Hồ Gươm đêm giao thừaCứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, người Hà Nội lại bâng khâng, náo nức trước nhịp quay của thời gian, sự chuyển vần, giao hòa của trời đất.

Thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người đều hướng về chốn linh thiêng của đất Thăng Long nghìn năm, đó là hồ Hoàn Kiếm hay thường gọi là hồ Gươm, Bờ Hồ.

Xuân năm nay, Thủ đô Hà Nội đón chào một sự kiện đặc biệt trọng đại. Đó là, Kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm. Người Hà Nội cùng cả nước hồi hộp chờ đón thời khắc giao thừa lần thứ 1.000. Một giao thừa vừa thiêng liêng vừa tự hào của con người, vùng đất ngút trời hào khí núi sông đang ngẩng cao đầu, tự tin bước vững chắc vào tương lai...

Sự phân định của thiên nhiên, địa lý cho miền Bắc cái rét về mùa đông với những cánh đào thắm; cái nắng nồng ở miền Nam với mai vàng khoe sắc. Giao thừa ở Hà Nội, giao thừa ở hồ Gươm mang một sắc thái, phong vị đặc biệt không giống bất cứ nơi đâu.

Hồ Gươm - nơi trả kiếm (Hoàn Kiếm) cho thần Kim Quy (rùa vàng) của người anh hùng dân tộc - vua Lê Lợi, sau chiến thắng giặc Minh đã trở thành một huyền tích, linh thiêng với ắp đầy sắc màu của huyền thoại, lịch sử, văn hóa... Hồ Gươm ngày nay qua bao thăng trầm của lịch sử, biến thiên của trời đất, hiện là trung tâm, trái tim của Hà Nội, là một vùng không gian mở đi vào khu phố cổ. Cũng bởi là trung tâm mà mọi người, mọi ngả đường của đất nước, của Hà Nội cũng đều đổ về đây và từ đây tỏa đi bốn phương.

Thật đúng như trong “Thiên đô chiếu” của vua Lý Thái Tổ - người khai sinh ra kinh thành Thăng Long xưa: “...Là nơi trung tâm của trời đất...”. Người Pháp từ trước và ngày nay chúng ta đều lấy mốc cây số 0 bắt đầu từ hồ Gươm mà tính. Mọi ngả phố của Hà Nội cũng được đánh số nhà bắt đầu từ hồ Gươm mà lớn dần, vươn xa... Bao quanh hồ Gươm có gần 20 đường phố đổ về và từ đây tỏa đi, với những phố: Tràng Tiền, Hàng Bài, Bà Triệu, Tràng Thi, Lê Thạch, Lê Lai, Trần Nguyên Hãn, Hàng Dầu, Lò Sũ, hồ Gươm, Đinh Lễ, Hàng Đào, Lương Văn Can, Hàng Gai, Bảo Khánh, Hàng Trống, Lê Thái Tổ...

Cũng bởi vậy, đêm giao thừa ở hồ Gươm mang một ý nghĩa rất thiêng liêng, nhuốm màu tâm linh, lễ hội. Người Hà Nội đi đón giao thừa, chơi giao thừa quanh hồ Gươm.

Những ngày áp Tết, hồ Gươm đã được khoác chiếc áo muôn sắc bởi ánh đèn tỏa lung linh. Khi tấm voan sương mùa đông bắt đầu buông bóng, cả không gian hồ Gươm hiện lên rực rỡ, huyền ảo. Tháp Rùa lộng lẫy mà tao nhã như trong mơ, xa xa hướng Bắc rực rỡ mà trang nghiêm hiện lên một quầng ánh sáng là đảo Ngọc Sơn với đình Trấn Ba và đền Ngọc Sơn. Vắt như dải lụa cong, như vành trăng khuyết, như chiếc lược mềm chải vào mái tóc - sắc hồ dáng đỏ đến thổn thức, lay động của cầu Thê Húc... Cả một không gian huyền ảo như mơ mà có thực, mà náo nức vẫy gọi người Hà Nội đến với giao thừa hồ Gươm.

Cái giá rét của mùa đông không làm vợi đi lòng người đến với hồ Gươm vào thời khắc trời đất giao hòa; ngược lại, như một chút men say khiến lòng người thêm rộn rã, bâng khâng. Sau bữa cơm tất niên chiều 30 Tết của đại gia đình với nhiều thế hệ: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu...  sau mọi lo toan của công việc, làm ăn trong năm với những tất bật mua sắm những ngày giáp Tết; người Hà Nội thảnh thơi, ung dung đi đón giao thừa, chơi giao thừa, ngắm giao thừa.

Xứ Bắc thời điểm này, cái rét mang theo cả mùa xuân ẩm ướt vào dịp chớm xuân; khiến thời khắc đêm giao thừa hồ Gươm mỗi năm mỗi khác: năm thì khô ráo, se se lạnh; năm lại mưa phùn và rét đến cắt da cắt thịt. Nhưng cho dù thời tiết thế nào, đã trở thành một phong tục, người Hà Nội đều đến với hồ Gươm đêm giao thừa.

Khoảng   8-9 giờ tối, mọi người diện những bộ trang phục đẹp, lịch sự, sang trọng nhất từ mọi nơi, mọi nẻo phố như những dòng sông người chảy về hồ Gươm. Đông nhất trong những dòng sông người vẫn là lớp trai gái trẻ tuổi. Nhiều gia đình cả vợ chồng con cái cùng ngồi trên chiếc xe máy trôi về hồ Gươm. Trên các trục vỉa hè không thiếu các cụ ông, cụ bà ăn vận trang trọng, lững thững dạo bộ đến với hồ Gươm đêm giao thừa để “Ôn cố tri tân”, để được sống trong không khí lễ hội tưng bừng, được cảm nhận sự thiêng liêng mà đất trời đã ban tặng riêng cho hồ Gươm mỗi năm chỉ có một lần.

Năm nào Hà Nội cũng tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội... xung quanh hồ Gươm trong đêm giao thừa và những ngày Tết. Nhiều  năm nay, mỗi độ giao thừa, hồ Gươm là biểu tượng, là đầu cầu truyền hình về Hà Nội - Thủ đô đón giao thừa. Khoảng 10 giờ đêm, xung quanh hồ Gươm người đông như nêm. Gương mặt ai cũng rạng rỡ, hồ hởi và phơi phới nét xuân. Người Hà Nội ung dung thả bộ ngắm nhìn, hít thở thật sâu, cảm nhận thật đầy đủ cái không khí, cái hơi thở của đất trời của lòng người ở chốn linh thiêng tích tụ hồn khí núi sông... Người Hà Nội đi đón giao thừa, chơi giao thừa mỗi năm một lịch sự, tao nhã hơn.

Kim đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện thành phố đang nhích dần, thời khắc năm mới sắp đến. Nhiều đôi trai gái hối hả giục nhau mà trong lòng đầy tiếc nuối phải về nhà trước giao thừa. Không giờ đã điểm. Cả không gian quanh hồ Gươm như lặng đi giây lát rồi bừng lên sống động hơn, nhộn nhịp hơn, náo nức hơn... Ai cũng muốn hít thật sâu hơn vào lồng ngực cái không khí hữu hình và vô hình đầy huyền hoặc của giao thừa hồ Gươm. Mưa, nếu có, mặc mưa.

Rét, mặc rét. Sức ấm từ con người, từ chiều sâu lịch sử-văn hóa, từ không khí hòa nhập cộng đồng được tỏa lan và trào lên sức xuân một năm mới... Cả một biển người xung quanh hồ Gươm, mỗi người một cung bậc tình cảm, đều phấn chấn ngẩng cao đầu chiêm ngưỡng bầu trời hồ Gươm lung linh, diệu huyền bởi những chùm pháo hoa rực rỡ nở bùng, tỏa lan trong không gian mênh mông đầy sống động... Và, biết đâu dưới làn nước mênh mang mặt hồ, “Cụ Rùa” cũng đang ngẩng đầu chào đón Giao thừa lần thứ 1.000 - một giao thừa đầy ý nghĩa và linh thiêng... cùng các con cháu của dòng giống Tiên, Rồng...

Hồ Gươm đêm Giao thừa. Nếu chưa một lần được tận hưởng e rằng trong cõi tâm linh, tâm hồn vẫn còn trống, thiếu....

Theo ANTĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC