altĐờn ca tài tử Nam Bộ lâu nay luôn được xem là đặc sản quý của Bạc Liêu trong việc phục vụ cho du lịch. Tuy nhiên việc khai thác và ứng dụng "đặc sản" này ở các địa chỉ du lịch của tỉnh đến nay vẫn chưa được mặn mà...

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra mắt công chúng trong và ngoài tỉnh năm 2009 nhân dịp tỉnh long trọng kỉ niệm “90 năm ra đời bản Dạ Cổ Hoài Lang (DCHL)”, đó là niềm vui không chỉ của giới mộ điệu gần xa mà còn là điểm nhấn của ngành Du lịch tỉnh nhà.

Với tổng kinh phí lên đến 6,3 tỷ đồng, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu được đầu tư với số vốn đứng hàng “top” ở Bạc Liêu từ trước đến nay.

Đến với khu lưu niệm này, du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý giá liên quan trực tiếp đến sự ra đời, phát triển của bài DCHL và bài vọng cổ sau này, thế nhưng minh chứng sống động nhất để thuyết phục du khách là chương trình đờn ca tài tử để phục vụ họ thì lại... chưa có. Tại khu lưu niệm này có một phòng để giao lưu đờn ca tài tử, thế nhưng nguồn nhân lực thì cũng... chưa có.

Đến tham quan khu lưu niệm này, du khách chỉ thấy đó là một căn phòng thường xuyên “cửa khóa then cài”. Để phát huy loại hình đờn ca tài tửã trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói ở Bạc Liêu, tỉnh đã thành lập hẳn 5 đội đờn ca tài tử phục vụ nhu cầu phát triển du lịch tại các khu di tích lịch sử- văn hóa của cả tỉnh nhưng đến nay, các đội này vẫn chưa chuyển động khi chưa có một cơ chế hoạt động cụ thể...

Tương tự như vậy, tại khu di tích lịch sử Nọc Nạng ở huyện Giá Rai, nhu cầu được thưởng thức đờn ca tài tử của du khách đến đây tham quan nhiều khi chưa được đáp ứng một cách chu đáo, dù trên danh nghĩa ở đây cũng có một đội đờn ca tài tử. Do không có cơ chế hoạt động, không có khoản trợ cấp nào nên cũng khó đòi hỏi nhiệt tình của các thành viên trong đội đờn ca tài tử chuyên phục vụ cho khu di tích này.

Ông Nguyễn Lâm Tòng, tổ trưởng tổ quản lý di tích cho biết: “Nếu đoàn khách có nhu cầu và đăng ký trước thì mới tập hợp đội lại phục vụ nhưng việc tập hợp nhiều khi cũng gặp khó khăn do họ bận bịu làm ăn ở gia đình”.

Ngành chức năng tỉnh đã có một tầm nhìn rộng trong việc phát huy giá trị của đờn ca tài tử Nam Bộ vào nhiệm vụ phát triển du lịch ở địa phương, nhưng đáng tiếc cho đến bây giờ, việc “ứng dụng” ấy vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Tỉnh không thiếu nhân tài trên lĩnh vực đờn ca tài tử, còn du khách đến tham quan Bạc Liêu -xứ sở là một trong những chiếc nôi của bài vọng cổ- thì luôn mong mỏi được nghe ca trên chính mảnh đất nó đã được sinh ra; vậy thì tại sao không sớm tính toán biện pháp tối ưu để vừa phát huy lợi thế sẵn có, vừa phục vụ tận tình nhu cầu du khách đến với Bạc Liêu?

Theo VH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC