Giới trẻ ngày càng có xu hướng đốt nhiều thời gian lang thang trên mạng internet để giải trí. Họ chơi game, bói toán trên facebook, viết blog… hoặc dành thời gian rảnh rỗi còn lại cho việc mua sắm, tụ tập. Không ít người quay lưng, thờ ơ với nghệ thuật truyền thống.
Chèo hay rock?
Lê Thị Ngọc Mai, sinh viên (SV) năm cuối ĐH Ngoại thương, thú nhận chưa một lần đi xem kịch hay tuồng chèo... những chương trình mang tính truyền thống. Thậm chí có lần được tặng cặp vé đi xem kịch, nhưng Ngọc Mai không đi. Trong khi đó, Ngọc Mai lại năng nổ, nhiệt tình tham gia bất kỳ chương trình vui nhộn nào của trường do Đoàn, Hội sinh viên tổ chức. Ngoài giờ học, cô dành thời gian lướt nét. Với cô đó là nhu cầu không thể thiếu hàng ngày.
Tương tự, nhiều SV khi được hỏi đều có chung câu trả lời là chưa từng đi xem, hoặc quan tâm đến các chương trình văn hóa nghệ thuật truyền thống. Còn nếu ở trường có một buổi biểu diễn rock thì SV sẵn sàng chen lấn, xô đẩy để được phê cùng rock.
Rất ít người như Quỳnh Lê trường ĐH Khoa học XH& NV Hà Nội. Ngay từ năm thứ nhất, cô và nhóm bạn thường hay đến Hội Lim ở Bắc Ninh. Đi chỉ vì trí tò mò, muốn biết lễ hội có gì hay, đi để khám phá. Khi nghe liền anh, liền chị hát quan họ, cô mới thực sự mê và từ đó tìm hiểu về các chương trình nghệ thuật truyền thống. Vì thế, những chương trình triễn lãm văn hóa vùng miền cô đã không bỏ sót.
Tiền hay lối sống?
Từ tháng 7/2009, Nhà văn hóa Học sinh, sinh viên Hà Nội (Nhà VH HSSV) phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ, Đoàn kịch II triển khai chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ quần chúng và giới trẻ.
Rạp Thanh niên (Nhà VH HSSV) công diễn các chương trình bao gồm: kịch, hài kịch, cải lương, múa truyền thống…đều đặn một tuần hai buổi vào tối thứ Sáu, Bảy. Các chương trình công diễn được treo băng rôn, áp phích rầm rộ, quảng cáo trên một số phương tiện truyền thông nhằm thu hút giới trẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó giám đốc Nhà VH HSSV, cho biết chương trình với các tiểu phẩm rất gần gũi với giới trẻ. Mục tiêu ban đầu của Nhà VH HSSV là lấp kín 500 chỗ trong hội trường nên từ tháng 7/2009 giá vé ưu đãi 60.000 đồng/cặp.
Tuy nhiên, nhiều SV khi được hỏi đều lắc đầu trả lời chưa từng mua vé xem ở Nhà VH HSSV. Một số cho rằng, có thích xem chương trình nghệ thuật đặc biệt là hài kịch, nhưng bỏ số tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng để xem kịch thì khá ngần ngại, trong khi còn có nhiều lựa chọn khác.
Theo nghệ sĩ Chí Trung, Trưởng đoàn kịch II của Nhà hát Tuổi trẻ, đối tượng khản giả đến xem chủ yếu là người có tuổi, rất ít bạn trẻ. Tháng 9/2009 khi hết thời gian ưu đãi giá vé, lượng khán giả giảm chỉ còn một nửa và người trẻ đột nhiên vắng bóng. “Không phải sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung không có tiền vì họ có tiền mua sắm, giải trí ở những nơi khác”, nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ.
Cũng theo nghệ sĩ Chí Trung, chương trình Sân khấu học đường có kế hoạch diễn trực tiếp tại 55 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội từ tháng 11, nhưng đang khó về kinh phí.
Theo Tiềnphong.