Festival Huế 2010: Nhiều lễ hội mới, phục vụ tận nơiNhiều lễ hội, chương trình văn hóa diễn ra mấy ngày qua được đông đảo du khách đánh giá là mới lạ, có quy mô lớn, chất lượng nghệ thuật cao. Tuy nhiên, một số “hạt sạn” khiến lượng người xem không đông như kì vọng.

Đêm hội Hành trình mở cõi, lễ hội Cuộc thao diễn thủy binh của các chúa Nguyễn lần đầu tiên có mặt trong festival Huế, trong khi lễ khai mạc, chương trình Hơi thở của nước, lễ tế đàn Nam Giao… có quy mô hoành tráng, đậm chất nghệ thuật.

Mới lạ, gần khán giả hơn

Hành trình mở cõi diễn ra tối 10/6 với sự tham gia của 1.000 diễn viên trên sân khấu lớn nhất Việt Nam - 6 tầng dài 400 m từ mặt nước Hộ Thành Hào tới chân Cột cờ. Trong không gian nghệ thuật có đủ yếu tố kiến trúc thành - trì, môn - kiều và hiệu ứng ánh sáng lạ mắt, các nghệ sĩ làm sống lại sự kiện Huyền Trân công chúa kết hôn với vua Chăm, sự phát triển của nhà Nguyễn, công lao của vua Quang Trung và những chiến công hiển hách trong thời đại Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói: “Đêm hội Hành trình mở cõi được tổ chức có ý nghĩa giúp cho mọi người hiểu rõ hơn các giai đoạn lịch sử của dân tộc, sự khai mở đất nước Đàng trong và đặc biệt là khẳng định lãnh hải Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, để thế hệ hôm nay có trách nhiệm hơn trong gìn giữ và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”.

Tối 9/6, Cuộc thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn được tổ chức với sự góp mặt của gần 1.300 diễn viên và 76 chiến thuyền, trong đó có 1 thuyền lớn chở chúa Nguyễn. Tâm điểm của lễ hội là thao diễn thủy binh trong màn pháo hoa làm dậy sóng sông Hương thơ mộng. Ngược với không khí chiến trận là không gian sâu lắng, trữ tình của Hơi thở của nước - chương trình biểu diễn hội tụ nhiều di sản âm nhạc cổ truyền như: ca Huế, ca trù, chèo, dân ca quan họ…

Hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn diễn ra trên nhiều ngả đường thành phố Huế, gần gũi với người xem. Nhiều đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước về tận trung tâm các huyện, trong đó có huyện miền núi A Lưới và Nam Đông, biểu diễn phục vụ bà con. Tối 8.6, hàng nghìn người dân tập trung ở thị trấn Tứ Hạ để xem đoàn Yangpyeong (Hàn Quốc) biểu diễn. Bà Nguyễn Thị Mai nói: “Tui nghe không hiểu gì, tuy nhiên đoàn nghệ thuật ni về thị trấn hát là bà con mừng lắm”.

Khách quốc tế không nhiều

Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2010, nói: “Tất cả lễ hội năm nay chung một mục đích là thu hút du khách bằng những bất ngờ mới mẻ và hoàn thiện. Khách quốc tế có khả năng không nhiều nên chúng tôi tập trung thu hút khách du lịch trong nước đến với festival”.

Theo báo cáo của Ban tổ chức Festival Huế 2010, trong 3 ngày đầu (5-7/6), số khách lưu trú khách sạn đều tăng so với năm 2008 (tương ứng 119,9%-115,1%-126,6%); lượng khách lưu trú tại nhà dân chưa có thống kê cụ thể nhưng rất đông. Tuy nhiên, năm nay tình trạng “cháy phòng” không tái diễn. Ông Đinh Xuân Giang, Giám đốc Khách sạn Newstar (3 sao) ở thành phố Huế, cho biết: “Lượng khách du lịch đến ở không như kì vọng của chúng tôi, chỉ đạt khoảng 80% và hầu như không có khách Tây. Nếu so với festival lần trước thì không bằng”. Một trong những nguyên nhân chính là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo nhiều du khách và nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên nhân khác là một số lễ hội không có nét mới, trong khi công tác quảng bá còn yếu. Lễ hội Hương xưa làng cổ ở làng Phước Tích và Chợ quê ngày hội ở xã Thủy Thanh không hút khách như những festival trước vì hoạt động trọng tâm vẫn là tham quan nhà cổ, trưng bày đồ thủ công, hát bài chòi, giã gạo… Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Trọng Sâm nhận xét: “Hương xưa làng cổ năm nay đã không phát huy được những giá trị vốn có của ngôi làng di sản. Sức quảng bá của lễ hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, lễ hội còn thiếu việc gắn kết quyền lợi của người dân ở địa phương nên không được đông đảo người dân tham gia”.


Theo ĐV.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC