ảnh bài Du học sinh ở lại vẫn đóng góp được cho đất nước - 0 Ông Phạm Quang Hưng - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài.

Trong đó trên 90% du học tự túc. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng chỉ có số liệu về du học sinh đi học theo các chương trình, đề án do bộ quản lý, chứ không có số liệu thống kê về tỉ lệ du học sinh về nước sau khi tốt nghiệp.

Cần có sự phân biệt giữa "chưa về" và "sẽ không về"

“Một công dân lựa chọn ở lại làm việc ở một nước khác, không có nghĩa là họ sẽ không thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, luôn ghi nhận sự đóng góp to lớn của các kiều bào tại nước ngoài”.

Ông Phạm Quang Hưng - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quang Hưng - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài - lý giải Bộ GD-ĐT không có số liệu đầy đủ về việc lưu học sinh ở lại hay về nước, ngay cả các đại sứ quán cũng khó nắm được con số này vì quy định về xuất nhập cảnh với du học sinh của các nước khác nhau.

Ngoài ra, để tính được tỉ lệ này cần có sự phân biệt giữa việc “chưa về” và “sẽ không về”. "Có em học xong có thể làm việc một thời gian tại nước ngoài để có thêm kiến thức, kinh nghiệm rồi mới về nước. Cũng có em ở lại học chuyển tiếp lên các chương trình cao hơn rồi mới về Việt Nam công tác. Với những em này, thời gian học kéo dài và không thể tính ngay vào danh sách không về Việt Nam sau khi tốt nghiệp - ông Hưng phân tích.

Vậy “13 cháu đi du học, 12 cháu không trở về” liệu có phản ánh đầy đủ tình trạng có quá nhiều du học sinh đã ở lại nước ngoài, không trở về nước?

Theo ông Hưng, du học sinh Việt Nam cũng như bất kỳ du học sinh ở một quốc gia nào trên thế giới khi sang một quốc gia khác du học sẽ có ba lựa chọn: Trở về Tổ quốc công tác ngay sau khi kết thúc chương trình đào tạo theo định hướng cá nhân hay những cam kết trước đó với đơn vị cử đi học; học lên cao hơn hoặc làm việc thêm một thời gian nữa tại nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm quốc tế, sau đó trở về công tác tại Việt Nam; hoặc do yêu mến văn hóa, gắn kết xã hội hay tìm được những cơ hội việc làm tốt có thể định cư tại nước ngoài lâu dài.

Như vậy, việc lựa chọn trở về hay ở lại tùy thuộc vào quan điểm và hoàn cảnh của mỗi người. Trên thực tế, cũng đã có nhiều du học sinh cũng như chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài lựa chọn làm việc tại Việt Nam dài hạn sau khi sang Việt Nam tham gia các dự án hoặc chương trình đào tạo...

Như vậy, nếu nhận định “đa số học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài chọn con đường ở lại” là chưa chính xác vì chưa có cơ sở để xác định việc du học sinh không về hay chưa về nước còn chưa rõ ràng”- ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng thừa nhận đúng là có hiện tượng một số du học sinh nhận học bổng từ nguồn ngân sách nhà nước lựa chọn ở lại nước ngoài. Theo đó với trường hợp này, Bộ GD-ĐT đã áp dụng các quy định hiện hành để yêu cầu du học sinh bồi hoàn kinh phí. 

Môi trường làm việc trong nước còn nhiều rào cản

Du học sinh ở lại vẫn đóng góp được cho đất nước - 1

PGS.TS Trương Hoàng Anh - Ảnh: nhân vật cung cấp

PGS.TS Trương Anh Hoàng - Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ thời điểm gần 10 năm trước khi nhận bằng tiến sĩ ngành công nghệ thông tin tại Na Uy, ông cũng từng có ý định ở lại, tiếp tục thực hiện dự án nghiên cứu theo lời mời của thầy hướng dẫn. Sau này vì lý do gia đình, ông phải về nước, nhưng trong thâm tâm khi ấy thực chất vẫn nung nấu sau khi giải quyết xong việc cá nhân sẽ trở lại Na Uy.

Trong ba người cùng du học Na Uy ngành công nghệ thông tin thời gian đó, cuối cùng chỉ mình ông Hoàng trở lại môi trường làm việc trong nước, còn một người ở lại ngay sau khi tốt nghiệp, một người khác dù đã về Việt Nam nhưng sau lại tìm ra nước ngoài.

Lý giải về ý định khi đó của mình, PGS Hoàng cho biết ông nhận thấy môi trường làm việc tại nước ngoài thuận lợi hơn hẳn cho mục tiêu muốn chuyên tâm nghiên cứu. “Ở Na Uy - nơi tôi làm nghiên cứu sinh - các giáo sư hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình có thể chuyên tâm vào công việc khi mức lương đảm bảo được cho cuộc sống cả gia đình. Trong khi đó về Việt Nam, mức lương và môi trường làm việc hạn chế hơn nhiều. Người ta khó chuyên tâm vào việc nghiên cứu và thường phải tìm thêm cơ hội công việc bên ngoài…” - ông Hoàng nói.

Trong khi đó, anh Dũng Lê (26 tuổi, cựu sinh viên khóa 2013-2015 Trường ĐH Latrobe, Úc) lý giải quyết định ở lại vì ngoài môi trường làm việc lý tưởng, nhiều cơ hội phát triển, thì điều kiện sống cùng các dịch vụ công đảm bảo cho anh có được cuộc sống dễ chịu, thoải mái hơn rất nhiều so với về nước, rồi cố tìm, xin một chỗ làm. Hai người bạn trọ cùng nhà, học cùng ngành, cùng khóa với Dũng Lê tại Trường ĐH Latrobe cũng có nguyện vọng được ở lại như anh.

Du học sinh ở lại vẫn đóng góp được cho đất nước - 2

Dũng Lê, 26 tuổi, cựu sinh viên khóa 2013-2015 - Ảnh: nhân vật cung cấp

Còn TS Đỗ Thành Trung (32 tuổi, hiện đang công tác tại Công ty Vinaconex- PVC) chia sẻ dù từng có ý định ở lại sau thời gian làm nghiên cứu sinh tại Pháp, nhưng lựa chọn cuối cùng của anh lại là trở về quê hương.

TS Trung lý giải lý do quan trọng và có ý nghĩa lớn nhất cho quyết định trở về chính là gia đình. Theo TS Trung, không ít bạn bè cùng lứa với anh sau khi du học cũng đã trở về vì “không có sự lựa chọn khác” do không xin được việc hoặc có công việc ở nhà đã ổn định; không phù hợp văn hóa phương Tây, muốn sống gần gia đình...

Riêng những người ở lại phần lớn do thích cuộc sống yên bình, không nhiều bon chen, có thể hòa nhập tốt với cuộc sống người bản địa.

Trong đó, có những người rất giỏi làm chuyên ngành nghiên cứu giảng dạy, muốn ở lại vì có điều kiện làm việc, cống hiến trong môi trường khoa học chuyên nghiệp thực thụ, không phải bận tâm suy nghĩ đến cuộc sống thường nhật.

TS Trung cũng thẳng thắn chia sẻ rằng môi trường xã hội còn nhiều rào cản như hiện tượng “con ông, cháu cha”, cơ chế xin cho còn quá nặng nề, đãi ngộ so với mức sống chưa đảm bảo… dẫn đến người lao động không chuyên tâm làm việc.

Cách nào để ngăn “chảy máu chất xám”?

Du học sinh ở lại vẫn đóng góp được cho đất nước - 3 GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết  - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng không riêng gì những nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia không về nước sau khi đã hoàn tất khóa học tại nước ngoài, nhiều người du học bằng con đường khác nhau như học bổng tự xin, tự túc, thậm chí bằng học bổng ngân sách cũng tìm cách ở lại nước ngoài. 

Theo GS Thuyết, để hút du học sinh nói chung trở về và đặc biệt thu hút nhân tài thì không có giải pháp tức thì nào hiệu quả.

“Chúng ta cần giải pháp lâu dài, căn cơ, thực chất. Đó là cải thiện về chính sách nhân sự, chống lại tất cả tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ, chống tình trạng lãng phí cán bộ. Cần chọn người thực tài, đồng thời trao cho người sử dụng lao động được chủ động trả lương, đưa ra đãi ngộ xứng đáng theo đóng góp của người lao động, chứ không thể “cào bằng” theo kiểu ba năm lên lương một lần, ai cũng như ai...

Điều quan trọng không kém chính là phải cải cách mạnh hơn nữa bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính để người dân thấy quyền công dân được tôn trọng thực sự, có được sống cuộc sống yên ổn, không bị phiền hà, được pháp luật bảo vệ...”- GS Thuyết chia sẻ.

GS Thuyết kể trong một lần trò chuyện, GS Thomas Vallely- cố vấn Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright (Đại học Harvard)- chia sẻ Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ chính sách nhân sự, nếu không sẽ không thể thu hút người tài, những người đã có thời gian du học ở nước ngoài. 

GS Thuyết cho rằng nếu soi vào thực tế thì thấy không chỉ điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến hạn chế, mà nhiều du học sinh mong muốn ở lại vì “ngại” sẽ phải va chạm với những bức xúc hàng ngày khi họ trở về nước, khi xin giấy tờ, làm thủ tục hành chính đều rất khó khăn, còn ở nước ngoài thì những việc này lại vô cùng đơn giản, dễ chịu.

Dưới góc nhìn một trí thức trẻ, TS Đỗ Thành Trung nhận định để ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám, trước hết cần phải phát hiện được người tài, đặt họ vào đúng vị trí làm việc phù hợp năng lực, tính cách và nhu cầu cá nhân.

Theo TIENPHONG




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC