Giám khảo Việt: Trịch thượng, suồng sã = vạ miệng? “Người ngu nhất chính là người chọn nghề làm giám khảo” - đó là câu đúc rút đầy ngậm ngùi của một nhạc sĩ sau khi rời ghế nóng vì chuyện vạ miệng và bị dư luận ném đá tơi bời.

 Thời gian gần đây, hàng loạt các chương trình truyền hình, gameshow, truyền hình thực tế xuất hiện. Và một trong những vị trí tạo sức hút, tăng độ nóng của chương trình là đội ngũ giám khảo, những người đảm nhận vai trò cầm cân nảy mực trong mỗi cuộc chơi. 

Ngoài giỏi và có kiến thức chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó, những người được lựa chọn ngồi ghế nóng còn phải là người vừa bản lĩnh vừa có duyên ăn nói, khiếu hài hước. Tuy nhiên, không phải giám khảo lúc nào cũng 100% chuẩn chỉ và làm hài lòng được số đông công chúng. Nhất là khi cái tôi của họ mạnh mẽ thì việc vạ miệng là điều xảy ra như cơm bữa.

“Làm make-up nhục lắm hay sao mà đi làm người mẫu?”


Câu nói ấy phát ra từ một người bình thường đã rất khó nghe vậy mà lại từ miệng của người trong giới showbiz, lại là người ngồi ở ghế giám khảo thì quả thực rất khó chấp nhận. Thế nhưng đó lại là sự thực đáng buồn xảy ra trong một buổi casting của cuộc thi Vietnam’s Next Top Model 2013. Và chủ nhân của câu nói ấy là giám khảo, chuyên gia trang điểm Nam Trung, người đã đi theo cuộc thi ngay từ mùa đầu đến nay. 

Giám khảo Việt: Trịch thượng, suồng sã = vạ miệng?_0

Nam Trung gặp "bão" với câu nói "Làm make-up nhục lắm hay sao mà đi làm người mẫu?"

Nạn nhân là một thí sinh từng trải qua công việc của một chuyên viên trang điểm trước khi đến với Vietnam's Next Top Model để thử sức mình trong vai trò người mẫu. Sau phần thi, thay vì dành những lời động viên, khuyến khích cho sự cố gắng nỗ lực của thí sinh này hoặc đưa ra những nhận xét khen – chê một cách công tâm, giám khảo Nam Trung lại đặt ra câu hỏi gây “sốc toàn tập”: "Làm make-up nhục lắm hay sao mà đi làm người mẫu?”.

Câu nói trên ngay lập tức gặp phải phản ứng dữ dội từ phía dư luận. Đa số đánh giá rằng vị giám khảo này đã miệt thị thí sinh, bôi nhọ danh dự của người khác, nhất là khi anh cũng làm nghề trang điểm. Thậm chí có bạn đọc còn comment như vậy chẳng khác nào “giám khảo tự đưa tay vả vào mặt mình”. Ở góc độ hài hước, nhiều bạn trẻ còn chế những câu nói ám chỉ giám khảo này: “Làm make-up nhục lắm hay sao mà đi làm giám khảo”, “Làm đàn ông nhục lắm hay sao mà mặc váy”…

Phải chăng đó chỉ là câu nói đùa của Nam Trung? Phải chăng anh đang bênh vực cho nghề nghiệp của mình khi có quá nhiều người không đủ sự kiên trì để theo đuổi nó như anh? Phải chăng đây là “chiêu” khích thí sinh để họ vì “nóng mũi” mà mạnh dạn bộc lộ những cá tính tiềm ẩn trong mình?... 

Nhưng đùa cũng không thể khiếm nhã như thế. Bênh vực thì lại càng không thể chỉ bằng lời nói đầy vẻ gay gắt. “Khích” thí sinh cũng đâu cần một sự phán xét nào. Dẫu động cơ thực sự của lời nói này là gì đi chăng nữa thì chung quy vẫn nằm ở 2 chữ “vạ miệng”.

Bởi dù ở góc độ nào, câu nói trên cũng rất khó tìm được sự đồng cảm từ bất cứ ai. Nhất là lại từ một giám khảo của cuộc thi, một vị trí đòi hỏi cái tâm và cái tầm của người chấm thi, đòi hỏi sự nghiêm túc và chuẩn mực để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

Trịch thượng, suồng sã mới là giám khảo?

Có một thực tế rằng, nhiều sao Việt khi được mời làm giám khảo thường cố chứng tỏ mình là người đi trước, là người kinh nghiệm đầy mình, là người có tư cách phán xét người khác. Thế nên mới có trường hợp giám khảo tỏ ra khá trịch thượng hay không tiếc lời mắng nhiếc thí sinh. 

Cũng vẫn là câu chuyện của Vietnam’s Next Top Model, cũng vẫn là giám khảo. Nam Trung, Đỗ Mạnh Cường hay Xuân Lan, những người theo cuộc thi này 2, 3 mùa qua đã có không ít màn tỏ vẻ trịch thượng, bề trên như: “Khá khen cho em” hay đuổi thẳng cổ: "Em bước ra khỏi phòng ngay cho tôi".

Đến tận mùa mới, khi Xuân Lan đã không còn ngồi ghế nóng của Vietnam’s Next Top Model 2013 nữa mà câu nói “bất hủ” của chị vẫn chưa được xóa bỏ: “Tôi nói với em mà cái mặt em cứ trơ trơ ra thôi, em không để cho chúng tôi biết em có lắng nghe không nữa”. 

Không chỉ riêng Nam Trung, Xuân Lan mà rất nhiều giám khảo của những chương trình khác cũng gặp lỗi “vạ miệng” tương tự như nhà thơ Đỗ Trung Quân (Sao Mai điểm hẹn 2004), Siu Black, Lê Minh Sơn (Cặp đôi hoàn hảo), Đàm Vĩnh Hưng, Trần Lập (The Voice)… 

Giám khảo Việt: Trịch thượng, suồng sã = vạ miệng?_1

Nhạc sĩ Trần Tiến và vụ vạ miệng nhớ đời

Nhạc sĩ Trần Tiến, tác giả của những bài hát Mặt trời bé con, Vết chân tròn trên cát, Hà Nội những năm 2000… đầy chất thơ, đầy ý nhị cũng bị sao quả tạ chiếu khi “ham chơi” ngồi ghế giám khảo khách mời của Bước nhảy hoàn vũ. 

Trong phần thi của người mẫu Vũ Thu Phương, nhạc sĩ nhận xét: “Style của bài này là nóng bỏng cơ. Tôi đang chờ cái mông của cô ấy nóng bỏng mà mãi không có”. Khi đến phần biểu diễn của diễn viên Hứa Vỹ Văn, Trần Tiến lại chê chàng ca sĩ này “đàn bà” vì cười nhiều quá: “Đàn ông thì phải mạnh mẽ lên, cười ít thôi. Cười nhiều giống đàn bà quá!”

Cho tới phần thi của ca sĩ Thủy Tiên, vị giám khảo lại một lần nữa khiến mọi người cảm thấy choáng váng khi nhận xét: “Tôi thấy múa đẹp đấy. Múa rất đẹp đấy. Nhưng có một điều mà tôi thật sự không hiểu, đó là anh bạn trai nhảy áp mặt vào đâu mà bây giờ mặt đầy những vết của ngực người con gái”.

Những người theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp đã không khỏi sững sờ khi không hiểu tại sao một giám khảo chấm thi nhảy lại cứ để ý tới… mông, ngực mà cứ nói lồ lộ, trần trụi, suồng sã đến vô duyên như thế. 

“Ngu” mới làm giám khảo

Đây là câu nói đúc rút của nhạc sĩ Trần Tiến sau lần vạ miệng ở Bước nhảy hoàn vũ. Và cũng từ đó về sau, hầu như hiếm mà bắt gặp được ông ngồi ở vị trí này nữa. Đến như đạo diễn Lê Hoàng, người đắt sô giám khảo nhất hiện nay cũng đồng tình quan điểm này. Vị đạo diễn “Gái nhảy” cho rằng, nghề giám khảo là cái ngu thứ năm sau bốn cái ngu mà dân gian Nam Bộ vẫn thường nói “làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng có trải nghiệm đắt giá và kết luận rằng: Truyền hình là nơi để khoe… cái dốt nhanh nhất trước hàng chục triệu người. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (Dũng khùng), người thường xuyên nhận được những lời mời ngồi ghế nóng cũng thành thật chia sẻ: Tôi đã từng từ chối nhiều lời mời, tôi không thích làm giám khảo nhiều sẽ bị ghét! 

Giám khảo Việt: Trịch thượng, suồng sã = vạ miệng?_2

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ít ngồi ghế giám khảo hơn trước

Quả đúng vậy! Như trường hợp họa mi núi rừng Tây Nguyên Siu Black những mùa đầu làm giám khảo của Vietnam Idol. Phong cách chất phác, tự tin, cùng nụ cười đầy sảng khoái một thời đi vào lòng công chúng. Thế nhưng càng về sau, chị càng khiến công chúng cảm thấy “chướng tai” với những trò đùa quá đà, những lời nhận xét vô thưởng vô phạt.

Hay cựu người mẫu Thúy Hạnh, người cũng từng được đông đảo công chúng mến mộ. Chị cũng thử sức ở nhiều lĩnh vực như đào tạo người mẫu, MC và cũng làm giám khảo của Vietnam’s Got Talent. Tuy nhiên, khán giả cũng tỏ rõ sự chán chường khi hình ảnh giám khảo của chị quá mờ nhạt. Quanh đi quẩn lại, người ta chỉ thấy một Thúy Hạnh nhàm chán trong những màn bật khóc, nhún nhẩy theo điệu nhạc hay những câu nói lặp đi lặp lại: "Tôi thích tiết mục này của bạn”; “Tôi đồng ý".

Nghề giám khảo mọc lên theo nhu cầu nảy sinh của hàng loạt chương trình truyền hình, gameshow, truyền hình thực tế… mà không có bất cứ khóa đào tạo bài bản nào. Bởi thế, không phải cứ giỏi chuyên môn, nổi tiếng là được mời làm giám khảo. Và cũng không phải ai có tài nói, tài chấm thi cũng “gật đầu” nhận lời trước những lời mời và mức cát sê vô cùng hấp dẫn.

Nói như nhạc sĩ Nguyễn Cường rằng, ông sẵn sàng tham gia làm giám khảo các chương trình, với điều kiện cát sê của mình phải cỡ nhiều nghìn USD. Lý giải về cái giá được cho là “trên trời” đó, vị nhạc sĩ này cho biết, phải hét giá như vật để người ta sợ quá mà trừ mình ra. Hoặc nếu có người "chịu chơi" bỏ ra số tiền đó thì mới xứng với việc  "chường" mặt ra để dư luận săm soi từng lời nói của mình như hệ quả mà các giám khảo đang phải đón nhận hiện nay.

Giám khảo Việt: Trịch thượng, suồng sã = vạ miệng?_3

"Nếu sớm biết nổi tiếng dễ thế này, tôi đã nhận lời làm giám khảo từ lâu" - NS Quốc Trung

Rõ ràng, ngoài kiến thức chuyên môn, khả năng nói, sự tỉnh táo của một cái đầu lạnh để quan sát toàn bộ diễn biến cuộc thi cũng như điều khiển được những lời nói của mình thì cái duyên cũng chính là yếu tố quyết định sự thành công của những người ngồi vị trí ghế nóng. Thêm một ít bông đùa biết đâu lại trở thành vạ miệng. Bớt một chút khắt khe biết đâu lại nhận được những lời khen. Quan trọng là người giám khảo phải đủ tỉnh táo để điều tiết lời nói của mình sao cho “hợp” lòng công chúng. 

Rất nhiều giám khảo sinh ra từ các chương trình nhưng để đi vào lòng công chúng lại dường như rất hiếm. Mấy ai may mắn được như nhạc sĩ Quốc Trung, sau khi Vietnam Idol kết thúc, có hẳn một fanPage "Hội những người phát cuồng vì nhạc sỹ Quốc Trung" trên mạng xã hội. 

Còn tên tuổi của vị nhạc sĩ đầu trọc này thì nổi đến mức chính anh cũng phải tếu táo thừa nhận: "Mấy chục năm làm nhạc tử tế của tôi chẳng giúp tôi được nhiều người biết đến như mấy tháng ngồi ghế nóng Vietnam Idol. Nếu sớm biết nổi tiếng dễ thế này, tôi đã nhận lời làm giám khảo từ lâu".

Theo Infonet.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC