Đường hoa Nguyễn Huệ TP.HCM hướng về Thăng Long nghìn nămNét mới của đường hoa Nguyễn Huệ, TP.HCM Tết Canh Dần 2010 là dành riêng một phân đoạn hoa để hưởng ứng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phân đoạn hoa này có tên gọi Hướng về Thăng Long, từ đường Hải Triều đến đường Tôn Đức Thắng hướng ra phía sông Sài Gòn lộng gió. Hướng về Thăng Long được bắt đầu với những chiếc trống đồng trên thảm hoa rực rỡ và kết thúc bằng một làn sóng hoa thể hiện sự vươn tới.

Đường hoa Nguyễn Huệ TP.HCM hướng về Thăng Long nghìn năm_0
Khu vực Hướng về Thăng Long bắt đầu với những chiếc trồng đồng, kết thúc bằng làn sóng hoa.

Sóng hoa ở đây không tả thực mà biểu thị cho hình ảnh Thăng Long - rồng bay bằng những đường lượn hùng vĩ, cùng với quả châu khổng lồ kết bằng hoa. Đường lượn này cũng là những con sóng lớn dần ra biển cả. Tất cả thể hiện niềm vui lớn của dân tộc, cầu chúc sự an lành và thành công trong năm mới.

Khu vực mở đầu của đường hoa Nguyễn Huệ mang tên Xuân yêu thương bắt đầu từ đường Lê Lợi đến đường Mạc Thị Bưởi được thiết kế đậm không khí mùa xuân. Một đôi hổ được đặt tại đây - linh vật của năm Canh Dần uy nghi, dũng mãnh phủ phục dưới gốc cổ thụ.

Đường hoa Nguyễn Huệ TP.HCM hướng về Thăng Long nghìn năm_1
Đại cảnh với đôi hổ bằng sơn mài mở đầu đường hoa.
 Đơn vị thực hiện cho biết, đôi hổ trong cụm đại cảnh này được làm bằng sơn mài do nghệ nhân Nguyễn Minh Phương, người đã sáng tác nhiều tác phẩm độc đáo cho đường hoa Nguyễn Huệ trong nhiều năm qua, chế tác.

Xuân yêu thương có sắc thái gần gũi thiên nhiên với không gian xanh giữa phố, với những tiểu cảnh như tre xoay, rừng đước, kén hoa, gùi hoa... Ngoài các "hiện vật" thật, sống, các vật liệu sử dụng tại đây đều từ thiên nhiên như gỗ, đá...

Đường hoa Nguyễn Huệ TP.HCM hướng về Thăng Long nghìn năm_2
Chất liệu chủ yếu từ thiên nhiên.

Hình tượng hổ còn xuất hiện tại các khu vực khác, đặc biệt tại phân đoạn Sức mạnh đoàn kết từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Ngô Đức Kế. Cũng như các năm trước, linh vật của năm Canh Dần được tạo hình bằng nhiều loại chất liệu, từ bằng hoa đến gỗ, đồng, đặc biệt là những chú hổ làm bằng vỏ cây và cừ tràm.

Đường hoa Nguyễn Huệ hàng năm thu hút rất đông lượng khách tham quan là Việt kiều về ăn Tết ở quê nhà. Thế nên, "đặc sản" không thể thiếu của đường hoa này là khu vực tiểu cảnh gợi nhớ hình ảnh thôn quê Việt Nam. Khu vực này năm nay có tên Góc quê hương với những thửa ruộng với lúa thật được trồng trổ bông trĩu hạt, những ụ rơm vàng, những chiếc gùi đầy ắp bắp (ngô), guồng nước kết hoa...

Đường hoa Nguyễn Huệ TP.HCM hướng về Thăng Long nghìn năm_3
Guồng nước kết hoa tại phân đoạn Góc quê hương.
 Phân đoạn Góc quê hương cùng với khu vực tiểu cảnh dành riêng cho ngày lễ tình nhân 14/2 trong phân đoạn Xuân yêu thương là những nơi được đơn vị thực hiện khẳng định sẽ được thiết kế phù hợp cho khách tham quan thuận tiện trong việc chụp ảnh lưu niệm.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Canh Dần 2010 sẽ thi công từ ngày 20 tháng Chạp (3/2), mở cửa phục vụ công chúng từ 28 tháng Chạp (11/2) đến mùng 4 Tết. Công trình do UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức; Saigon tourist chủ trì thực hiện; Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM thiết kế; làng du lịch Bình Quới, Công ty Công viên cây xanh và Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM phối hợp thi công.

Theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC