20120901 01 28 Nàng men chàng bóng chỉ vừa mới chào sân đã gặp phải la ó dữ dội từ phía truyền thông, những người được xem trước khi phim chính thức ra mắt dịp lễ 2.9. Thực chất, bộ phim chỉ nối dài chuỗi phim nhảm liên tiếp từ gần một năm nay, khiến người ta không thể không đặt câu hỏi: Điện ảnh Việt đang tuột dốc?

 Mặc dù khán giả đến rạp ngày một đông trong khi phim mới mọc nhanh như nấm, những hào hứng, kỳ vọng ban đầu về thị trường điện ảnh đang thăng hoa nhanh chóng nhường chỗ cho thất vọng, chán nản.

Nhan nhản phim dở

Không phải chỉ đến bộ phim mới của đạo diễn Võ Tấn Bình, công chúng mới sôi sục lên vì kiểu làm phim kệch cỡm cả về nội dung lẫn hình ảnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có một phim Việt ra mắt, nhưng không phim nào khiến người xem hài lòng. Có thể kể đến hàng loạt phim được xếp hạng “siêu nhảm” như Hello cô Ba, Vũ điệu đường cong, Ranh giới trắng đen, Giấc mộng giàu sang, Nàng men chàng bóng. Khá hơn một chút nhưng ở mức làng nhàng có Ngôi nhà trong hẻm, Gia sư nữ quái, Cưới ngay kẻo lỡ. Bộ phim duy nhất cho thấy chút ít tính chất độc lập, không theo kiểu câu khách là Dành cho tháng sáu lại quá nhạt và non nớt, thiếu chiều sâu và sự hấp dẫn trong các tình tiết để thu hút khán giả. Ngoài ra còn phải kể đếnBẫy cấp 3, một phim bị hội đồng duyệt phim cấm chiếu, và ai biết được nếu ra mắt thì liệu điện ảnh Việt lại có thêm một thảm họa nữa hay không.

 

Còn nhớ thời Việt Nam mỗi năm chỉ có vài ba phim ra đời từ các hãng nhà nước nhưng đó đều là những bộ phim chỉn chu, sâu sắc và đậm chất điện ảnh như Thương nhớ đồng quê, Trăng nơi đáy giếng, Mê Thảo thời vang bóng... Bộ phim Dòng máu anh hùng được coi là bước ngoặt, đánh dấu thời kỳ phim Việt bước đầu thương mại hóa để thu hút khán giả hơn. Nhưng kể từ đó, chưa phim hành động nào đủ sức vượt mặt bộ phim của đạo diễn Charlie Nguyễn về chất lượng. Ở các thể loại khác, Nụ hôn thần chết, Cô dâu đại chiến, Để Mai tính, Lệ phí tình yêu... tuy chưa thực sự xuất sắc nhưng đều là những bộ phim xem được và sạch sẽ.

Số lượng phim nở rộ cùng với sự gia tăng của lượng khán giả đến rạp. Nhưng khán giả còn chưa kịp vui mừng vì phim Việt dần có chỗ đứng trên sân nhà trước sức ép của phim ngoại, đã phải chứng kiến sự xuống cấp về chất lượng phim. Ngay Charlie Nguyễn sau khi được đánh giá cao với Dòng máu anh hùng, Để Mai tính cũng làm đến hai phim nhảm là Long Ruồi và Cưới ngay kẻo lỡ.

Cần cả “tâm” lẫn “tầm”

Nhận định về tình trạng này, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho rằng không thể đổ lỗi cho một mình nhà sản xuất: “Khán giả thích xem gì thì sản xuất loại phim đó. Nếu khán giả cười vỡ rạp tình tiết nào, hình ảnh gì, thì phim sau cứ vậy mà làm, tăng thêm một chút liều lượng. Cứ vậy, mức độ nhảm nhí, dung tục càng tăng thêm. Khán giả càng thích thú kéo nhau đi xem thì nhà sản xuất càng hốt bạc”. 

Theo ông, nên đặt câu hỏi: “Tại sao đông đảo khán giả thích xem loại phim này?” trước khi trách nhà sản xuất. Tỉ lệ người xem dành cho loại phim gọi là “nghiêm túc” quá ít. Các phim như Chạm, Dành cho tháng sáu, Tâm hồn mẹ… đều lỗ vốn, làm nản lòng giới sáng tác và nhà sản xuất muốn làm phim nghệ thuật. Điều này cho thấy thị hiếu người xem rất khó lường và nền điện ảnh phải chịu tác động. 

 

_0
Một cảnh siêu nhảm của "Nàng men chàng bóng".

 

Tuy nhiên, nếu thế thì mọi chuyện lại quay về với “con gà - quả trứng”. Là người cung cấp nguồn “thức ăn”, nhà sản xuất dễ dàng bị cuốn theo lợi nhuận. Nhưng đáng lẽ họ cần ý thức được trách nhiệm của người làm nghệ thuật đối với cộng đồng để cân bằng giữa lợi ích cá nhân và xã hội. Nếu nhà làm phim không vì mải chạy theo lợi nhuận mà đánh đổi cả những chuẩn mực đạo đức thì khán giả đâu thể có cơ hội cổ súy cho những thứ “rác văn hóa” như vậy. Và để thỏa mãn được cả thị hiếu khán giả lẫn chất lượng nghệ thuật, nhà sản xuất và đạo diễn cần lắm cả “tâm” lẫn “tầm”.

Nhưng trong một cuộc chạy đua doanh thu không có điểm dừng thì điều cần hơn cả là sự hỗ trợ từ các tổ chức điện ảnh nhà nước và hiệp hội. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho rằng, Cục, Hội điện ảnh nên có các quỹ tài trợ làm phim nghệ thuật, nhằm “khuyến khích những tìm tòi sáng tạo độc đáo, nâng đỡ các nhà làm phim độc lập về trang thiết bị, hậu kỳ… Nhưng cần nhất là các cơ quan này không nên can thiệp quá sâu vào nội dung sáng tác”, đạo diễn nói.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC