Đời tư nghệ sỹ: "Mồi ngon" của dư luận? Trong những năm gần đây, vấn đề đời tư của công dân, nhất là những người có vị trí xã hội, nổi tiếng hoặc giàu có luôn là chủ đề được dư luận quan tâm. Không ít người đã phải "điêu đứng"...

 Tuy nhiên, không ít người bị điêu đứng khi trở thành “đề tài” của một số tờ báo chạy theo xu hướng giật gân, câu khách.

Đâu là barie cho việc khai thác, đăng tải những thông tin dạng này là nội dung được đưa ra bàn luận tại Hội thảo “Trách nhiệm của báo chí trong việc bảo vệ bí mật đời tư công dân”, do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển và Đại sứ quán Anh tổ chức.

 

Cần đặt mình vào vị trí nhân vật

 

Nhiều ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, chuyện đời tư, scandal đang được coi là “miếng ngon” của một số báo có xu hướng lá cải nhất là báo mạng chạy theo tiêu chí “sốc - sex- sến”.

 

“Làng báo chúng ta bây giờ xâm phạm đời tư người khác ngang nhiên quá, chuyện chui gậm giường nhà người khác cũng được đưa lên mặt báo. Tôi e ngại với suy nghĩ coi đó là cách làm báo chất lượng, hiệu quả được đo bằng số phát hành hay lượng truy cập. Bất cứ vụ việc, sự kiện nào đang thu hút dư luận, báo chí cũng có thể lục tung tất thảy những gì gắn với nhân vật chính. Chỉ cần họ là vợ, chồng, con, em… của nhân vật cũng dễ bị cho lên làm mồi câu khách”- nhà báo Đà Trang (Trưởng Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ TPHCM tại Hà Nội) bày tỏ quan điểm bất đồng với cách làm của một số tờ báo hiện nay.

 

Nhà báo Đà Trang cho rằng, có thể gọi phóng viên, nhà báo là những “con ma xó”, chuyện gì cũng có thể biết, nhưng không thể đưa hết lên báo được, cần phải biết đặt mình vào vị trí nhân vật.

Nạn nhân Đan Lê lên tiếng

 

Cách đây hơn 4 năm, cuộc sống của biên tập viên (BTV) Đan Lê từng bị đảo lộn, thậm chí rơi vào bế tắc khi một tờ báo đưa tin lập lờ tên tuổi, hình ảnh của cô với một clip sex.

 

Sự việc qua đã lâu song Đan Lê vẫn không kìm được xúc động khi chia sẻ với hội thảo lần cô trở thành nạn nhân của chính người cùng nghề.

Đời tư nghệ sỹ:
Sau nhiều tháng theo đuổi vụ kiện, Đan Lê mới buộc được tờ báo nọ cải chính, xin lỗi, bồi thường thiệt hại vật chất cũng như tinh thần... Dù vậy, cô cho biết đến với hội thảo không phải để kể “chiến tích” thắng kiện, mà chỉ chia sẻ kinh nghiệm của mình – một nạn nhân bị xâm hại đời tư – cho những ai quan tâm.

 

“Không biết ai có suy nghĩ scandal như một đòn bẩy của sự nổi tiếng? Nhưng với tôi, một PV, BTV dẫn chương trình truyền hình thì scandal liên quan tới sex được coi như giấy khai tử trong nghề nghiệp”- Đan Lê nói.

 

Đồng tình với ý kiến báo chí đang xuất hiện rất nhiều thông tin đời tư quá đà, thậm chí thất thiệt và cần có những chế tài xử lý thật nghiêm khắc, tuy nhiên nhà báo Mạnh Quân (báo Sài gòn Tiếp thị) cho rằng, không phải thông tin đời tư nào của các công dân cũng quy là bí mật.

 

Ví như các cơ quan nhà nước, các cơ quan dân cử buộc phải công khai tài sản mà báo chí có thể tiếp cận được thì đương nhiên được quyền đưa tin. Hay các thông tin các cá nhân chủ động cung cấp thì không thể gọi là xâm phạm bí mật đời tư.

 

 

Đời tư nghệ sỹ:

Trí Nguyễn, người dính nghi án tình cảm với nhiều người đẹp

 

Phần lớn các nhà báo tham gia hội thảo đều cho rằng, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về bí mật đời là gì, phạm vi của bí mật đời tư thế nào… Ranh giới xâm phạm đời tư và thông tin phục vụ số đông đại chúng là hết sức mong manh.

 

Do đó, việc khai thác thông tin đời tư cá nhân trên báo chí cần bám sát các quy định pháp luật và nguyên tắc đạo đức của người làm báo.

Theo Tiền Phong.

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC