Đón Tết không stress"Năm ngoái mai không được đẹp lắm, năm nay chắc phải đi chọn sớm hơn. Rèm cửa mới thay, gần Tết chắc chỉ cần giặt sạch là đẹp. Năm nay mua nhiều lạp xưởng hơn một chút, bánh chưng mua vừa đủ cúng thôi không lại thừa..."

Cứ gần Tết là những suy nghĩ như thế này lại tràn ngập trong đầu của hầu hết "nội tướng" của các gia đình Việt Nam. Và đúng là để có được những ngày Tết vui vẻ về tinh thần, đầy đủ về vật chất thì có thể nói phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng - Thế nên hầu hết các bà mẹ ít nhiều khó tránh khỏi tình trạng stress khi mùa Tết đến.

Mà tress cũng đúng thôi, bao nhiêu là việc-không-tên, con thì lại nghỉ học, rồi thu xếp trong nhà ổn thỏa xong còn phải chạy sang giúp nhà Ngoại một tí, phụ nhà Nội một tay... Nhiều khi thấy "sợ cả Tết"! Phòng tránh căn bệnh stress ngày Tết thế nào đây nhỉ?

Dành thời gian cho bản thân

Phụ nữ Việt Nam thường dành rất nhiều thời gian cho gia đình nhưng thời gian dành cho bản thân lại khá tiết kiệm. Mùa Tết lại cũng là mùa mà người phụ nữ "cống hiến" hết sức lực cho gia đình mà đôi khi quên nhìn lại sức khỏe của mình. Vì vậy, khi mọi việc đổ dồn lên vai thì chuyện bị stress là tình huống rất dễ xảy ra.

Lời khuyên của các chuyên gia Tâm lý: Dành thời gian cho mình, không nhiều thì ít! Dù lịch sinh hoạt có dày đặc tới đâu thì cũng nên cố gắng sắp xếp các công việc thật hợp lý và dành ra một chút thời gian cho bản thân: thư giãn với bạn bè hay tận hưởng sự tĩnh lặng - miễn sao các dây thần kinh được giãn ra, tâm hồn được thả lỏng.

Giải pháp: rất nhiều chuyên gia tâm lý lựa chọn cho mình phương pháp thiền hay yoga để ngăn ngừa và giải tỏa stress, mẹ hãy thử xem.

Dọn dẹp nhà cửa: kế hoạch cả năm

Là phụ nữ, ai không thích đầu năm đón khách vào nhà được khách khen ngợi về nhà cửa cũng như những trang trí trong nhà. Thế nhưng, cái giá phải trả cho lời khen đó rất có khả năng là sự kiệt sức sau một hoặc hai ngày dồn "tổng lực" để "kết sổ" một năm bày bừa.

Lời khuyên của các chuyên gia Tâm lý: tại sao phải "dồn cục" và khổ sở với "hậu quả" như thế? Nếu có thể giữ vững "lịch vệ sinh" nhà cửa mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày thì đến cuối năm, dù có phải "tổng vệ sinh" đi chăng nữa, bạn cũng sẽ vẫn cảm thấy nhẹ nhàng. Tuy nhiên tạo dựng được thói quen này không phải là điều đơn giản, bạn sẽ cần cả sự nghiêm khắc lẫn quyết tâm, không chỉ mình bạn, mà của tất cả các thành viên trong gia đình nữa đấy!

Giải pháp:  Nếu như năm vừa qua đã "lỡ" bày bừa rồi thì cũng vẫn còn cách "chữa cháy" - Hãy huy động cả gia đình vào công cuộc dọn dẹp, chia bớt phần việc của bạn đi nhé! Một lưu ý nhỏ nữa, đừng quên thêm chén, bát và ly giấy vào danh mục mua sắm của bạn nhé, chúng sẽ thật sự hữu ích trong những ngày "khách nhiều, không người giúp việc" đấy.

Ngày xưa ăn Tết, bây giờ chơi Tết

Theo như quan niệm ngày xưa thì Tết là dịp để gia đình quây quần ăn uống những món ngon nhất trong một năm, vì thế, trước Tết, đa số nữ-nội-tướng sẽ phải tất bật đi chợ, mua sắm để những ngày Tết sẽ có thật nhiều món ngon đãi cả nhà, tiếp bạn bè...

Lời khuyên của các chuyên gia Tâm lý: Ngày nay, song song với việc "ăn Tết" đã xuất hiện nhiều trào lưu mới: chơi tết, du lịch Tết... Vì vậy, nếu được, mẹ hãy thuyết phục cả nhà ăn uống đơn giản một chút để dành thời gian thư giãn, vui chơi đầu năm.

Giải pháp: Ngoài một vài món ăn truyền thống nên có, mẹ hãy tận dụng sự tiện lợi của những món ăn sẵn như thịt nguội, xúc xích, bánh mù nhé, bên cạnh đó, mẹ cũng có thể chuẩn bị sẵn một vài loại rau củ tươi: luộc hoặc trộn salad ăn sống - vừa nhanh, gọn lại vừa bổ sung thêm rau xanh bên cạnh các "món nóng" ngày Tết.

Không trữ quá nhiều thực phẩm

Theo phản xạ tự nhiên, trước khi nghỉ Tết, các mẹ sẽ đi mua sắm và "khuân" thật nhiều đồ ăn, thức uống để dành sử dụng trong những ngày đầu năm. Mua nhiều, mua vội sẽ rất dễ xảy đến tình trạng thứ thì mua thiếu, thứ thì mua dư, thế là khi về đến nhà mẹ lại loay hoay với việc thừa - thiếu, nhiều - ít, tìm chỗ cất, tìm đồ đựng...

Lời khuyên của các chuyên gia tâm lý: Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, có không ít chợ, cửa hàng kinh doanh không nghỉ kể cả ngày Tết. Ngoài ra, hệ thống siêu thị cũng mở cửa kinh doanh rất sớm.

Vì thế, các mẹ không cần phải "mua một lèo" đâu. Hơn nữa, trữ thực phẩm quá nhiều, quá lâu cũng sẽ dễ khiến thực phẩm không còn tươi ngon, nhất là trong thời tiết nắng nóng của miền Nam.

Giải pháp: Tết cũng là dịp để các nhà sản xuất tổng kết hàng cuối năm, vì thế, ngoài việc quan tâm đến các mặt hàng trị giá, mẹ cũng đừng quên kiểm tra hạn dụng của các sản phẩm để bảm đảm mua được những thực phẩm, đồ dùng tốt nhất cho cả nhà nhé.

Bên cạnh đó, mẹ cũng nên bỏ chút thời gian lập ra danh mục những đồ dùng cần mua để tránh tình trạng "quên trước, quên sau" mẹ ạ.

Theo Tin tức online.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC