Khi chương trình The Voice Kids lên sóng, bên cạnh sự hồn nhiên, trong sáng của các thí sinh nhí, khán giả còn có cảm tình với đôi vợ chồng trẻ cùng ngồi ghế giám khảo là nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - ca sĩ Lưu Hương Giang.
Gia đình nghệ sĩ này đã cho thấy họ yêu con nít đến chừng nào qua sự tận tâm, hào hứng khi huấn luyện các thí sinh. Hơn thế nữa, tình cảm khắng khít của hai người còn làm nhiều khán giả ngưỡng mộ bởi như chính anh chị tự nhận xét: “Vợ chồng tôi vẫn còn teen lắm!”.
Không so sánh vợ có đảm đang bằng người khác hay không
Vì sao anh và Lưu Hương Giang nhận lời làm huấn luyện viên chương trình The Voice Kids?
Đầu tiên là vì chương trình có format hay, thêm nữa tôi cũng muốn tìm hiểu về tư duy của lứa tuổi này. Các em là những cô bé, cậu bé ở lứa tuổi khác hẳn mình. Tư duy của các em về cuộc sống, âm nhạc rất khác. Việc mình tiếp xúc với các em cũng là để làm mới bản thân, đặc biệt với một người làm nghệ thuật, việc cập nhật rất quan trọng. Càng tiếp xúc với các em, chúng tôi càng thấy mình đã quyết định đúng khi nhận lời làm huấn luyện viên chương trình này. Trẻ con bây giờ tự tin hơn ngày trước, các em dám thể hiện cái tôi rất nhiều.
Có sự liên quan nào giữa việc anh vừa trở thành bố và muốn học cách hiểu trẻ con không?
Cũng có một phần. Vì The Voice Kids mà cả gia đình đã Nam tiến. Hiện Mina của chúng tôi ở với bà ngoại trong căn nhà của người quen cho mượn dưới Vũng Tàu. Tuy không phải ngày nào chúng tôi cũng về thăm, nhưng khi cháu ở trong này, hết việc là có thể về với con ngay. Con bé hay bị ốm, cũng chỉ là bệnh đường hô hấp thôi, nhưng ở đây thời tiết tốt hơn nên “bạn ấy” ít phải gặp bác sĩ hơn ở Hà Nội (cười).
Thói quen của một ông bố có bị thay đổi nhiều so với cuộc sống trước đây?
Có thay đổi đấy. Chẳng hạn ngày xưa, tôi thích đi câu lắm, mỗi năm cũng phải vài chuyến đi xa. Ngày xưa đi nhiều, đi đến nỗi suốt ngày bị vợ mắng. Nhưng từ ngày có con thì bó tay, bận suốt ngày, chẳng còn thời gian nữa.
Quen nhau 6 năm mới quyết định cưới, Hồ Hoài Anh và Lưu Hương Giang hiểu rõ tính cách của nhau để tránh vợ chồng cãi vã.
Từ ngày có con, Lưu Hương Giang ít xuất hiện trên báo chí, hình như cô ấy dành toàn tâm cho thiên chức làm mẹ. Anh đã đỡ đần thế nào với vợ trong việc này?
Nói chung là cờ đến tay ai người ấy phất. Tôi nghĩ nhiều cặp vợ chồng trẻ bây giờ đều không còn suy nghĩ việc gì vợ phải làm, việc gì chồng phải làm. Ví dụ nhiều khi vợ cũng phải làm những việc của đàn ông hoặc ngược lại khi người kia vắng nhà. Vợ chồng tôi cũng vậy. Tôi đi công tác nhiều nên có lúc Giang phải chỉ đạo mọi việc. Đồ điện hỏng phải đưa ra quyết định sửa chữa. Nhưng bù lại khi vợ đi diễn, tôi cũng phải chăm con, nấu cơm.
Kể cả thay tã cho con?
Cái đó quá đơn giản, mà lại còn sung sướng ấy. Buồn cười nhất lúc con mới chào đời, tôi bế con còn run run nhưng vẫn thích làm mọi việc cho bé. Giang ít sữa lắm, chỉ cho con bú tầm hơn một tháng là tự nhiên mất sữa nên Mina của chúng tôi cũng thiệt thòi.
Có con rồi sẽ lộ ra rằng vợ mình đảm đang hay ngược lại. Trong mắt anh, bà mẹ Lưu Hương Giang như thế nào?
Cái này tôi hoàn toàn không biết đâu. Đảm hay không đúng là khó nói, vì thực ra mình cũng không tiếp xúc với các bà mẹ trẻ khác để so sánh (cười). Nhưng tôi thấy tình cảm của một người mẹ dành cho con lúc nào cũng vô bờ bến cả và Giang cũng vậy. Vì thế tôi rất yên tâm.
Chúng tôi hầu như không phải nhắc nhau chuyện chăm con vì bản thân Giang rất yêu con, lúc nào cũng lo không dành được nhiều thời gian cho bé.
Nhưng lần đầu làm bố mẹ chắc cũng có nhiều bỡ ngỡ. Anh chị cần sự trợ giúp thế nào cho việc chăm con nhỏ?
Bà ngoại thường xuyên ở bên, bà nội khi cần cũng có mặt ngay lập tức. Ngoài ra chúng tôi có hai người giúp việc. Thế mà khi con ốm, cả nhà vẫn náo loạn như thường. Tôi cho rằng vì lần đầu có con, còn thiếu kinh nghiệm nên thế.
Hai người giúp việc, tức là anh có một căn nhà to lắm?
Không đâu, nhà tôi nhỏ thôi nhưng khi cần vẫn phải nhờ người phụ giúp. Một lo việc nhà, một giúp chăm em bé. Thế nhưng chúng tôi không giao phó con cho người giúp việc mà vẫn muốn tự tay chăm sóc bé từ cho ăn, tắm rửa, ru ngủ. Khi Giang đi diễn, tôi hoặc bà ngoại sẽ tự tay chăm cho cháu. Chúng tôi cần người giúp đỡ vì con gái của tôi hay bị ốm.
Giang làm tôi đẹp hơn còn tôi khiến Giang sống chậm lại
Anh thích tĩnh còn Giang thích động. Có bao giờ vì những ý thích trái ngược mà hai người “cơm không lành canh không ngọt”?
Tôi và Giang đã yêu và tìm hiểu nhau sáu năm mới tiến tới hôn nhân, thêm nữa cũng trải qua sóng gió đủ kiểu nên khi về sống chung cũng đã biết rõ cá tính của nhau. Thỉnh thoảng, vợ chồng cũng có tranh luận, nhưng cãi nhau lớn tiếng thì không. Bản thân tôi và Giang đều là những người ưa hòa bình.
Nhìn thế thôi chứ Giang cũng yếu đuối và mềm mỏng đấy. Tất nhiên tôi vẫn cho rằng cuộc sống vợ chồng chẳng ai nói trước được điều gì. Chẳng ai có thể có sự hoàn hảo. Quan trọng là bây giờ chúng tôi đều cảm thấy trân trọng những điều mình đang có.
Sau đám cưới, Lưu Hương Giang chia sẻ trên báo chí về chồng thế này: “Hoài Anh là một người đàn ông tốt và cả tin. Vì thế, anh ấy ra ngoài dễ bị người khác làm lay động”. Bây giờ đã ngoài 30 tuổi, Hồ Hoài Anh có thấy mình khác trước?
Thật ra mình chưa già, cũng chẳng còn trẻ, nhưng rõ ràng đã có những trải nghiệm nhất định. Nói ra điều này nghe có vẻ sách vở nhưng rõ ràng càng ngày tôi càng thấy cuộc đời có bao lâu đâu mà u ám hay phải nghĩ về những điều không tốt. Thêm nữa, tôi luôn quan niệm cuộc sống bây giờ chẳng biết trước ngày mai còn mất thế nào, vậy tại sao phải nặng nề hay quan trọng hóa một điều gì.
Tôi sống đến bây giờ chưa từng biết ghét ai, giận ai lâu cả, mặc dù cũng có người chọc giận hoặc làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Chỉ có người nào làm ảnh hưởng quá lớn đến nghề nghiệp của tôi thì bản thân mới xí xóa nghĩ rằng người ta cũng cần sống, cần sinh tồn nên mới phải làm thế. Tôi biết gạt bỏ những thứ làm mình không thoải mái.
Ngay cả việc vợ chồng dành thời gian riêng cho nhau, tôi cũng cảm thấy không có nhiều sự khác biệt lắm với lúc chúng tôi còn yêu nhau hoặc lúc chưa có con. Tôi với Giang có một điều may mắn là bạn của chồng cũng là bạn của vợ và ngược lại, nên chúng tôi có nhiều thời gian chia sẻ cùng nhau. Thêm nữa, hai vợ chồng cũng còn trẻ chán, nhìn vậy chứ teen lắm (cười).
Trò chuyện với anh càng lâu tôi càng nhận ra cách sống lẫn con đường anh chọn đi luôn chậm và ẩn hơn so với người khác. Và hình như anh đã kéo cả một nghệ sĩ biểu diễn như Giang cùng đi chậm lại?
Rõ ràng là thế. Ngay cả sở thích của Giang cũng dần thay đổi rất nhiều. Ngày xưa Giang thích những thứ khác bây giờ lắm. Ngay như chuyện nhạc, trước Giang thích rock, mà rock nặng, rock metal luôn ấy, dần dần bây giờ Giang thích nhạc sâu hơn, trữ tình hơn như nhạc soul, R&B... Thậm chí, đến sở thích về nhà cửa cũng khác, lúc trước Giang thích nhà hiện đại, lắp nhiều cửa kính, bây giờ lại chỉ thích nhà truyền thống, nhà cổ.
Anh nhận ra sự ảnh hưởng của mình với vợ rất nhanh. Còn ngược lại, anh có nhận thấy Giang đã làm một thầy giáo dạy đàn bầu như anh thay đổi thế nào?
Có chứ. Sống cùng “đồng chí” ấy, “đồng chí” giúp tôi cập nhật mọi thứ tốt hơn từ âm nhạc đến thời trang. Giang làm cho vẻ bề ngoài của tôi trở nên đẹp hơn, thời trang hơn và quan trọng hơn cả là không bị cũ đi cả trong âm nhạc lẫn cuộc sống. Mà tôi thấy sự thay đổi của hai đứa rất tự nhiên chứ không ai ép buộc ai cả.
Thế chuyện người đàn ông ở giữa hai người đàn bà là mẹ và vợ, có bao giờ anh rơi vào tình thế khó xử?
Chuyện “mẹ chồng nàng dâu” là muôn thuở nên chắc chẳng bao giờ tránh được. Nhưng mẹ tôi là một nghệ sĩ (NSND đàn bầu Thanh Tâm), bà hiểu cuộc sống của người làm nghề rất rõ. Thêm nữa, bố mẹ nào bây giờ chẳng chăm con, con chỉ ho lên cái là đã sợ rồi nên các ông bà tranh nhau mà quan tâm.
Mẹ tôi lại là người tương đối khéo léo trong ứng xử. Bà sống với dượng. Dượng tôi cũng có một người con riêng. Mẹ sống trong hoàn cảnh đó lâu rồi nên bà cũng biết cách để gìn giữ tình cảm gia đình.
Thực ra tôi vẫn nghĩ chẳng có cái gì khó nếu mọi người thực sự luôn muốn hết lòng vì nhau.
Cô con gái đáng yêu của Hồ Hoài Anh và Lưu Hương Giang.
Bây giờ anh còn nhiều thời gian chơi đàn bầu không?
Chơi đúng nghĩa thì không, nhưng tôi còn đi dạy nên vẫn tiếp xúc với đàn bầu nhiều. Mà công việc người thầy dạy đàn, đặc biệt là đàn dân tộc thì ngoài truyền khẩu, việc thị phạm cũng vô cùng quan trọng nên ngày nào lên lớp tôi cũng đánh đàn cho các bạn học theo.
Bắt đầu với nghề nhạc bằng đàn bầu chứ không phải một nhạc cụ phương Tây, điều này giúp anh tư duy thế nào để có những sản phẩm âm nhạc như hiện tại?
Cái đó thể hiện rất rõ đấy. Nghệ thuật dân tộc có cái hay là phát huy rất tốt những cái thuộc về tâm hồn, còn cái hiện đại thiên về kỹ thuật hơn. Đàn bầu là thứ chú trọng phần tâm hồn, cái gân, cái ngón. Khi làm nhạc nhẹ, đương nhiên mình phải học thêm nhưng tôi cho rằng mình có môi trường sống tốt để nuôi dưỡng tâm hồn.
Hàng năm, tôi đều tham gia biểu diễn cùng các dàn nhạc dân tộc ở châu Á, châu Âu. Tôi đi nhiều, gặp nhiều bạn bè nước ngoài cũng khiến tư duy thay đổi. Âm nhạc dù hiện đại hay truyền thống, tất cả đều bắt nguồn từ cội nguồn thôi.
Cảm ơn Hồ Hoài Anh đã chia sẻ!
Theo Mốt và cuộc sống.