì" đến mức sống dở chết dở, lương tụt không phanh; hai là đuổi thẳng cổ, cuối tháng ngậm đắng dọn bàn rời nơi làm việc.
Đừng bao giờ có suy nghĩ "tôi không kết bạn với sếp trên mạng xã hội" và "nói xấu không public" thì không lo sếp sẽ không biết. Như đã nói, mạng xã hội là một nơi "tai vách mạch rừng", mọi thông tin sẽ truyền tới tai sếp nhanh thôi, thậm chí có khi chuyện nói xấu còn theo một chiều hướng tiêu cực hơn do những đồng nghiệp vốn chẳng ưa mình "thêm mắm thêm muối" vào.
Đá xéo đồng nghiệp
Trong môi trường công sở, nếu sếp là đối tượng phải kiêng dè thì đồng nghiệp xung quanh mình buộc phải giữ mối quan hệ tương kính. Họ có xấu tính cỡ nào cũng không nên mang lên mạng xã hội để nói đá đểu. Làm như vậy bạn còn bị đánh giá là xấu tính hơn họ gấp nhiều lần. Nếu có bất đồng, hãy trực tiếp đối thoại và giải quyết. Nếu không thể giải quyết hãy chủ động lánh xa, "nước sông không phạm nước giếng".
Bất kỳ lãnh đạo nào cũng quan tâm đến thái độ sống, cách ứng xử và các mối quan tâm của nhân viên. Những nhân viên có thái độ tiêu cực hoặc thiếu chuyên nghiệp và châm ngòi cho các cuộc căng thẳng trong công ty sẽ bị cân nhắc trước các cơ hội đề bạt, bị nhắc nhở và thậm chí đuổi việc. Đồng nghiệp cà khịa, xấu tính, yên tâm đã có sếp quan sát và tìm cách xử lý, tuyệt đối mình đừng đi vào vết xe đổ ấy thông qua mạng xã hội.
Úp mở về chuyện nhảy việc
Nếu đã nộp đơn xin nghỉ việc, hội công sở hoàn toàn có thể vô tư quảng cáo bản thân trên mạng xã hội để tìm công việc mới, còn nếu chưa thì tuyệt đối cẩn thận, đừng để rò rỉ thông tin này trên mạng xã hội dù bằng cách nào đi chăng nữa.
Bởi lẽ khi thông tin về ý định nhảy việc của bạn bị rò rỉ đến tai sếp, rất có thể sếp sẽ cho bạn vào "danh sách đen", "tặng" thêm vài trở ngại khó nhằn và chính thức sa thải bạn trước khi bạn thực sự sẵn sàng để rời khỏi công ty hoặc khi chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho công việc mới. Suy cho cùng, từ ý định đi đến hành động cũng là một khoảng cách khá xa và hãy cẩn thận kẻo rước họa vào thân.