“Muốn trở thành đầu bếp chuyên nghiệp phải tự tay sơ chế rất nhiều nguyên liệu tươi sống khác nhau nên chỉ trích thí sinh nữ ác độc là quy chụp”, độc giả Phan Khang chia sẻ.
Là người rất mê nấu nướng và có chút năng khiếu nấu ăn, chị Khang từng tự tìm hiểu trên mạng, xem các clip của các đầu bếp nổi tiếng, học hỏi để nấu những món ngon và hiểu điều cơ bản nhất của một người đầu bếp là lựa chọn nguyên liệu và sơ chế thức ăn. Chị đã dần bỏ mơ ước trở thành đầu bếp chuyên nghiệp vì không đủ can đảm làm một con lươn, ếch còn sống.
“Tôi loay hoay mãi vẫn không dám đụng vào con lươn hay ếch, khi quyết tâm cầm vào con lươn, nó co mình quằn quại trong tay, tôi đã khóc thét lên và bỏ chạy một mạch về nhà. Tôi tự động viên mình nhiều lần nhưng cuối cùng đành từ bỏ vì muốn trở thành người nấu ăn ngon và giỏi, tôi phải tự tay làm rất nhiều loại con vật khác, như vậy thật nhẫn tâm, gớm ghiếc. Tôi biết chắc chắn nhiều người sẽ chửi tôi là đạo đức giả khi đọc những dòng này nhưng các bạn khoan bình luận vì tôi có lý do riêng”, chị bộc bạch.
Theo dõi chương trình Vua đầu bếp trên sóng VTV3 tập chiếu thứ 7 ngày 20/9, chị Khang thấy nữ thí sinh chặt đầu baba khiến dư luận dậy sóng là tàn nhẫn, ác độc… Thế nhưng, chị lại nghĩ điều này rất bình thường. Sơ xuất nằm ở người biên tập chương trình có thể không kỹ lưỡng khi chưa bỏ qua cảnh quay này vì nấu ăn là phải sơ chế nguyên liệu, lỗi này hoàn toàn có thể tha thứ được, không đáng phải chỉ trích họ nặng lời như vậy.
Khang nói, mỗi người Việt Nam từ ngày học mẫu giáo đến Đại học đều được dạy như thế nào là người tốt và xấu. Khi lên cấp 1 đã có môn Đạo đức, cấp 2, 3 vẫn có môn Giáo dục công dân, vào đại học lại có các môn học về tư tưởng gắn liền. Vì vậy, với những lời chỉ trích giết chết baba là ác độc, ghê sợ chị không đồng tình vì ai chẳng biết làm như thế nào là ác độc, như thế nào là lương thiện. Tuy nhiên, Vua đầu bếp là một cuộc thi, vì sao khi thí sinh sơ chế tôm hùm, cua, ghẹ, cá sống không ai lên tiếng? Phải chăng chúng không phải là động vật?
Là người sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, Phan Khang thường xuyên thấy người trong làng làm thịt gà, vịt, trâu… khi nhà có đám giỗ, đám cưới. Hay khi chị xem các chương trình truyền hình của nước ngoài cũng thấy cảnh như vậy, không ai bị chửi mắng thậm tệ như ở Việt Nam.