Sóng truyền hình quốc gia, thời gian vàng ngọc của khán giả, sự kỳ vọng cho nền điện ảnh - truyền hình trong nước phát triển… không cho phép dung dưỡng ngày càng nhiều bộ phim dở, khiến khán giả quá ngán ngẩm như hiện nay.

Lãng phí giờ "vàng", càng xem càng… nản

Đang có không ít hơn 3 bộ phim đang chiếu trên sóng truyền hình quốc gia vào giờ vàng, giờ bạc hiện nay bị rất nhiều khán giả la ó, phản đối. Đó là Những người độc thân vui vẻ (trên VTV3 lúc 21 giờ các ngày thứ Năm, thứ Sáu); Cõ lẽ nào ta yêu nhau (trên VTV1 vào 20h10 các ngày trong tuần); 13 nữ tử tù (trên VTV3 chương trình Rubic 8)…

Khi nghe nhắc lại thông tin bộ phim sitcom (hài tình huống) Những người độc thân vui vẻ được phía Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài truyền hình Việt Nam lên kế hoạch thực hiện khoảng 500 tập, không ít người sẽ há hốc vì… hãi hùng (!).

Giờ
Cảnh trong phim Những người độc thân vui vẻ
Giờ
Đạo diễn Khải Anh (trái) trên trường quay bộ phim
Sau phần 1 mua bản quyền của bộ phim đang rất ăn khách tại Thượng Hải là Ngôi nhà mới trong nắng, khi đem về VN, đạo diễn Đỗ Thanh Hải quy tụ êkíp diễn viên là các “danh hài phía Bắc” để thực hiện và kết quả là phim càng phát càng… đuối dần như chương trình “Gặp nhau cuối tuần” ngày nào.

So với kế hoạch đề ra hàng trăm tập thì những người “chủ trì” bộ phim này sẽ phải “tiêu xài” phần còn lại thế nào? Đó là điều phải tính đến vì phim vẫn đang dở dở dang dang, chưa đâu vào đâu. Kết quả là phần 2 ra đời với kịch bản đóng mác “tự sản xuất” và đạo diễn trẻ Khải Anh (con đạo diễn Khải Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài truyền hình Việt Nam mới về hưu chưa lâu).

Và sau những tập phim mệt mỏi của phần 2, Những người độc thân vui vẻ đã mang đến nỗi buồn rầu vì thất vọng cho rất nhiều khán giả. Dẫu phim vẫn thu hút được lượng quảng cáo nhất định, theo một cách nào đó, nhưng từng tập phim này đến hẹn lại lên thử thách lòng kiên nhẫn của khán giả. Quá nhàm chán và nhạt nhẽo là những gì để nói về nội dung của bộ phim dở đang chễm chệ suốt tuần này sang tuần khác trên giờ “vàng” này.

Có người gõ lệnh tìm kiếm về bộ phim Những người độc thân vui vẻ trên công cụ Google, bất ngờ khi thấy không có một bài báo hay một diễn đàn nào bình luận về bộ phim này trong vòng 4 tháng trở lại đây. Thật buồn là người ta đã chán không muốn nhắc đến nó nữa… Vì vậy mà câu hỏi có nên dừng phát sóng Những người độc thân vui vẻ gửi đến nhà Đài vào lúc này cũng là điều cần thiết. Vì không có lý do gì để “nối dài” việc gửi đến khán giả một “món ăn” quá dở hết tuần này sang tuần khác.

Có lẽ nào ta yêu nhau (đạo diễn Tống Thành Vinh) cũng là một phim dài tập đã không thành công khi “Việt hóa” khi mua bản quyền từ Hàn Quốc. Còn 13 nữ tử tù do Lưu Trọng Ninh đạo diễn, với với kịch bản “nội” nhưng chính diễn viên thủ vai nữ tù trong phim đã phải nói rằng: "Cảm giác của tôi khi bật TV lên xem "13 nữ tù" sau vài phút là "quá nản", tôi chỉ xem vài cảnh rồi chán ngán tắt đi luôn. Nếu nói không quá lời thì phim giống như một chiếc áo đẹp đẽ đã bị cắt thành một đống vải vụn. Tôi cảm thấy tiếc cho công sức của cả đoàn phim”.

Rõ ràng, nhiều cảnh quay đẹp, nhiều diễn viên đẹp ở hai phim này vẫn là chưa đủ cho các yếu tố cấu thành nên những bộ phim có giá trị.

Giờ
Giờ
Cảnh trong phim 13 nữ tử tù
Để khán giả khỏi bị… bội thực vì món ăn dở?

Phim truyền hình nói riêng và phim Việt Nam nói chung đã và đang được khuyến khích sản xuất để cần bằng lại với sự lấn át của phim nước ngoài. Thế nhưng đến thời điểm này, thật tiếc rằng, các công ty sản xuất phim đông hơn, phim nhiều hơn, chen nhau lên sóng giờ “vàng” vẫn chưa đủ sức tạo nên sức hấp dẫn khán giả Việt, chính vì chất lượng “thụt lùi” của nhiều bộ phim.

Một “hiệu ứng ngược” xảy ra là chúng ta có nhiều phim nhưng phim lại dở thì sẽ nhanh làm khán giả… bội thực. Chủ trương “kích cầu” phim Việt và ưu ái giờ “vàng” cho phim Việt không phát huy được ưu thế và bộc lộ tác dụng của nó mà vô hình chung, những “con sâu làm rầu nồi canh” còn làm cho khán giả ngao ngán.

Có phim như Xin lỗi tình yêu trên VTV1 (phát xen kẽ với Có lẽ nào ta yêu nhau) nếu không có ý kiến của người xem chắc nhà Đài vẫn để cứ mở đầu phim là lại nghe ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cất lên bài “Xin lỗi tình yêu” não nề, không ngỡ có thể dùng để “tuyên truyền” trên kênh thời sự - chính trị - xã hội tổng hợp trên sóng truyền hình quốc gia!

Nhìn sang một số phim nước ngoài khác, chẳng hạn như hiện tại là Những nàng công chúa nổi tiếng của Hàn Quốc, không cần giờ vàng, mà chiếu vào giờ “đồng”, giờ “chì” (hơn 22h đêm trên VTV3) vẫn khiến khán giả già trẻ háo hức đón xem từng tập một. Nói vậy để thấy rằng giờ “vàng” là một chuyện nhưng chất lượng có “vàng” không mới là vấn đề đáng quan tâm hơn.

Giờ
Giờ
Cảnh trong phim Có lẽ nào ta yêu nhau
Đài Truyền hình, các công ty sản xuất phim, các nhà làm phim phải làm gì để chấm dứt tình trạng khán giả phải chán nản với phim Việt giờ “vàng”?

Làm gì để giảm bớt đi những bộ phim dở hơn, tệ hơn - có thể gọi một cách mỉa mai là phim “đồng nát” - tiếp tục bám sóng trong tương lai?

Đó là vấn đề cần sớm được tháo gỡ, để phim truyền hình Việt Nam, nhất là phim dài tập, với tiếng tăm và uy tín riêng, không phải cất lời rao “Ai xem phim giờ “vàng” đê…” quá nhiều mà khán giả vẫn háo hức đón chờ…

Theo TTO.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC